Chính sách với nạn nhân da cam: Cần kịp thời và thông thoáng
Hậu quả của chiến tranh vẫn còn đó trong hình hài, trí tuệ, sức khỏe của những đứa trẻ bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học (CĐHH). Hơn 40 năm hòa bình, CĐHH Dioxin vẫn đeo bám hàng ngàn người. Đáng nói, nó không dừng lại ở một thế hệ mà dai dẳng lan qua thế hệ con, cháu. Bình Định đã phát hiện thế thệ thứ 3 gánh chịu hậu quả chất độc da cam. Dù vậy, sự trợ giúp của Chính phủ cũng chỉ mới dừng lại ở thế hệ thứ nhất và thế hệ thứ 2.
“Làm thế nào để chính sách trợ giúp đến nhanh, kịp thời hơn với nạn nhân da cam” vẫn là một câu hỏi lớn. Bởi thực tế, còn rất nhiều nạn nhân chất độc da cam ở thế hệ thứ nhất và thứ 2 vẫn chưa được hưởng chính sách trợ giúp. Toàn tỉnh hiện có hơn 14.000 người phơi nhiễm chất độc da cam. Nhưng, mới chỉ có hơn 1.400 người được công nhận nhiễm CĐHH và được hưởng chế độ trợ cấp của Nhà nước, chiếm tỉ lệ 10,9%.
Gần 90% còn lại, vì rất nhiều lý do, vẫn phải tiếp tục sống lay lắt bởi bệnh tật, suy kiệt về nòi giống, nghèo đói. Cũng là bộ đội trở về từ chiến trường khốc liệt, cũng mang trên mình CĐHH, song vì mất giấy tờ gốc, nhiều người đang gặp khó khăn khi làm thủ tục xét duyệt, công nhận.
Trường hợp ông Huỳnh Ngọc Trang (84 tuổi, ở tổ 34, khu vực 4, phường Quang Trung, TP Quy Nhơn) là một ví dụ. Ông có 3 người con bị ảnh hưởng CĐHH nhưng đến nay đều không thể làm hồ sơ nạn nhân chất độc da cam. Trở về từ 2 cuộc kháng chiến nhưng giấy tờ duy nhất còn lại của ông là sổ bộ đội được cấp năm 1964 chứng thực ông từng chiến đấu tại chiến trường Bình - Trị - Thiên. Bản thân ông lại không có bệnh án nhiễm chất độc da cam. Ở tuổi xưa nay hiếm, vợ chồng ông vẫn còn phải chăm bẵm các con tuổi đã ngoài 30, 40 mắc bệnh tâm thần phân liệt, liệt toàn thân. Mọi chi tiêu trong nhà dựa hoàn toàn vào khoản trợ cấp xã hội chưa đến 1 triệu đồng/tháng.
Mở rộng hơn về đối tượng được hưởng chế độ chính sách CĐHH, đồng thời sớm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập liên quan đến quy trình xét duyệt được hưởng chế độ là điều hết sức cần thiết để hỗ trợ các gia đình nạn nhân da cam, góp phần an sinh xã hội. Điều này đã được các cấp Hội kiến nghị lên cấp Trung ương rất nhiều lần, nhất là trong Ngày nạn nhân chất độc da cam (10.8) hằng năm. Trung tướng Nguyễn Thế Lực, Phó Chủ tịch Trung ương Hội NNCĐDC Việt Nam cũng khẳng định tính bức thiết này tại buổi làm việc với Bình Định từ năm 2014. Dù vậy, đến nay, những kiến nghị trên vẫn chưa đi vào cuộc sống.
HÀ THANH