Chủ động kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh
Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) xuất hiện ở Việt Nam từ những năm đầu của thế kỷ XXI. Từ đầu năm 2006 đến nay, tỉ số giới tính khi sinh (TSGTKS) của nước ta luôn ở mức trên 110. Ðây là chủ đề nóng trên các diễn đàn Quốc hội, Chính phủ và cộng đồng xã hội. Kiểm soát MCBGTKS là vấn đề quan trọng được đặt ra trong công tác DS-KHHGÐ.
Kiểm soát MCBGTKS là nhiệm vụ trọng tâm của công tác dân số. Ảnh minh họa
Theo Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Nguyễn Văn Quang, xét ở phạm vi vùng KT-XH, năm 2014 chỉ có Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung có TSGTKS ở ngưỡng an toàn. Các vùng còn lại đều đang đối mặt với tình trạng MCBGTKS và ngày càng gia tăng, đặc biệt tại vùng Đồng bằng sông Hồng tỉ số này rất cao, tới 118. Các tỉnh, thành phố ở vùng này cũng có TSGTKS thuộc hàng cao nhất nước: Quảng Ninh (124,4), Hưng Yên (119,5), Hải Dương (118,3), Bắc Ninh (117,8)... TSGTKS của Bình Định hiện ở mức 113,2, tuy ở ngưỡng an toàn nhưng ngành DS-KHHGĐ tỉnh xác định không thể chủ quan, lơ là.
● Thực tế đó đã và đang đặt ra những yêu cầu bức thiết với nhiệm vụ kiểm soát MCBGTKS. Những động thái mới nhất để đáp ứng yêu cầu này là gì, thưa ông?
- Thời gian gần đây, kiểm soát MCBGTKS nhận được sự quan tâm đặc biệt. Ngày 23.3.2016, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 468/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Kiểm soát MCBGTKS giai đoạn 2016 - 2025. Ngay sau đó, Bộ Y tế cũng công bố Quyết định số 1472/QĐ-BYT ngày 20.4.2016 ban hành Đề án Kiểm soát MCBGTKS giai đoạn 2016 - 2025; cùng Công văn số 4111/BYT-TCDS ngày 5.7.2016 về việc hướng dẫn thực hiện Quyết định số 468/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
2 đề án này cùng đặt ra mục tiêu giảm tốc độ tăng TSGTKS xuống dưới mức 0,46 điểm phần trăm/năm, để tỉ số này dưới mức 115 vào năm 2020. Ở các tỉnh có TSGTKS từ 115 trở lên, phải giảm ít nhất 0,4 điểm phần trăm/năm trong giai đoạn 2016 - 2020. Mục tiêu thứ hai là giảm tốc độ gia tăng TSGTKS, tạo cơ sở thuận lợi để đưa tỉ số này đạt khoảng 107 sau năm 2025, đưa TSGTKS về mức cân bằng tự nhiên.
● Tỉnh Bình Định có giải pháp cụ thể nào để duy trì thành quả của hoạt động kiểm soát MCBGTKS trong thời gian qua và đảm bảo hiệu quả trong thời gian tới, thưa ông?
- Trên cơ sở chủ trương, chỉ đạo của cấp trên và tình hình thực tế ở địa phương, chúng tôi đã xây dựng dự thảo Kế hoạch thực hiện Đề án Kiểm soát MCBGTKS giai đoạn 2016 - 2020, với tổng kinh phí thực hiện khoảng 20,866 tỉ đồng.
Mục đích Kế hoạch là nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng trong thực hiện các quy định về nghiêm cấm cung cấp dịch vụ liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi. Đồng thời, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội trong việc thực thi các quy định về nghiêm cấm việc cung cấp dịch vụ liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020 đảm bảo TSGTKS ở Bình Định dưới mức 113.
Kế hoạch có nhiều hoạt động cụ thể thuộc các nhóm: khảo sát, đánh giá; truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với công tác kiểm soát MCBGTKS; biên soạn, cung cấp thông tin, tài liệu, sản phẩm truyền thông về MCBGTKS; đưa nội dung về MCBGTKS vào Trường Chính trị tỉnh, Cao đẳng Y tế Bình Định và các trường THPT trên địa bàn toàn tỉnh; xây dựng, thử nghiệm mô hình; hội nghị, hội thảo về MCBGTKS; nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật về cấm các hình thức lựa chọn giới tính thai nhi; các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm các quy định về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi; đào tạo, tập huấn về kiểm soát MCBGTKS.
● Kiểm soát MCBGTKS được xác định là một trong những giải pháp quan trọng hướng đến sự bền vững của công tác dân số. Cùng với sự phát triển của xã hội, công tác dân số cũng cần có những thay đổi theo hướng phù hợp hơn với tình hình thực tế.
- Đúng vậy. Tập trung đúng mức cho nhiệm vụ kiểm soát MCBGTKS là biểu hiện cụ thể của việc “chuyển hướng” trong công tác dân số. Chủ trương chung của Đảng và Nhà nước ta là chuyển công tác DS-KHHGĐ thành DS và Phát triển bền vững. Hiện nay, công tác dân số không tiến hành đồng thời tất cả các hoạt động ở tất cả các địa phương khác nhau, mà hướng vào trọng tâm trọng điểm. Tây Bắc, Tây Nguyên lo giảm sinh; Đông Nam bộ thì kích sinh... Bình Định và các tỉnh trong khu vực phấn đấu đạt mức sinh thay thế và thực hiện các nhiệm vụ mới.
● Xin cảm ơn ông.
TSGTKS được tính bằng số trẻ em trai so với số trẻ em gái sinh ra sống trong cùng một khoảng thời gian, thường được tính trong vòng một năm. Tỉ số này trong khoảng 103-106 trẻ trai/100 trẻ gái được coi là mức cân bằng hay còn gọi là mức sinh học tự nhiên. Tỉ số này nằm ngoài khoảng trên là MCBGTKS.
NGUYỄN VĂN TRANG (Thực hiện)