Sức trẻ ở một công trình “uống nước nhớ nguồn”
Đường từ hồ Núi Một lên cửa hang của di tích Khu căn cứ cách mạng An Trường (xã Nhơn Tân, TX An Nhơn) chủ yếu là đường rừng, rất khó đi. Ông Đào Xuân Huy, Phó Chủ tịch UBND TX An Nhơn, cho biết: “Dùng máy móc để làm đường lên đến hang của Khu căn cứ cách mạng này thì quá dễ, nhưng sẽ phá vỡ kết cấu tự nhiên của di tích. Với mong muốn các bạn trẻ tiếp tục phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, lãnh đạo thị xã đã quyết định giao cho Đoàn thanh niên thị xã đảm nhận xây dựng công trình thanh niên 450m đường (xây theo kiểu bậc tam cấp) vào Khu căn cứ”.
Hôm chúng tôi lên công trình cũng là ngày Chi đoàn dân quân xã Nhơn Phúc và Xã đoàn Nhơn Khánh đảm nhận vận chuyển vật liệu và phụ giúp thợ xây thi công công trình. Từ đầu đường vào Khu căn cứ nhìn lên dốc núi, chúng tôi đã thấy đội hình 4 tốp thanh niên với khoảng 40 người, mỗi tốp đứng cách nhau 100m, luân phiên vận chuyển đá, cát, sỏi và xi măng tập kết tại các điểm quy định. Do đường đi dốc và xa nên các bạn nam phải dùng giỏ sắt để khiêng đá lên cho được nhiều, các nữ yếu sức hơn thì xếp thành đội hình hàng ngang chuyền tay nhau từng viên đá. Mỗi người một tay, cứ như một dây chuyền, chỉ khác là ở đây lúc nào cũng có tiếng cười nói của các bạn trẻ. Quệt mồ hôi trên mặt, anh Nguyễn Minh Liêm, thanh niên xã Nhơn Khánh, vui vẻ chia sẻ: “Đang vào mùa gặt, công việc ở nhà cũng bận lắm nhưng được Xã đoàn vận động tham gia hoạt động tình nguyện trên này tôi chủ động sắp xếp để đi. Được góp sức tham gia xây dựng đường vào di tích, nơi năm xưa các cô, các chú hoạt động cách mạng, tôi cảm thấy rất ý nghĩa và tự hào”.
Còn anh Vũ Đình Khánh, 1 trong 5 thợ tham gia xây dựng công trình, không giấu được cảm xúc, bày tỏ: “Tôi nghĩ chỉ có thanh niên mới làm được công trình này, bởi tuy vất vả, nặng nhọc là vậy nhưng các bạn ấy làm việc rất nhiệt tình, lúc nào chúng tôi lên làm là cũng có sẵn vật liệu”.
Anh Mai Xuân Tiến, Bí thư Thị đoàn An Nhơn, cho biết: “Đây là công trình thanh niên năm 2016 của thị xã nên để việc thi công được thuận lợi, chúng tôi đã tổ chức cho 16 đơn vị trực thuộc với hơn 300 ĐVTN luân phiên nhau mỗi ngày. Lúc đầu, chúng tôi phân công mỗi ngày 1 đơn vị (huy động khoảng 20 ĐVTN) tham gia xây dựng công trình, đến khi thi công được khoảng 200m, vì độ dốc của núi quá lớn, việc vận chuyển vật liệu khó khăn hơn nên chúng tôi phải tăng thêm mỗi ngày 2 đơn vị. Bên cạnh đó, các đơn vị như Đoàn thanh niên Lữ đoàn 573, Ban quản lý làng Canh Tiến (xã Canh Liên, Vân Canh) cũng đã chi viện thêm lực lượng ĐVTN để giúp chúng tôi đảm bảo đúng tiến độ công trình. Dự kiến đến ngày 2.9, công trình sẽ được hoàn thành”.
Khu căn cứ cách mạng An Trường được UBND tỉnh xếp hạng di tích vào ngày 10.9.2007. Với vị trí chiến lược quan trọng, An Trường được chọn làm căn cứ địa cách mạng của tỉnh và huyện An Nhơn trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Từ căn cứ An Trường, phong trào cách mạng An Nhơn đã trưởng thành nhanh chóng: Từ đấu tranh giữ gìn, củng cố lực lượng tiến lên khởi nghĩa từng phần, mở ra một thời kỳ mới cho phong trào cách mạng địa phương; tạo tiền đề cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 kết thúc thắng lợi.
NGUYỄN HỒNG PHÚC