Chuyện… “học - hành”!
Như vậy là hàng triệu học sinh trong cả nước bắt đầu thực hiện việc đăng ký dự tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Đây là thời điểm hàng trăm ngàn gia đình hết sức băn khoăn với việc chọn trường, chọn ngành cho con em. Lựa chọn trường nào để dự tuyển vào cho chắc ăn, chọn ngành học nào để sau này dễ có việc làm, có thu nhập cao, có cơ hội thăng tiến… luôn là một ẩn số khó đoán định trong chuyện… “học - hành” của mỗi người.
Thực tế nhiều năm qua cho thấy, những học sinh giỏi thuộc diện “gạo trên sàng” thường chọn vào học ở các trường tên tuổi, các trường còn lại là sự lựa chọn dành cho số đông ứng viên tùy năng lực hcọ tập và khả năng tài chính. Dù sự lựa chọn hôm nay có thế nào thì điều mà mọi sinh viên đều mong muốn là sau khi có được trong tay tấm bằng đại học, cao đẳng, khi ra trường sẽ có cơ hội tìm được việc làm, thu nhập tốt hay thăng tiến và thành đạt trong tương lai.
Tuy nhiên, không phải bất cứ tấm bằng kỹ sư hay cử nhân nào cũng đều được các nhà tuyển dụng chào đón. Con số hàng trăm ngàn cử nhân đại học, cử nhân cao đẳng và không ít thạc sĩ thất nghiệp cho thấy sự khắc nghiệt của thị trường lao động hiện nay. Mức độ cạnh tranh việc làm được dự báo là sẽ còn gay gắt hơn khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chính thức có hiệu lực trong một hai năm tới. Vì vậy, đã đến lúc cách suy nghĩ vào bằng được đại học, thậm chí học trường nào cũng được, vốn đã ăn sâu vào tiềm thức trong xã hội trong nhiều năm qua, là điều mỗi gia đình và từng người nên nhìn nhận lại và có sự thay đổi cho phù hợp với thực tiễn. Mỗi người trước khi lựa chọn hay quyết định con đường học tập của mình cần xác định rõ định hướng nghề nghiệp của mình, xét trong mối tương quan giữa nhu cầu của bản thân và xã hội, không nên cố vào đại học để rồi… lãng phí thời gian và tiền bạc.
Để đáp ứng nhu cầu thực tiễn, vấn đề đặt ra là các trường đại học, cao đẳng cần phải thay đổi cách tuyển sinh, quá trình đào tạo để hình thành những sản phẩm mới phù hợp với yêu cầu của xã hội. Việc tuyển sinh để đào tạo hàng năm cần lấy căn cứ từ nhu cầu thực tế, dựa trên những dự báo cụ thể, chi tiết nguồn nhân lực để sinh viên ra trường được thị trường lao động tiếp nhận ngay. Hiện đã có một số cơ sở đào tạo thực hiện liên kết với các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp lớn để có những phương án đào tạo thiết thực theo kiểu “đơn đặt hàng” là cách làm cần được nhân rộng. Điều quan trọng hàng đầu là hoạt động đào tạo cần đi vào thực chất để không chỉ đảm bảo mang lại việc làm thu nhập cho người được đào tạo, mà còn tạo ra động lực mạnh mẽ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Hải Đăng