Khoảng cách
Bà, chân tay lọm khọm, lại vừa qua một đợt tai biến. Mỗi lần đi lại trong hẻm nhỏ rất khó khăn, cứ phải lê nhích từng chút một. Việc này cứ phải lặp đi lặp lại bất kể ngày mưa hay nắng. Chẳng rõ hoàn cảnh thế nào, nhưng thấy bà sống thui thủi một mình. Sức khỏe như thế, tuổi lại cao, là khổ lắm.
Đến một hôm, thấy có người chở, chiếc xe nhẹ nhàng lướt qua hẻm. Bà ngồi sau thấy vững vàng lắm. Thấy như thoang thoáng cười. Có lẽ cuối cùng bà cũng đã tìm được người nào đó để nhờ đỡ, nhất là những lúc đau ốm. Sự nâng đỡ nhẹ nhàng, quý báu ấy thật ra không có gì ghê gớm. Chỉ cần lên xe, chống chân, đợi bà một tí thôi. Chân tay bà yếu nên sẽ vịn vào vai ông, lấy thế một chút là lên yên xe, vậy rồi đi.
Nhớ lại khi tôi còn nhỏ, gia đình ở xa quê nên không có ông bà đỡ đần; ba lại đi làm, mẹ chăm tôi một mình. Lúc ấy còn khó khăn, nhưng chiều nào cô hàng xóm cũng qua chăm, giữ tôi để mẹ làm việc nhà. Suốt gần một năm trời như thế, cho đến khi tôi lớn hơn một chút, cô ấy chuyển trọ, rồi không tin tức. Mỗi lần nhìn tấm hình hồi ấy, với bộ đồ mà cô hàng xóm mua cho mình, tôi và mẹ lại trông chờ có lần nào đó được gặp lại cô và nghĩ về những sự tình cờ trong cuộc đời, những ngẫu nhiên tràn đầy yêu thương, chăm chút.
Có những gia đình toàn vẹn, sống nhiều thế hệ, nhưng cũng có những mái nhà đơn lẻ, hoặc vì hoàn cảnh mà sống xa cách. Những khi trống vắng mà gặp những người thân, hàng xóm, hay chỉ là một sự giúp đỡ nhỏ nhoi đúng lúc; tình cảm ấy cũng gắn bó, cũng yêu thương như sống chung với nhau một mái nhà, hiểu những nỗi lòng khó nói. Đấy là những nâng đỡ tình cờ nhưng đúng lúc, đúng tình thế và hoàn cảnh.
Nghe bà kể, hôm vào bệnh viện, xung quanh người ta có bao nhiêu là người thân, không đi được thì có người đỡ, đẩy xe. Đứng trước cảnh ấy, đống đồ mang trên tay bà tự nhiên nặng trĩu, sự trống trải giường bệnh những ngày sau đó hiển hiện rõ ràng. Có một người để tựa vào lấy thế, để dựa là được nhiều lắm, bớt chống chếnh nhiều lắm.
MẪU ĐƠN