Cần ngăn chặn hiệu quả tình trạng băng nhóm đánh nhau
Tình trạng băng nhóm đánh nhau, gây rối trật tự công cộng vẫn đang gây bức xúc cho người dân ở các địa phương. Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2016, trên địa bàn tỉnh xảy ra 71 vụ cố ý gây thương tích (chiếm 20% số vụ phạm pháp hình sự), đi kèm là gây rối trật tự công cộng. Đó là chưa kể số vụ băng nhóm đánh nhau chưa xảy ra thương tích.
Đặc điểm chung của các vụ việc băng nhóm đánh nhau là đối tượng tham gia chủ yếu ở lứa tuổi thanh thiếu niên, bản chất côn đồ, xem thường pháp luật. Mỗi băng nhóm có 20 - 30 thanh niên hoặc đông hơn nữa tham gia, do những đối tượng có tiền án tiền sự về tội cố ý gây thương tích và gây rối trật tự công cộng chủ mưu, cầm đầu, thách thức đánh nhau với băng nhóm khác.
Tháng 6 vừa qua, CA TP Quy Nhơn đã triệt phá băng nhóm, khởi tố, bắt tạm giam 24 đối tượng của 2 băng nhóm ở phường Lê Hồng Phong. Theo xác minh của CA Quy Nhơn, 2 nhóm đối tượng này đã huy động đến 60 đối tượng tham gia, giao đấu 8 trận, kéo dài gần 3 ngày. Hậu quả do 2 băng nhóm này gây ra không chỉ làm bị thương 1 người, 2 xe máy bị đập phá, mà là sự bức xúc, bất an của người dân về tình trạng đánh nhau, gây rối trật tự công cộng.
Các băng nhóm đánh nhau thường không có mâu thuẫn gì lớn. Bọn chúng đã ngầm thách thức nhau trên mạng xã hội, đến khi gặp nhau, chỉ cần một cái nhìn, một lời nói “khó ưa” là có thể đánh nhau. Khi đã tụ tập băng nhóm, các đối tượng tự quay các đoạn clip, đăng lên mạng xã hội giới thiệu từng thành viên của nhóm, đại ca của nhóm, hung khí của nhóm, hình xăm, mục đích là để ra oai và thách đấu với các băng nhóm khác. Hai băng nhóm ở xã Hoài Hảo và Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn) trước khi giao đấu với nhau đã đăng những đoạn clip như vậy để ngầm thách đấu. Vì vậy, khi gặp mặt nhau, dù không có mâu thuẫn gì đáng kể, hai nhóm sẵn sàng sát phạt nhau, làm Dương Phương Bình (SN 1995, ở xã Hoài Hảo), là đại ca của nhóm Hoài Hảo thiệt mạng.
Các băng nhóm ở các vùng nông thôn thường có mâu thuẫn âm ỉ, kéo dài nhưng do không được giải quyết, ngăn chặn kịp thời nên xảy ra đánh nhau, gây bức xúc trong nhân dân. Thời gian qua, CA các đơn vị, địa phương đã phát hiện, triệt xóa 81 nhóm/355 đối tượng. Cơ quan CSĐT các đơn vị, địa phương đã khởi tố, bắt giam gần 200 đối tượng cố ý gây thương tích và gây rối trật tự công cộng. Ở hầu hết các địa phương có xảy ra tình trạng băng nhóm đánh nhau, các cơ quan tố tụng đều chọn án loại này làm án điểm.
Để phòng ngừa và ngăn chặn hiệu quả tình trạng băng nhóm đánh nhau, CA các địa phương cần tiếp tục chủ động tham mưu cho cấp ủy chính quyền xây dựng các kế hoạch đảm bảo ANTT trên địa bàn, giải quyết việc làm cho thanh niên; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong nhân dân; tổ chức cho các hộ gia đình, nhà trường ký cam kết quản lý, giáo dục con em không vi phạm pháp luật. Điều đáng nói ở đây là công tác phòng ngừa đòi hỏi có sự chung tay của các ngành, đoàn thể, quan trọng nhất vẫn là sự quản lý, giáo dục từ phía gia đình.
NHẬT LINH