Hội Nông dân huyện Phù Mỹ:
Khai thác tốt nguồn vốn vay ưu đãi
Sau 10 năm triển khai thực hiện ủy thác cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách, Hội Nông dân (HND) huyện Phù Mỹ đã cung cấp một khối lượng vốn lớn tới nhiều hộ nông dân nghèo, tạo điều kiện cho bà con đầu tư phát triển sản xuất, góp phần giúp 13.830 hộ giảm nghèo.
Nông dân Mỹ Thọ được mùa hành. Ảnh: XUÂN LỘC
Từ năm 2004 đến nay, HND huyện Phù Mỹ luôn phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện để cung cấp một khối lượng vốn lớn tới nông dân nghèo, tạo điều kiện cho nông dân đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, góp phần giảm nhanh tỉ lệ hộ nghèo ở địa phương.
Trên cơ sở nội dung ký kết với NHCSXH, HND huyện Phù Mỹ đã phối hợp triển khai đến các cơ sở hội, hướng dẫn cho cán bộ hội và các thành viên về thủ tục vay vốn, kiểm tra giám sát, đôn đốc các thành viên sử dụng vốn đúng mục đích, trả nợ đúng kỳ hạn và giám sát cán bộ quản lý hoạt động tín dụng tiết kiệm nhằm tránh thất thoát, tránh chiếm dụng vốn.
Với các biện pháp chỉ đạo tích cực, chủ động và cụ thể, hoạt động ủy thác vay vốn đã đi vào nền nếp và ngày càng hiệu quả, phát triển mạnh cả quy mô lẫn chất lượng ủy thác, được đông đảo nông dân hưởng ứng tích cực. Đến nay, HND huyện đã thành lập được 93 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK-VV) ở 19/19 xã, thị trấn; giải ngân cho 27.160 lượt hộ vay với số tiền trên 109 tỉ đồng, hiện còn dư nợ 3.202 hộ với số tiền trên 58 tỉ đồng.
Để sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả, các cấp HND trong huyện đã phối hợp với NHCSXH huyện tổ chức tập huấn quy trình nghiệp vụ cho vay ủy thác cho cán bộ HND cấp xã, Ban quản lý tổ TK-VV. Ngoài ra, hằng năm các cấp hội còn phối hợp với Phòng NN-PTNT, Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật huyện tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi cho hàng chục ngàn lượt hội viên nông dân.
Bên cạnh đó, các cấp hội luôn quan tâm đến công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc nhắc nhở việc quản lý, thu hồi vốn vay, trả lãi theo định kỳ, qua đó phát hiện và chấn chỉnh kịp thời những vướng mắc, tồn tại để nâng cao chất lượng tín dụng, góp phần hạn chế tình trạng chiếm dụng vốn, nợ tồn đọng, chây ỳ và sử dụng vốn không đúng mục đích. Qua đánh giá, xếp loại, tỉ lệ tổ TK-VV hoạt động tốt, khá chiếm hơn 90%.
Không chỉ tập trung vào các hoạt động cho vay ủy thác, các cấp HND trên địa bàn huyện còn thường xuyên nắm bắt, thống kê, phân loại hộ nghèo, tìm hiểu nguyên nhân nghèo của từng hộ, từ đó xây dựng kế hoạch phân công các chi/tổ hội có biện pháp giúp đỡ phù hợp. Cách làm này vừa đảm bảo vốn đến đúng đối tượng, vừa đảm bảo tính công khai, minh bạch, dân chủ, góp phần tạo sự đoàn kết, thống nhất trong tổ TK-VV, tăng cường sự cam kết của người vay vốn với các thành viên trong tổ.
Nhờ có các biện pháp đồng bộ của các cấp hội, cùng với tính cần cù, chịu khó, tiết kiệm, sử dụng vốn đúng mục đích và có hiệu quả, bình quân mỗi năm có trên một ngàn hộ gia đình hội viên nông dân thoát nghèo, góp phần cùng cả huyện giảm tỉ lệ hộ nghèo từ 23,04% (năm 2003) xuống còn 11,85% (năm 2012), tương ứng hơn 13.830 hộ thoát nghèo. Nhiều hộ nghèo đã vươn lên khá, giàu, trở thành điển hình làm kinh tế giỏi.
Đối với tổ chức Hội, thông qua hoạt động ủy thác cho vay đã tạo điều kiện tập hợp nông dân thuận lợi, nhất là nông dân nghèo. Nội dung hoạt động của Hội phong phú, thiết thực hơn. Vai trò của Hội trong sự nghiệp xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương càng được khẳng định. Thông qua hoạt động ủy thác, năng lực quản lý, điều hành hoạt động của Hội được nâng lên đáng kể.
BÙI ĐÔNG