Cứ phải... “sau khi...”!?
Sau khi một chiếc tàu du lịch chở khách du lịch bất ngờ bị chìm trên sông Hàn (Đà Nẵng) khi vừa rời bến, làm 3 người chết và hàng chục người khác hoảng loạn, thì ngành giao thông cả nước mới vào cuộc kiểm tra tình hình vận tải thủy nội địa và phát hiện ra vô số hạn chế, bất cập liên quan đến an toàn. Liền sau đó, các chỉ thị từ nhiều cấp mới được đưa ra nhằm “vá” các “lỗ hổng” về luật pháp, chế tài xử lý… trong lĩnh vực này. Thế là toàn hệ thống phải “vào cuộc” bằng một đợt tổng kiểm tra, rà soát về an toàn đã như một chiến dịch trong phạm vi cả nước.
Sau khi một nhà bè chứa hàng trăm khách du lịch đang vui chơi, ăn uống bất ngờ chìm nghỉm xuống vịnh Vĩnh Hy (Ninh Thuận) thì cả chính quyền và các cơ quan quản lý chuyên ngành mới “ngớ” ra không biết nhà bè nổi trên mặt biển này xếp vào loại phương tiện hay công trình gì, tiêu chuẩn quy định ra sao, cấp phép thế nào… Và rồi sau đó, cũng tương tự như vụ chìm tàu du lịch ở Đà Nẵng, chính quyền tỉnh Ninh Thuận và nhiều địa phương khác, cũng “vào cuộc” tiến hành tổng kiểm tra loại hình kinh doanh này và phát hiện vô số bất cập liên quan đến công tác quản lý và an toàn. Nhiều nơi đã tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh để chấn chỉnh các vấn đề liên quan đến an toàn ở nhà bè trên sông, trên biển như một giải pháp có tính… “tức thì” sau sự cố nói trên.
Sau khi các phóng viên đưa hình ảnh về việc vứt heo chết bừa bãi ra môi trường, làm ô nhiễm cả một khu vực ở thượng nguồn sông Sài Gòn thuộc tỉnh Bình Phước, thì các cơ quan chức năng địa phương mới biết đó là “sản phẩm” của một công ty chăn nuôi trên địa bàn. Đáng nói là việc vứt heo chết như vậy đã diễn ra một thời gian dài, thực hiện hàng ngày và mỗi ngày tới hàng chục con, nhưng hầu như không ai biết dù người dân thì kêu trời vì hôi thối (!).
Và rất nhiều những câu chuyện “sau khi…” tương tự ở rất nhiều lĩnh vực rất thiết thân, rất ảnh hưởng đến sự an toàn của mọi người như vậy vẫn hàng ngày hàng giờ diễn ra trong đời sống. Thật là đáng tiếc khi hệ thống luật pháp đã có, các cơ quan chức năng, quản lý được tổ chức bài bản, có hệ thống từ Trung ương tới tận xã, phường mà lại xảy ra nhiều sự vụ như vậy. Mặc dù năm nào cũng có tổng kết, đánh giá tình hình nhưng hầu như chỉ đến khi đụng chuyện thì đã là… “sự đã rồi” và các cơ quan này mới “vào cuộc” để rút kinh nghiệm một cách muộn màng.
Không rõ đến khi nào thì công tác quản lý các lĩnh vực thiết yếu trong đời sống xã hội mới hết cảnh… “giật mình” sau mỗi sự cố đáng tiếc đã xảy ra!
H.Đ