Ðể không xảy ra tranh chấp khi mua BHNT: Bên bán và bên mua cần thận trọng
Sau thời gian dài được nhân viên bán bảo hiểm (BH) nhiệt tình mời chào, ngày 7.3.2016, bà Võ Thị Thanh Nga (SN 1978, trú thôn Đức Phổ 1, xã Cát Minh, huyện Phù Cát) chấp nhận mua bảo hiểm nhân thọ (BHNT) với loại hình BH Phú - Đăng Khoa Thành Tài tại Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam (Công ty Prudential Việt Nam). Cùng ngày 7.3, Công ty Prudential nhận được Hồ sơ yêu cầu BHNT số 151548733 do bà Nga lập. Căn cứ lời khai trong hồ sơ, Prudential chấp nhận BH và cấp Giấy chứng nhận BHNT số 73545792, có hiệu lực từ ngày 7.3.2016.
Theo đó, bên mua BH là bà Nga; 4 người trong gia đình bà Nga được BH, gồm: Bà Nga (ký hiệu 01), ông Bùi Văn Tú (chồng bà Nga, ký hiệu 02), Bùi Văn An và Bùi Văn Khan (con bà Nga, lần lượt có ký hiệu 03 và 04). Cũng trong ngày 7.3, vợ chồng bà Nga đưa tiền lần 1 cho nhân viên bán BH là bà Nguyễn Thị Cận với số tiền 15 triệu đồng; bà Cận thay mặt bên bán nhận số tiền này.
Hơn 2 tháng sau khi Giấy chứng nhận BHNT có hiệu lực, vào ngày 20.5.2016, ông Tú đột ngột qua đời. Sau đó, bà Nga làm đơn đề nghị Công ty Prudential Việt Nam giải quyết chế độ cho ông Tú. Sau khi xem xét hồ sơ, giấy tờ có liên quan, bên bán BH không chấp nhận giải quyết quyền lợi BH tử vong cho ông Tú.
Bà Nga cho rằng: Vợ chồng bà ở nông thôn, không am hiểu pháp luật, nghe nhân viên bán BH tư vấn có nhiều lợi ích khi tham gia BH nên mua. Giờ đây, chồng bà đột ngột qua đời, gia đình gặp rất nhiều khó khăn, không đủ khả năng tiếp tục đóng tiền BH; bà yêu cầu bên bán BH giải quyết quyền lợi cho chồng.
Trong khi đó, theo Công ty Prudential Việt Nam thì: Trong Hồ sơ yêu cầu BHNT số 151548733, các câu hỏi về tình hình sức khỏe và quá trình điều trị của Người được BH 02 (ông Tú) đều được khai “không”. Tuy nhiên, qua thông tin do cơ quan hữu quan cung cấp, Prudential được biết ông Tú đã khám tại BVĐK Bình Định vào ngày 31.8.2015 với chẩn đoán: Cơn đau thắt ngực - Block nhánh trái hoàn toàn. Ngoài ra, ngày 3.9.2015 và ngày 3.10.2015, ông Tú khám tại Bệnh viện Trung ương Huế với chẩn đoán: TD bệnh mạch vành/Block nhánh phải hoàn toàn. Ngày 10.11.2015, ông Tú khám tại Phòng khám Đa khoa 38 Lê Lợi (TP Quy Nhơn) với chẩn đoán: Viêm phế quản/Cơn đau thắt ngực/TD hẹp 2 lá. Tuy nhiên, những thông tin này không được bên mua BH thông báo cho Prudential khi nộp Hồ sơ yêu cầu BH theo quy định tại điều 11.2a của Điều khoản hợp đồng BHNT Phú - Đăng Khoa Thành Tài.
Do đó, căn cứ theo Điều 19, Luật Kinh doanh bảo hiểm, thì: Các sản phẩm bổ trợ BH Từ bỏ thu phí Người hôn phối và BHNT có kỳ hạn đối với Người được BH 02 được đình chỉ thực hiện kể từ kỳ phí đầu tiên (ngày 7.3.2016). Prudential sẽ không giải quyết quyền lợi BH của các sản phẩm đối với trường hợp này. Prudential sẽ hoàn trả lại cho bên mua BH số tiền hơn 1 triệu đồng là số phí BH đã được nộp cho các sản phẩm bổ trợ đối với Người được BH 02. Hợp đồng BHNT số 73545792 vẫn tiếp tục hiệu lực đối với Người được BH 01, 03 và 04…
Qua vụ việc trên có thể thấy, cả bên mua lẫn bên bán BH đều không mong muốn sự cố xảy ra. Khi xảy ra sự việc ngoài ý muốn, đơn vị bán BH đã giải quyết theo đúng điều khoản hợp đồng và các quy định hiện hành của pháp luật về BH; điều này khiến bên mua BH bị sốc.
Từ trường hợp cụ thể này, thiết nghĩ, khi tham gia BHNT, người mua cần tìm hiểu cụ thể, kỹ càng các thông tin dịch vụ liên quan. Đồng thời, khai báo chính xác tình trạng sức khỏe để bên bán có cơ sở kiểm tra, thẩm định. Đối với bên bán BHNT, cần thẩm tra chính xác thông tin khách hàng, nhất là thông tin về tình trạng sức khỏe. Bên cạnh đó, trước khi cấp giấy chứng nhận BHNT cần tổ chức cho khách hàng khám, kiểm tra sức khỏe tổng quát nhằm tránh tình trạng khách hàng cung cấp thông tin sức khỏe không chính xác. Có như vậy mới không xảy ra những tranh chấp ngoài ý muốn, vừa gây thiệt thòi cho khách hàng, vừa ảnh hưởng uy tín bên bán bảo hiểm.
C.LUẬN