Con trẻ phạm tội: Lỗi đầu tiên thuộc về cha mẹ
Theo cơ quan chức năng, các vụ phạm pháp hình sự liên quan thanh thiếu niên gần đây có chiều hướng gia tăng. Có nhiều lý do phạm tội, song cốt lõi vẫn là sự buông lỏng quản lý, cưng chiều con thái quá và bao che tội cho con một cách mù quáng của các bậc làm cha, làm mẹ.
Một phiên xử bị cáo ở độ tuổi thanh niên phạm tội cố ý gây thương tích.
Che tội cho con
Với ý nghĩ giúp con trốn được ngày nào hay ngày đó, nên khi biết hai con trai của mình là Nguyễn Văn Bin (SN 1991) và Nguyễn Văn Sang (SN 1993) cùng một số đối tượng khác bị khởi tố, truy nã về tội cưỡng đoạt tài sản, bà V. (phường Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn) khuyên con bỏ trốn. Và đến khi hay tin Sang đã bị cơ quan chức năng bắt trong lúc đang lẩn trốn ở Đắk Lắk, bà V. tiếp tục sai lầm khi cố gắng liên hệ với Bin để báo tin, khuyên con trốn đi nơi khác. Được mẹ mách nước, Bin chuyển chỗ, đến sống cùng bạn gái tại một khu chung cư trên địa bàn phường 11, quận 5, TP Hồ Chí Minh. Mọi sinh hoạt của Bin từ ăn uống, liên lạc đều nhờ bạn gái vì Bin nghe lời mẹ dặn: Không ra ngoài, “cố thủ” tại khu nhà trọ. Khi bị tra tay vào còng số tám, Bin chống đối quyết liệt và liên tục gọi mẹ...
Tương tự, cha mẹ yêu chiều con đến mức để tình cảm lấn át lý trí cũng là nguyên nhân khiến con không “lớn” nổi dù đã là thanh niên. Khi con trai là Nguyễn Quốc Truyền (SN 1993, xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn) phạm tội cố ý gây thương tích, vợ chồng ông M., là cha mẹ Truyền, lo xin cho con tại ngoại với lời hứa sẽ quản lý con tốt. Bởi ông bà cho rằng, chỉ có sống cùng cha mẹ thì con mới đủ đầy và khỏe mạnh. Thế nhưng, chính trong thời gian chờ xét xử vụ án thì Truyền lại lôi kéo em trai tiếp tục phạm tội. Tháng 7, nắng như thiêu, vậy mà vợ chồng ông M. vẫn tất tả, kiên trì tại CA huyện để được gặp con, tiếp tế đồ ăn cho con. Ông M. giải thích: “Vợ chồng tôi có 3 đứa con, 1 đứa mất vì TNGT, nên bao nhiêu tình thương vợ chồng tôi dồn hết cho 2 đứa còn lại. Sợ nó thiếu thốn nên vợ chồng tôi mang đầy đủ từ đồ ăn, thuốc thang cho đến vật dụng cá nhân nó thường dùng”.
Cũng có trường hợp, khi biết con phạm tội, đích thân người mẹ đã xóa đi dấu vết hiện trường và tang vật, sau đó thì cản trở cơ quan chức năng làm nhiệm vụ điều tra, khai sai sự thật, để rồi cả mẹ và con cùng vào tù.
Cơ quan CA đang làm việc với nhóm trộm ở độ tuổi thanh thiếu niên.
Cần hướng con tới cái đúng
Tham dự nhiều phiên tòa, tôi có thói quen để ý những người thân của bị cáo khi dự khán. Đa phần trong số họ buồn tủi, bức rức vì tội lỗi con mình đã gây ra, song cũng có những phụ huynh cho rằng con phạm tội là do bị bạn xấu lôi kéo. Trong một vụ án giết người mà bị cáo ở tuổi phải có sự giám sát của gia đình, vị thẩm phán hỏi mẹ bị cáo: “Chị thấy hành động của con chị có nguy hiểm không?”. Thay cho câu trả lời, mẹ của bị cáo hỏi lại tòa: “Có ai muốn con mình hư hỏng, phạm tội không, thưa tòa?”. “Vậy tại sao gia đình không giáo dục con em mình tốt hơn?”, thẩm phán tiếp tục hỏi. Mẹ bị cáo thản nhiên trả lời: “Tôi đâu thể theo nó thường xuyên, do nó chơi với bạn xấu nên mới như vậy!”.
Theo ông Đỗ Tấn Phước, Trưởng phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử án hình sự về trị an, an ninh, ma túy, Viện KSND tỉnh, thì hành vi phạm pháp của các em, trách nhiệm trước hết thuộc về các bậc làm cha làm mẹ. Với sự quản lý lỏng lẻo của gia đình, sự nuông chiều của người thân, đến khi con trẻ phạm tội, họ mới giật mình ân hận thì sự cũng đã rồi. Như phân trần của cha bị cáo P.L.K. (TX An Nhơn), phạm tội “vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” khi chỉ còn 1 tháng nữa là tròn 18 tuổi. Ông nói: “Biết là chưa đến tuổi được phép lái xe, nhưng thấy cháu nó đòi quá nên vợ chồng tôi mua xe để nó bằng bạn bằng bè. Giờ nghĩ lại mới thấy lỗi là do mình, nếu vợ chồng tôi kiên quyết không mua xe cho nó thì đâu có cảnh như ngày hôm nay, rồi tương lai của nó sẽ còn dở dang…”.
Ai sinh con ra cũng mong muốn con sẽ nên người, thành người có ích cho xã hội. Nhưng cũng không ai lường trước được điều gì khi con cái lỡ làm điều sai quấy. Mà bi kịch gia đình thì sẽ dẫn đến bi kịch cho xã hội. Điều này cho thấy, gia đình có một vai trò quan trọng đối với việc giáo dục, hình thành nhân cách cho con cái. Nếu mỗi gia đình đều xây dựng một nền tảng tốt cho con cái thì sẽ hạn chế được những bi kịch ấy.
THÀNH LONG – KIỀU ANH