Trường nghề và “cú hích” nghề trọng điểm quốc tế
Năm học 2016 - 2017, 2 trường cao đẳng nghề (CÐN) trong tỉnh là Trường CÐN Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung bộ, Trường CÐN Quy Nhơn chính thức tuyển sinh các nghề trình độ quốc tế theo chương trình đào tạo do Học viện Chisholm (Úc) chuyển giao. Ðây được xem là “cú hích” góp phần tạo nên sức hút cho các trường nghề.
Nghề cơ điện tử và điện tử công nghiệp trình độ quốc tế tại Trường CĐN Quy Nhơn tạo điều kiện cho sinh viên làm việc tại các doanh nghiệp ngoài nước.
Lớp CĐN cơ điện tử và điện tử công nghiệp tại Trường CĐN Quy Nhơn và công nghệ sinh học tại Trường CĐN Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung bộ là 3 trong số 41 lớp đào tạo thí điểm trình độ quốc tế thuộc Dự án “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp” của Bộ LĐ-TB&XH.
“Nâng chất” theo chuẩn quốc tế
Để đảm bảo được các tiêu chuẩn đào tạo thí điểm trình độ CĐN theo chương trình chuyển giao của Học viện Chisholm, 2 trường CĐN trên địa bàn tỉnh đều nỗ lực đầu tư về trang thiết bị, cơ sở vật chất. Trong đó, các yêu cầu khắt khe về mặt an toàn và sức khỏe nghề nghiệp theo tiêu chuẩn của Úc được chú trọng.
Theo ông Nguyễn Trung Tiến, Hiệu trưởng Trường CĐN Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung bộ, nhà trường lập dự án đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị cho nghề công nghệ sinh học theo chuẩn châu Âu với tổng chi phí hơn 35 tỉ đồng. Hiện nay, cơ sở vật chất và trang thiết bị chỉ mới đáp ứng được 25% theo yêu cầu của chuẩn này.
Có sẵn cơ sở vật chất, trang thiết bị tương đối tốt cho 2 nghề cơ điện tử và điện tử công nghiệp, Trường CĐN Quy Nhơn tiến hành sửa chữa, nâng cấp cho phù hợp với tiêu chí đảm bảo an toàn, sức khỏe nghề nghiệp của Úc. Trong đó, tập trung thay đổi hệ thống điện, bàn ghế... với tổng chi phí khoảng 500 triệu đồng. Trong năm 2016, nhà trường được đầu tư 8 tỉ đồng để mua sắm, nâng cấp các trang thiết bị cho 2 nghề theo danh mục thiết bị của Úc. Sang năm 2017, mức đầu tư tăng lên 12 tỉ đồng.
Về nhân lực, ông Ngô Xuân Thủy, Hiệu trưởng Trường CĐN Quy Nhơn, cho biết thêm: “Có 2 giáo viên của 2 nghề đã được bồi dưỡng tại Úc và về nước. Tháng 9.2016, 6 giáo viên khác của 2 nghề sẽ tiếp tục đi bồi dưỡng tại Úc và về nước vào tháng 2.2017 để đảm bảo triển khai dạy chuyên môn cho sinh viên. Ngoài ra, 15 giáo viên phụ trách dạy các nghề trọng điểm quốc tế khác (sẽ triển khai trong những năm tới) sẽ được tham gia lớp bồi dưỡng tiếng Anh của Bộ LĐ-TB&XH tổ chức trong 5 tháng (9.2016-3.2017) để nâng cao trình độ”.
Trong khi đó, Trường CĐN Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung bộ đã đưa 4/6 giáo viên của Tổ công nghệ sinh học đi bồi dưỡng tại Úc. Năng lực giáo viên về cơ bản đạt yêu cầu kiểm định của Học viện Chisholm để triển khai mở lớp.
Bà Nguyễn Thị Hải Lý, Tổ trưởng Tổ công nghệ sinh học, chia sẻ: “Học viện Chisholm rất chú trọng đến kinh nghiệm thực tiễn của giáo viên. Chính vì vậy, ngoài việc rèn luyện, bồi dưỡng năng lực sư phạm, kỹ năng nghề, trình độ tiếng Anh, tin học..., nhà trường cũng đã lên kế hoạch để giáo viên có thời gian được trải nghiệm thực tiễn sản xuất 2 lần/năm”.
Nghề công nghệ sinh học cấp độ quốc tế là nơi phù hợp cho các sinh viên yêu thích làm việc tại phòng thí nghiệm liên quan đến lĩnh vực hóa, sinh.
Ðầu tư cho tuyển sinh
Học nghề trước nay mới chỉ thu hút sự quan tâm của một bộ phận sinh viên có học lực trung bình. Do vậy, tiêu chí đầu vào phải vượt qua bài thi kiểm tra trình độ tiếng Anh A2 (theo chuẩn châu Âu) là một thách thức. Để vượt qua thách thức này, hai trường đã thành lập Ban tuyển sinh để kịp thời thông tin đến học sinh lớp 12 trong và ngoài tỉnh về những ngành nghề này.
Từ tháng 2 đến nay, Trường CĐN Quy Nhơn đã về các trường THPT trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận như Gia Lai, Kon Tum, Phú Yên để thông tin tuyển sinh. Mặc khác, thông tin tuyển sinh cũng được cập nhật trên trang thông tin điện tử của nhà trường để học sinh và người nhà tìm hiểu.
Tại kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua, Tổ công nghệ sinh học của Trường CĐN Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung bộ đã tiếp cận với các thí sinh dự thi khối B và người nhà để tư vấn thông tin về nghề công nghệ sinh học trình độ quốc tế. “So với tư vấn học nghề thông thường, tư vấn học nghề trình độ quốc tế đã nhận được sự quan tâm hơn của thí sinh và người nhà. Đến thời điểm này, đã có 15 thí sinh có phản hồi và nộp hồ sơ về trường”, bà Nguyễn Thị Hải Lý cho biết.
Sau khi đủ chỉ tiêu tuyển sinh, cả hai trường đều có kế hoạch dạy tiếng Anh cho sinh viên để đảm bảo sau 5 tháng, sinh viên sẽ đạt trình độ B1 (theo chuẩn châu Âu). “Đây là điều kiện cơ bản để các em theo học chương trình chuyên môn bắt đầu từ tháng 3.2017. Giai đoạn sau đó, song song với dạy chuyên môn, sinh viên tiếp tục được học tiếng Anh và đảm bảo đạt trình độ B2 sau khi tốt nghiệp”, Hiệu trưởng Trường CĐN Quy Nhơn Ngô Xuân Thủy trao đổi thêm.
+ Theo thông tin từ 2 trường, khóa CĐN trình độ quốc tế đào tạo trong 2,5 năm; tuyển sinh 25 sinh viên cho mỗi nghề. Thời gian tuyển sinh kéo dài đến cuối tháng 8.2016. Về học phí, sinh viên được Nhà nước hỗ trợ, chỉ phải đóng theo mức như trình độ CĐN thông thường. Khi tốt nghiệp, sinh viên được cấp 2 bằng Việt Nam và Úc; có cơ hội làm việc tại nhiều nước trên thế giới.
+ Sinh viên học nghề cơ điện tử và điện tử công nghiệp có thể làm việc trong lĩnh vực điều khiển tự động, điện tử, viễn thông... Sinh viên học nghề công nghệ sinh học có thể làm việc trong lĩnh vực: dược, nông nghiệp, thực phẩm...
NGUYỄN MUỘI