Hỗ trợ người sản xuất lúa theo NÐ 42 tại 2 xã Cát Hưng, Cát Thắng:
Dân thắc mắc chính quyền không minh bạch
Dù Nhà nước có chính sách hỗ trợ hộ sản xuất lúa nhưng 3 năm nay hàng trăm hộ nông dân ở hai xã Cát Hưng, Cát Thắng (Phù Cát) vẫn không được nhận tiền. Họ đã phản ánh chính quyền địa phương sử dụng số tiền này không đúng mục đích.
Nhiều hộ trồng lúa ở xã Cát Thắng không được nhận tiền hỗ trợ theo NĐ 42 (ảnh minh họa).
Theo Nghị định số 42/2012/NĐ-CP (gọi tắt là NĐ 42) ngày 11.5.2012 về việc quản lý, sử dụng đất trồng lúa thì người trực tiếp sản xuất lúa hằng năm được nhận số tiền hỗ trợ là 500 ngàn đồng/ha/năm, còn địa phương sản xuất lúa được hỗ trợ 500 ngàn đồng/ha/năm để xây dựng hạ tầng phục vụ nông nghiệp, nông thôn. Đây là chính sách ưu đãi nhằm phát triển cây lúa và động viên người trồng lúa tích cực tăng diện tích. Đến năm 2015, Nhà nước có văn bản khác thay thế NĐ 42.
Tuy nhiên, nhiều hộ nông dân ở xã Cát Hưng, phản ánh: Từ khi NĐ 42 được thực hiện, chính quyền địa phương chưa lần nào chi trả tiền hỗ trợ cho người dân; thậm chí, nhiều người còn chưa được cấp có thẩm quyền phổ biến về chính sách hỗ trợ này. Ông Nguyễn Văn Luận, 78 tuổi, ở thôn Mỹ Long, xã Cát Hưng, than phiền: “Gia đình tui có hơn 4 sào lúa, qua 3 năm thực hiện chính sách, chưa lần nào tui được nghe nói đến chuyện nhận tiền hỗ trợ từ trồng lúa!”.
Tương tự, người trồng lúa ở xã Cát Thắng cũng không được nhận tiền hỗ trợ theo quy định. Tuy nhiên, họ cho biết, chính quyền địa phương có thông báo về việc hỗ trợ trong cuộc họp dân nhưng đề nghị được giữ lại số tiền này để bê tông hóa kênh mương nội đồng; đồng thời lập biên bản đã lấy ý kiến của tất cả nhân dân nhưng thực chất chỉ một số người đại diện ký vào biên bản, một số khác không đồng tình với chủ trương này. Ông N.C, ở thôn Vĩnh Phú, xã Cát Thắng, bức xúc: “Chính quyền địa phương tự ý lấy tiền của dân để làm việc khác mà chưa được sự thống nhất hoàn toàn của người dân. Chưa kể, khi xây dựng xong công trình, chúng tôi cũng không nghe chính quyền công khai số tiền được giữ lại còn hay hết. Có chắc chắn là được đầu tư vào việc bê tông hóa kênh mương hay không?”.
Được biết, xã Cát Hưng có hơn 410 ha đất trồng lúa, xã Cát Thắng có hơn 570 ha, tương ứng với số tiền hằng năm người dân xã Cát Hưng được nhận là 205 triệu đồng, xã Cát Thắng là 285 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Tài, Chủ tịch UBND xã Cát Thắng, thừa nhận: “Đúng là có vụ việc như người dân phản ánh. Tuy nhiên, người dân cần hiểu rằng, việc bê tông hóa kênh mương nội đồng là để xây dựng hạ tầng nông nghiệp, nông thôn cho địa phương, trong đó, người dân là đối tượng hưởng lợi. Đến nay, xã đã bê tông hóa hơn 2,5 km kênh mương nội đồng, còn kinh phí thực hiện là bao nhiêu thì tôi chưa nắm rõ vì mới nhận nhiệm vụ”.
Còn ông Phạm Anh, Bí thư Đảng ủy xã Cát Hưng, nguyên Chủ tịch UBND xã Cát Hưng, lý giải: “Nếu chia tiền hỗ trợ theo NĐ 42 cho từng hộ trồng lúa thì số tiền nhận được rất ít nên chính quyền địa phương đưa toàn bộ số tiền này vào ngân sách xã để khi đến đợt quyên góp, vận động tiền xây dựng đường giao thông thì không huy động nữa. Việc làm này đã được đưa vào Nghị quyết của HĐND xã”.
Về vấn đề này, ông Bùi Quang Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, cho biết: Nếu các xã nói trên sử dụng tiền hỗ trợ cho người trồng lúa theo NĐ 42 để xây dựng cơ sở hạ tầng cho địa phương mà đã được sự đồng thuận của người dân thì đây là việc làm đúng. Đó cũng được xem là cách người dân quyên góp xây dựng nông thôn mới; tuy nhiên, để người dân có ý kiến thắc mắc, nhiều người không đồng tình là điều không nên. Việc chính quyền địa phương quản lý, chi tiêu số tiền có đúng hay không, UBND huyện sẽ cử phòng chuyên môn kiểm tra lại và công khai trước dư luận.
PHÚC LỘC