Không chỉ có một!
Thực tế những năm qua với tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” cho thấy hoạt động đào tạo nhân lực của nước ta đang có sự bất cập rất lớn. Con số hơn 200 ngàn người có trình độ cử nhân, thạc sĩ ra trường không có việc làm đã nói lên tất cả. Với số sinh viên đại học, cao đẳng hàng năm vẫn không ngừng tăng lên, dự báo con số cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp cũng sẽ ngày càng tăng.
Tình trạng nhiều sinh viên ra trường không kiếm được việc làm đã và đang trở thành nỗi lo của các gia đình và cả xã hội. Có thể thấy chưa bao giờ cánh cửa trường đại học mở ra dễ dàng như những năm gần đây. Và cũng có thể thấy chưa bao giờ cuộc “chạy đua” tìm kiếm việc làm lại khó khăn, khốc liệt như bây giờ. Đây là hệ quả tất yếu của lối tư duy trọng bằng cấp, quan niệm bằng mọi giá phải vào đại học và nhất là của tình trạng “phổ cập đại học” trong nhiều năm qua.
Trong kỳ thi THPT quốc gia 2016 vừa qua, lần đầu tiên có tới 32% thí sinh thi tại các cụm thi địa phương chỉ lấy điểm để xét tốt nghiệp chứ không dự xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Tỉ lệ học sinh thi vào đại học giảm không phải là tín hiệu hay chỉ dấu về sự thụt lùi của “sự học” của nước nhà. Trái lại, nó cho thấy “sự học ngày nay đã khác rồi”, nhận thức của xã hội, mà trực tiếp là của lớp trẻ, về bằng cấp đã thay đổi. Cách nhìn thực tế hơn trong lựa chọn định hướng học tập, học phải gắn với nghề nghiệp, gắn với việc làm trong tương lai chứ không phải là tấm bằng trình độ cử nhân, thạc sĩ có vẻ danh giá nhưng nhiều khi chỉ mang lại giá trị… “ảo” trong đời sống thực.
Nhu cầu của xã hội là kim chỉ nam để hệ thống giáo dục xác định và thực hiện vai trò và sứ mạng của mình. Gần đây, Bộ GD&ĐT đã và đang thực hiện trao quyền tự chủ cho các nhà trường về quy mô đào tạo, học thuật; cũng đồng thời trả lại quyền quyết định tương lai nghề nghiệp của người học. Cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong đào tạo là cơ sở để mỗi nhà trường quyết định sẽ tuyển chọn ai, đào tạo thứ gì để có thể tạo ra nhiều sản phẩm đào tạo tốt, có sức cạnh tranh trên thị trường lao động cung ứng cho xã hội. Điều này cũng sẽ góp phần tạo cho học sinh ý thức tự lập trong định hướng học tập, nỗ lực “học thực” để tích lũy kiến thức, kỹ năng, tinh thần sáng tạo… nhằm đáp ứng yêu cầu của người tuyển dụng.
Có rất nhiều lựa chọn để hoạch định tương lai của mỗi người chứ không chỉ có một sự lựa chọn duy nhất là giảng đường đại học!
H.Ð