Cần rút ngắn khoảng cách giữa văn bản và thực tế cuộc sống (*)
Ngày 29.7, tại kỳ họp lần thứ nhất Quốc hội khóa XIV, các đại biểu thảo luận về tình hình KT-XH và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2016 và bàn các giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm. Dưới đây là phát biểu của đại biểu Lý Tiết Hạnh, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bình Định.
Trước hết, tôi bày tỏ sự nhất trí cao báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2016 được trình bày trước Quốc hội.
Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định (hàng sau) chụp hình lưu niệm với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ và Quốc hội (hàng trước) tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV.
Trong 6 tháng qua, mặc dù đất nước có nhiều sự kiện quan trọng diễn ra, kinh tế gặp nhiều khó khăn, thách thức; tình hình thế giới có nhiều yếu tố không thuận, tác động xấu đến đất nước ta; tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm chỉ đạt 5,52%, thấp hơn cùng kỳ, thấp hơn kế hoạch đề ra; nhưng cũng cần khẳng định, chúng ta đã có những nỗ lực, cố gắng lớn và đã đạt được nhiều kết quả trên các lĩnh vực. Tôi cơ bản thống nhất với đánh giá về những kết quả mà báo cáo đã đề ra.
Tuy nhiên, nhận định, đánh giá về những tồn tại, hạn chế, tôi cho rằng hiện nay, có tình trạng chính sách ban hành thì nhiều; nhưng việc thực hiện các chính sách, đưa chính sách từ văn bản để đi vào cuộc sống thì khoảng cách còn quá xa. Nguyên nhân thì có nhiều, trong đó, có nguyên nhân chủ quan thuộc về công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành, đó là kỷ cương hành chính của chúng ta chưa nghiêm, thể hiện cả trong việc ban hành chính sách, thực hiện chính sách, kiểm tra, giám sát, đánh giá...
Tôi xin đơn cử về việc thực hiện Nghị định (NĐ) 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản. NĐ 67/CP được ban hành kịp thời, thể hiện sự nhạy bén, quyết liệt của Chính phủ trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện chậm, có nhiều khó khăn, ách tắc. Mặc dù Chính phủ đã có nghị định; nhưng trong thực tế, tại Bình Định, việc phê duyệt danh sách số tàu đủ điều kiện đóng mới chỉ đạt 68% (209/305 tàu); ký hợp đồng tín dụng, thi công đóng tàu chỉ đạt 13% so với số lượng được phân bổ. Việc triển khai đóng mới tàu vỏ gỗ theo NĐ 67/CP gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, việc lựa chọn các mẫu tàu không phù hợp với trình độ, tập quán khai thác của người dân, vận hành khó, chi phí cao... đã gây tâm lý lo lắng, phân vân cho một số chủ tàu.
Chiều 27.7.2016, Ban liên lạc Sư đoàn 3 Sao Vàng do Trung tướng Nguyễn Như Hoạt - Trưởng Ban liên lạc - dẫn đầu, đến thăm và chúc mừng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định tham dự kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV.
Ban liên lạc đã trao đổi, kiến nghị với Đoàn ĐBQH tỉnh về một số nội dung như: các ĐBQH quan tâm phản ánh những tâm tư, nguyện vọng của cử tri đến Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành; kiến nghị các cơ quan của tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh giữ mối quan hệ thường xuyên với Sư đoàn 3 Sao Vàng, thắt chặt tình cảm gắn bó giữa tỉnh và đơn vị...
Tuy nhiên, rào cản lớn nhất hiện nay không phải chỉ từ phía ngư dân, chính quyền, mà chính là từ sự vào cuộc dè dặt của các ngân hàng thương mại (NHTM). Về khách quan, NHTM phải bảo vệ, bảo đảm an toàn đồng vốn của họ, nên có nhiều thủ tục giấy tờ ràng buộc, mà ngư dân không quen với việc phải làm các thủ tục hành chính rườm rà; trong khi đó việc hướng dẫn của chính quyền, cán bộ ngân hàng chưa cụ thể, thủ tục nhiêu khê, kéo dài. Do đó, một số chủ tàu đăng ký đóng tàu vỏ gỗ theo NĐ 67/CP chuyển sang đóng tàu bằng vốn tự có và vốn vay thương mại. Điều này là không đúng theo tinh thần NĐ 67 của Chính phủ, sẽ gây nhiều khó khăn cho tỉnh, cho người dân.
Kính thưa Quốc hội, hàng ngàn ngư dân của chúng tôi đang chờ vốn, các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước. Hàng trăm con tàu đang chờ để có thể căng buồm ra khơi và lợi ích của mỗi người dân gắn liền với lợi ích quốc gia, đặc biệt là trong tình hình hiện nay.
Từ thực trạng trên, với tinh thần của một Quốc hội hành động, Chính phủ hành động, tôi kiến nghị: Khi đã có chủ trương đúng đắn, cần có hành động đúng, kịp thời và kiên trì gắn với trách nhiệm của người thực hiện để chủ trương, chính sách thực sự đi vào cuộc sống. Đối với việc thực hiện NĐ 67/CP, tôi đề nghị Chính phủ cần có chỉ đạo cụ thể, quyết liệt hơn nữa; Ngân hàng Nhà nước phải kiểm tra thực tế tình hình giải ngân của các NHTM; hướng dẫn để các NHTM mạnh dạn hơn, yên tâm hơn trong việc đồng hành cùng ngư dân theo tinh thần NĐ 67/CP. Tôi cũng nhấn mạnh rằng, tôi không kiến nghị gì ngoài các quy định chung cả, chỉ cần thực hiện nghiêm các văn bản đã được ban hành... Để từ đó, ngư dân sẽ yên tâm vươn khơi bám biển, tham gia phát triển kinh tế biển và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
ĐBQH LÝ TIẾT HẠNH
(*) - Tít bài do TS đặt.