Chim mía Tây Sơn
Mỗi lần ghé huyện Tây Sơn, tôi lại tìm đến quán ăn có món đặc sản chim mía. Nhớ lần đầu, nhìn chiếc dĩa trắng phau, có hơn chục con chim nhỏ xíu dù được nướng vàng óng mà vẫn “hãi”. Phải tới khi các bạn đi cùng động viên, thậm chí thách đố, tôi mới dám nếm thử con chim mía nhỏ xíu kia. Thêm vài lần “bạo dạn” nữa, tôi đâm “nghiện” và thích món này.
Tây Sơn có những đồng mía lớn, và câu thơ “Ai về Kiên Mỹ, Phú Phong/ Ăn con chim mía thỏa lòng ước ao”. Những con chim có hình dáng nhỏ hơn chim sẻ một chút sống trong các đồng mía được người dân nơi đây gọi chim mía. Tôi chưa từng chứng kiến cảnh bắt chim mía mà chỉ nghe những chủ quán kể lại rằng, loài chim này sống theo bầy đông đúc, lên cả hàng trăm, hàng ngàn con trên các đồng mía. Người ta bắt chim bằng cách dùng các tấm lưới lớn bao quanh từng ruộng mía, sau đó dùng những cây sào dài đập vào từng lá mía rung đuổi chim. Cứ thế, chim mía bay lên mắc vào lưới.
Mùa chim mía thường bắt đầu cuối mùa đông đến hết mùa xuân. Những con chim mía mùa này béo núc. Người sành chế biến chim mía cho hay, món chim mía ngon nhất, được nhiều người chọn dùng là nướng và chiên giòn. Sau khi làm sạch thì ướp chim với gia vị, chỉ là muối hột giã nhỏ, ớt, hành, tiêu, tỏi, cho thêm chút bột ngọt. Mỗi cách chế biến, món chim mía đem lại mùi vị khác nhau. Trên ngọn lửa than hồng, bạn trở chim mía thật đều tay cho chín vàng đều, mỡ của chim rướm ra rớt xuống bếp hồng than kêu xèo xèo là đủ khiến thực khách nức mũi đợi chờ. Với món chim mía chiên giòn thì ngon là phải dùng loại dầu phộng được khử hành thơm phức, bỏ chim đã tẩm ướp vào chiên đến khi vàng rụm thì vớt ra để ráo dầu. Khi dùng, xếp chim mía ra dĩa, rắc lên trên ít hạt mè rang cho đẹp mắt, trang trí chút rau răm, cà rốt hay vài lát khế chua vườn nhà là vừa đẹp mắt vừa đủ vị.
Dân gian cho rằng chim mía giàu dinh dưỡng, mùi vị thơm ngon nên được gọi là "nhân sâm trên trời". Thưởng thức món chim mía phải kèm vài ly rượu đậu xanh nổi tiếng ở Tây Sơn là đủ lâng lâng.
BÙI NGHĨA