Thức ăn nhanh: Tiện - lợi tùy người
Ở Quy Nhơn, thức ăn nhanh (fast food) đang xuất hiện khá nhiều, từ các thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài như KFC, Lotteria, Jolibee… đến gà rán Vietfood, Five Star của Việt Nam. Dù có nhiều quan điểm trái chiều, chủ yếu là ảnh hưởng đến sức khỏe con người, thì fast food vẫn gắn với hình ảnh của giới trẻ năng động, hiện đại.
Trẻ con rất thích ăn các món ăn ở cửa hàng thức ăn nhanh.
Sức hút - không chỉ ở món ăn
Nếu có dịp ghé các cửa hàng KFC, Lotteria, Jolibee ở khu trung tâm thương mại Big C Quy Nhơn hoặc ở đường Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Huệ vào giờ trưa hay chiều tối, mọi người sẽ cảm nhận rõ không khí nhộn nhịp nơi đây. Khách đến cửa hàng thuộc nhiều độ tuổi khác nhau, từ các bé 5 - 6 tuổi đến tuổi teen, thanh niên, cả những người đã đi làm. Giá của fast food đa dạng, từ vài chục ngàn đồng đến trên dưới một trăm ngàn đồng/phần ăn.
Ngoài việc chìu theo sở thích của các con, nhiều phụ huynh “kết” fast food bởi sự tiện dụng. Chị Nguyễn Thị Mỹ Dung (phường Lê Lợi), chia sẻ: “Trước đây, khi đón con từ trường về, tôi phải vào bếp nấu tạm món gì đó để con ăn đỡ đói rồi đi học thêm. Giờ thì tôi luân phiên mua các món: Gà rán, khoai tây chiên, hamburger… cho chúng ăn, để đỡ tốn công và thời gian nấu ở nhà. Dù giá có đắt hơn so với nấu nhưng tôi thấy tiện và sạch sẽ, phục vụ chu đáo”.
Ngoài ra, các cửa hàng fast food cũng khá “đắt sô” tổ chức sinh nhật. Chị Lê Thị Mai Trinh (phường Đống Đa) kể: “Đây là lần đầu tiên, tôi cho con gái học lớp 6 tổ chức sinh nhật ở cửa hàng thức ăn nhanh Jolibee. Do đã từng đi ăn tiệc sinh nhật của các bạn trong lớp, con gái tôi cứ khen thức ăn ngon, đa dạng món, không gian sang trọng, lại còn có quản trò nên năn nỉ ba mẹ cho tổ chức sinh nhật ở đây. Tôi đã đặt trước cả tuần mà cũng không được chọn phòng đẹp nhất”.
Các cửa hàng fast food còn bắt kịp thị hiếu khách hàng, đa số là người trẻ, bằng việc đa dạng thực đơn kèm giá hợp lý, như bổ sung món cơm gà giá chỉ từ 30.000đ/dĩa, trà sữa giá 14.000đ/ly, kem ốc 3.000 đồng/cây... Mỗi thương hiệu có một thế mạnh riêng để hút thực khách cũng như cách chế biến phù hợp với khẩu vị của người dân địa phương.
Không chỉ được ưa chuộng ở những tiệm sang trọng, fast food với các món đa dạng tương tự các hãng nổi tiếng cũng khá phổ biến ở những quán vỉa hè dọc các con đường Lê Hồng Phong, Nguyễn Tất Thành nối dài, Ngô Mây, Nguyễn Thái Học… Quan trọng hơn, giá cả các quán này “mềm” hơn so với fast food có thương hiệu.
Lợi hay hại?
Fast food là sản phẩm của văn hóa và ẩm thực phương Tây, nhằm đáp ứng nhu cầu của lối sống và tác phong làm việc công nghiệp, với các đặc điểm chế biến và sử dụng: nhanh, tiện lợi, gọn. Khi du nhập vào Việt Nam và trở nên thịnh hành ở các đô thị, fast food không chỉ là thức ăn nhanh, mà còn được hiểu đơn giản như đồ ăn vặt có “đẳng cấp”. Mặt khác, một phần thực khách, chủ yếu là giới trẻ, thích vào các cửa hàng fast food bởi tâm lý thích cái mới, sính ngoại. Việc vào ăn ở một nơi sang trọng, món ăn đến từ thương hiệu nổi tiếng thế giới khiến nhiều bạn trẻ cảm thấy mình sành điệu hơn, thể hiện được lối sống hiện đại. Điều đó chỉ đúng một phần. Mặt trái của nó đã được các chuyên gia dinh dưỡng phân tích là nguy cơ mất cân đối về dinh dưỡng, và sức khỏe có thể bị ảnh hưởng bởi một số chất độc hại sinh ra trong quá trình chế biến.
Chị Trần Thị Trinh (39 tuổi, phường Lê Lợi) hạn chế không cho con sử dụng các món ăn fast food vì: “Tôi đọc khá nhiều lài liệu cho rằng các món fast food nhiều calori và cholesterol nên có khả năng gây béo phì cho những ai có xu hướng lạm dụng chúng. Việc sử dụng đồ ăn nhanh nhiều cũng dễ khiến người ta trì trệ hơn bởi không phải đi chợ mua thực phẩm, nấu nướng... Các nghiên cứu y tế cho thấy việc dùng fast food và nước ngọt có gas, soda... thường xuyên sẽ không tốt cho chức năng gan”.
Mặt khác, thức ăn nhanh không chỉ được hiểu là đồ ăn chế biến sẵn và phục vụ cho người ăn một cách nhanh chóng tại cửa hàng, mà còn bao gồm cả các loại thực phẩm có thời gian chế biến ngắn, cách chế biến đơn giản tại nhà và tiện lợi khi mang đi, như bánh mì, mì, bún, phở, miến, hủ tiếu ăn liền… Theo PGS, TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội), trong thức ăn nhanh, đặc biệt là các sản phẩm đóng túi, chứa nhiều chất phụ gia không tốt cho sức khỏe.
Có rất nhiều nhận định xuất phát từ yếu tố dinh dưỡng học liên quan đến fast food, bao hàm không ít quan điểm trái chiều. Một số quan niệm đúng - sai do các nhà khoa học đưa ra để tham khảo như:
- Một trong những tác hại lớn nhất của thức ăn chiên xào, nhiều dầu mỡ là ảnh hưởng đến việc kiểm soát lượng đường trong máu. Chất béo bão hòa và lượng muối trong gà rán hoặc pizza cũng dễ “tiếp tay” cho sự xuất hiện của chứng tiểu đường, tăng cholesterol.
- Gây nghiện. Trẻ rất dễ bị “hớp hồn” trước vị béo ngậy, mặn và giòn của các món fast food. Việc tiêu thụ nhiều và liên tục một loại thực phẩm cố định, về lâu dài, sẽ tác động tiêu cực đến cân bằng dinh dưỡng và quá trình trao đổi chất trong cơ thể bé.
- Không phải là nguyên nhân chính dẫn đến béo phì. Thức ăn nhanh là một trong những tác nhân gây béo phì, nhưng cách tiêu thụ và giải phóng năng lượng mất cân đối ở mỗi người, mới là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến béo phì. Trong nhiều thực đơn thức ăn nhanh hiện thời vẫn xuất hiện kha khá các lựa chọn “xanh” và lành mạnh cho trẻ (súp đậu, salad rau, bánh trái cây hoặc sữa ít béo..)
- Không cần thiết cấm trẻ con. Bạn nên cẩn trọng lựa chọn và cân bằng khẩu phần ăn (giữa thực đơn ăn nhanh và thực đơn thông thường) để trẻ vừa có cảm giác được ăn ngon, bạn vừa đỡ lo nghĩ về chuyện dư thừa dưỡng chất.
CÔNG HIẾU