Chủ tịch nước: “An toàn thực phẩm cũng là an ninh quốc gia”
Nhìn nhận chế tài về vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đủ sức răn đe, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nói sẽ đề xuất tăng cường xử lý hình sự các vi phạm trong lĩnh vực này.
Sáng 2.8, phản ánh với Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các đại biểu Quốc hội, cử tri quận 4 (TP HCM) bày tỏ sự bức xúc, lo lắng về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. "Báo chí nói rất nhiều, người dân ý kiến rất nhiều nhưng đâu lại vào đấy. Dăm ba bữa lại thấy hàng tấn thịt lợn thối, rau nhiễm độc khiến người dân rất bất an, không biết phải ăn gì, uống gì", ông Cao Ngọc Lên cho biết.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang trả lời các kiến nghị của cử tri quận 4.
Tương tự, cử tri Lê Đức Lượng nói rằng, dù có đến 3 Bộ quản lý chất lượng thực phẩm nhưng ngày nào cũng có thông tin về thực phẩm bẩn. Hàng ngày chất độc vẫn ngang nhiên tồn tại. Ăn thịt thì sợ chất tạo nạc, rau thì sợ thuốc.
"Người dân chỉ biết kêu trời chứ không biết làm sao nữa. Đề nghị Quốc hội phải có biện pháp cụ thể, phải nghiêm khắc hơn nữa để tăng tính răn đe và cần xác định rõ trách nhiệm cụ thể cho từng bộ, ngành, tránh tình trạng đùn đẩy như hiện nay", ông Lượng đề nghị.
Ghi nhận những lo lắng của người dân, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng những phản ánh của cử tri về tình trạng thực phẩm mất vệ sinh là hoàn toàn xác đáng.
"Đó thực sự là vấn đề hết sức quan ngại, đe dọa cuộc sống hàng ngày hàng giờ của bà con và của cả chúng tôi. Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm là an toàn xã hội, ảnh hưởng đến việc người dân có an cư, lạc nghiệp hay không. Đây cũng là một trong những bộ phận cấu thành của an ninh quốc gia nên không thể xem nhẹ được", ông Quang khẳng định.
Theo Chủ tịch nước, dù thời gian qua nhà nước đã có nhiều biện pháp quan tâm đến công tác bảo đảm vệ sinh thực phẩm nhưng kết quả vẫn còn khiêm tốn, chưa đáp ứng kỳ vọng của người dân. Ông cũng nhìn nhận công tác phối hợp trong quản lý vệ sinh thực phẩm còn chồng chéo, sơ hở, trách nhiệm chưa rõ ràng. Lúc nói thuộc quản lý của Bộ Y tế, lúc nói Bộ Nông nghiệp, khi thì Công thương.
"Có một bữa cơm thôi mà không biết trách nhiệm của ai? Chính vì vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn gây nhiều bức xúc cho người dân nên Quốc hội đã quyết định chọn nội dung này để giám sát chuyên đề", Chủ tịch nước nói.
"Tôi thấy ở nước ngoài, một quán ăn mà gây ngộ độc cho khách hàng sẽ bị đóng cửa ngay rồi mới xem xét sau. Nếu chưa kết luận được thì họ cũng tạm thời không cho hoạt động đến khi có kết quả cuối cùng. Luật của chúng ta còn nhiều cái chưa đủ sức răn đe, quy định 'gây hậu quả nghiêm trọng' vẫn còn chung chung. Thế nào là nghiêm trọng? Chẳng lẽ chết người mới mới xử lý được hay sao? Lúc đó thì còn nói làm gì nữa?", Chủ tịch nước nói thêm.
Người đứng đầu nhà nước cho biết sắp tới sẽ đề xuất bổ sung các quy định pháp luật theo hướng tăng xử lý hình sự với những vi phạm trong lĩnh vực này. "Chúng ta không hình sự hóa nhưng phải tùy theo mức độ vi phạm để có biện pháp xử lý đủ sức răn đe, phòng ngừa và đề cao trách nhiệm của chính quyền. Như thế mới xử lý được những kẻ vô lương tâm, hám tiền, thiếu trách nhiệm xã hội vẫn sử dụng chất cấm trong chế biến thực phẩm", ông nói.
Theo Hữu Công (VnExpress)