TRÊN DIỄN ĐÀN QUỐC HỘI
Góp ý báo cáo tình hình KT-XH năm 2016 của chính phủ
Để bổ sung vào nội dung trong báo cáo tình hình KT-XH 6 tháng đầu năm và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm của Chính phủ tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định) góp ý 2 nội dung về lĩnh vực giao thông và lĩnh vực văn hóa. Dưới đây là góp ý của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh.
Về lĩnh vực giao thông
Tôi đồng tình với đánh giá của Ủy ban Kinh tế Quốc hội về việc triển khai hình thức đầu tư BOT mặc dù đóng góp nhiều mặt, tích cực nhất là đã huy động nguồn lực lớn ngoài ngân sách nhà nước đầu tư cho ngành giao thông, tạo thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân và doanh nghiệp (DN); tuy nhiên quá trình triển khai còn nhiều bất cập, thiếu quy hoạch, quản lý chưa chặt chẽ dẫn đến tổng mức đầu tư cao, mật độ trạm thu phí dày, việc thu phí chưa minh bạch đã làm tăng thêm gánh nặng chi phí của người dân, tăng chi phí sản xuất kinh doanh của DN, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm trong nước.
Bế mạc kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV.
Báo chí vừa rồi có nêu BOT đường bộ thì xếp hàng làm, đường sắt, đường thủy thì không thấy ai làm. Thực trạng ngành giao thông vận tải (GTVT) hiện nay và cả trong quy hoạch GTVT cũng cho thấy sự phát triển không cân đối giữa các lĩnh vực giao thông đường bộ, đường hàng không, đường sắt, đường thủy. Đường sắt theo chức năng là ngành vận tải hàng hóa đường dài và trung bình, khối lượng lớn cần phải là ngành vận tải hàng hóa chủ lực, nhưng trong thực tế và trong các chiến lược, quy hoạch thì thị phần rất thấp so với tiềm năng. Trong chiến lược và quy hoạch thì đến 2020 thị phần vận tải hàng hóa của ngành đường sắt chỉ chiếm 1-3% và đến 2030 thì chiếm 4-5% và thực tế thì hiện chỉ đạt 0,59%.
Giao thông còn đầu tư không đồng bộ và còn xảy ra ngay trong cùng 1 hệ thống như hệ thống đường sắt đô thị của Thủ đô. Tuy mới triển khai xây dựng 2 tuyến là tuyến Cát Linh - Hà Đông và tuyến Nhổn - Ga Hà Nội nhưng đã cho thấy có sự không đồng bộ. 2 tuyến có 2 chủ đầu tư, sử dụng 2 công nghệ, kết nối 2 tuyến cũng còn nhiều bất cập, ảnh hưởng đến sự phát triển của Thủ đô.
Nguyên nhân của sự thiếu đồng bộ trong hệ thống giao thông có thể nói là do từ khâu quy hoạch, kế hoạch và thực tế thực hiện.
Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 335 về chiến lược phát triển GTVT Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, nhưng toàn ngành lại chưa có quy hoạch chung cho phát triển GTVT cả nước, để từ đó làm căn cứ xây dựng các quy hoạch khác được đồng bộ. Có quy hoạch của các ngành tương đương nhưng người ra quyết định lại khác nhau, như Quy hoạch phát triển GTVT đường bộ Việt Nam thì Thủ tướng quyết định còn Quy hoạch tổng thể phát triển GTVT đường thủy nội địa Việt Nam thì Bộ trưởng quyết định.
Các lĩnh vực GTVT đều là để chở người và vận chuyển hàng hóa, nếu phát triển đồng bộ theo quy hoạch chung sẽ tạo điều kiện cho người dân, DN chọn được phương thức GTVT phù hợp với nhu cầu của mình, có nhiều loại hàng hóa cần sử dụng vận tải đa phương thức như đường thủy kết hợp đường sắt, đường bộ kết hợp đường sắt… giúp tăng hiệu quả chung của toàn ngành GTVT, nhưng hiện nay đường sắt đã không theo kịp các lĩnh vực giao thông khác.
Đường sắt trên lý thuyết là phương thức vận tải hàng hóa số lượng lớn giá rẻ, nhưng hiện nay đường sắt ít được DN sử dụng do khâu bốc dỡ chậm, không cân đối được hàng hóa cho chiều đi và về nên chi phí cao, không có hệ thống vận tải đường bộ hỗ trợ hiệu quả để phát huy lợi thế của hình thức vận tải đa phương thức… Đây là do đầu tư cho lĩnh vực đường sắt còn rất ít, bên cạnh đó bản thân ngành đường sắt hoạt động thiếu hiệu quả khi chưa tách bạch giữa kinh doanh kết cấu hạ tầng và kinh doanh vận tải, chưa tạo điều kiện thuận lợi để DN tham gia đầu tư vào lĩnh vực đường sắt để tăng hiệu quả khai thác và tăng tính cạnh tranh.
Chúng ta cũng biết chắc vận chuyển hàng hóa số lượng lớn, đường dài thì đường sắt là hiệu quả nhất, phát triển vận tải đường sắt sẽ giúp năng cao sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước, giảm tải cho đường bộ, còn tiết kiệm chi phí bảo dưỡng đường bộ và giảm bớt tai nạn giao thông đường bộ. Chúng ta không ngại đầu tư các dự án lớn cũng với nâng cấp cho hệ đường sắt, quan trọng là các dự án từ khâu chuẩn bị đến khi thực hiện thì chúng ta phải có trách nhiệm đối với từng đồng tiền thuế của dân, phải sử dụng minh bạch, hiệu quả, vì lợi ích chung của người dân và của toàn xã hội như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu khi nhậm chức.
Với phân tích nêu trên, tôi đề nghị Bộ GTVT sớm có kế hoạch xây dựng quy hoạch chung cho GTVT toàn quốc trình Chính phủ quyết định phê duyệt khi luật Quy hoạch và Luật đường sắt (sửa đổi) được thông qua tại kỳ họp thứ ba theo kế hoạch, đảm bảo phát triển đồng bộ giữa các ngành giao thông, nâng cao hiệu quả hoạt động của toàn ngành. Cân đối, đảm bảo bố trí đủ nguồn lực, thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không ngừng nâng cao hiệu quả đầu tư cho công tác quy hoạch, cho đầu tư phát triển hạ tầng giao thông; khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư nhằm huy động, tranh thủ mọi nguồn lực trong nước và quốc tế để phát triển hạ tầng giao thông.
Đặc biệt quan tâm phát triển đường sắt, đầu tư để tận dụng hết tiềm năng của ngành, trong đó phải quan tâm đến công nghiệp đường sắt, ứng dụng khoa học công nghệ trong vận hành hệ thống, có kế hoạch nâng cao hơn thị phần vận tải đường sắt trong các quy hoạch và thực tế nguồn đầu tư, quan tâm đầu tư kết nối giữa các ngành giao thông với đường sắt để nâng cao hiệu quả của hoạt động vận tải đa phương thức, sớm thực hiện tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước và chức năng kinh doanh trong ngành vực đường sắt, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân ngoài nhà nước tham gia vào phát triển ngành đường sắt.
Về lĩnh vực văn hóa
Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển KT-XH. Văn hóa thì không có cao thấp giữa nước này với nước khác, dân tộc này với dân tộc khác, cộng đồng này với cộng đồng khác, vì văn hóa được hình thành và phát triển qua các giai đoạn lịch sử phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của mỗi quốc gia, dân tộc, mỗi cộng đồng. Tuy nhiên văn hóa cũng không ngừng phát triển và tiếp thu văn minh cũng là góp phần phát triển văn hóa.
Đối với Việt Nam nói chung và các trung tâm đô thị nói riêng, ứng xử văn minh nơi công cộng đang được nhiều người nhắc đến. Một hành vi không phù hợp có thể sẽ làm phiền hay khó xử cho người khác, có những hành vi kém văn minh còn gây xung đột dẫn đến xô xát, gây thương tích, án mạng trong gia đình, nhà trường, bệnh viện và ngoài xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Nguyên nhân chính là do tác động của kinh tế thị trường, do việc tăng dân số cơ học, do giáo dục và do quản lý nhà nước. Tại các đô thị hiện nay, các hoạt động nơi công cộng thì có người già, người trẻ, công nhân, nông dân, trí thức, người khá giả, người còn khó khăn, người đã sống lâu năm ở thành thị, người từ nông thôn lên làm việc, định cư, có khách du lịch trong nước và khách nước ngoài… Mỗi người có một cách sống, cách hành xử riêng. Nếu pháp luật không quy định về các hành vi bị cấm nơi công cộng thì không ai có thể áp đặt được cách sống của mình cho người khác, không ai có thể nói cách cử xử của mình là đúng, của người khác là sai. Như vậy khi có sự khác nhau trong cách hành xử nơi công cộng thì sẽ dễ dàng dẫn đến xung đột.
Vì vậy, tôi đề nghị Bộ VH-TT&DL cần xây dựng Bộ quy tắc ứng xử văn minh tại các nơi công cộng để mọi người của mọi thành phần, giai tầng trong xã hội cùng thực hiện bình đẳng, trước hết là thực hiện tại các thành phố du lịch và các trung tâm đô thị. Như Đà Nẵng đã xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch nên người dân và khách du lịch đã điều chỉnh thói quen, ứng xử tốt hơn với người khác, với môi trường và cộng đồng. Đây là một cách làm cần được nhân rộng.
Chúng ta cần tăng cường tuyên truyền bằng hình ảnh, trực quan sinh động để người dân dễ thực hiện không chỉ tuyên truyền bằng các văn bản chỉ đạo, bằng các loa phóng thanh. Tôi cũng đề nghị Bộ GD&ĐT cũng đưa các bộ quy tắc này vào các chương trình giáo dục để giúp các em nhỏ hình thành thói quen sống tốt, để trở thành công dân phát triển toàn diện.
Cũng cần phải có chế tài xử lý khi có vi phạm. Chúng ta quan sát tại bệnh viện, công viên, sân bay, xe buýt, dù đã có quy định chỗ ngồi nào là ưu tiên cho người già, trẻ em, phụ nữ có thai, người tàn tật; nhưng các thanh niên, trai tráng vẫn vô tư chiếm chỗ mà không ai xử lý, để những hành vi kém văn minh như thế vẫn diễn ra phổ biến.
Sống văn minh không chỉ là một trong các mục tiêu phát triển, mà đây còn là để thay đổi cái nhìn của thế giới về đất nước Việt Nam ngàn năm văn hiến, giúp du lịch tăng trưởng, giúp cho đất nước, con người Việt Nam phát triển hài hòa cả về kinh tế lẫn xã hội.
ĐB NGUYỄN VĂN CẢNH