Hưởng ứng Ngày Dân số thế giới 11.7:
Mối nguy từ “phần chìm của tảng băng”
Mang thai ở tuổi vị thành niên (VTN) - chủ đề của Ngày Dân số Thế giới năm nay - như một hồi chuông báo động về những nguy cơ của tình trạng “vượt rào” ở lứa tuổi này. Ðáng nói, “lỗ hổng” của việc quản lý VTN mang thai quá lớn, trong khi hoạt động hỗ trợ chưa nhiều.
Theo thống kê của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 300 ngàn ca nạo hút thai ở độ tuổi 15-19. Còn theo Tổng cục DS-KHHGĐ, dù tỉ lệ nạo phá thai ở Việt Nam trong 10 năm trở lại đây có giảm, nhưng tỉ lệ nạo phá thai ở VTN lại có dấu hiệu gia tăng, chiếm hơn 20% các trường hợp.
Khó quản lý
Tại Bình Định gần như không có số liệu thống kê chính xác về số VTN mang thai. “Một thống kê duy nhất được thực hiện năm 2008 cũng chỉ xác định được trong số 18.181 ca sinh có 0,3% số trẻ do người mẹ dưới 19 tuổi sinh ra. Còn trên thực tế, có bao nhiêu VTN mang thai, bao nhiêu thai nhi bị bỏ đi thì không được quản lý”, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Nguyễn Văn Quang cho biết.
Tương tự, tình trạng VTN nạo, phá thai cũng không được quản lý đầy đủ. Theo số liệu của Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) tỉnh, số trường hợp nạo phá thai an toàn trong tỉnh có chiều hướng giảm. Năm 2011 có 582 trường hợp nạo phá thai trên 18.924 trẻ đẻ sống (tỉ lệ 3,08%); đến năm 2012 giảm còn 320 trường hợp trên 29.531 trẻ đẻ sống và 5 tháng đầu năm nay cũng mới có 111 trường hợp.
Theo bà Châu Thị Phước, Trưởng khoa chăm sóc SKSS VTN - Nam học của Trung tâm, có một thực tế là hầu hết các ca nạo phá thai ở trẻ VTN đều được thực hiện ở các cơ sở y tế tư nhân. Tại Trung tâm, mỗi năm chỉ có vài trường hợp, đều do bố mẹ đưa đến làm thủ thuật. “Tâm lý vào bệnh viện sợ gặp người quen, sợ phải khai báo thông tin khiến các em đều chọn các cơ sở y tế tư nhân. Việc quản lý VTN mang thai, nạo phá thai chỉ thực hiện được ở các cơ sở y tế công lập. Nhìn con số thì thấy đơn giản, nhưng đó chỉ là phần nổi rất nhỏ, còn “tảng băng chìm” mới thật sự đáng lo ngại”, bà Phước nói thêm.
Theo BVĐK tỉnh, cả năm 2012 cũng chỉ có 2 học sinh THPT vào khoa Sản sinh con. Còn tại phòng khám sản của BVĐK tỉnh, trong 6 tháng đầu năm nay có 3 VTN được gia đình đưa đến nhờ tư vấn cách giải quyết “bầu tâm sự” đã lớn (16-20 tuần).
Nhiều nguy cơ
Cách đây không lâu, dư luận xôn xao về một học sinh mang thai ở huyện Hoài Ân. Bắt đầu “tình yêu” từ năm học lớp 9, đến năm lớp 11, học sinh này đành bỏ học vì cái thai đã lớn, không thể giải quyết được. Nữ hộ sinh Mạc Thị Hồng Hà, khoa Khám, BVĐK tỉnh, cho biết: “Gần như chỉ có những VTN mang thai ở tháng thứ 4, 5 mới đến bệnh viện. Những trường hợp như thế, chúng tôi tư vấn kỹ về việc không nên xử lý thai, vì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng”.
Nhiều năm làm công tác chăm sóc và tư vấn SKSS VTN, bà Phước cho rằng, ngày nay trẻ có nhiều kiến thức về quan hệ tình dục, nhưng quan hệ lại không an toàn. Nhiều trẻ “trót dại” lại thiếu sự quan tâm của gia đình, đến khi “biết chuyện” thì đã muộn.
Theo các nhân viên y tế sản khoa, nạo phá thai khi còn trẻ tuổi thường gây nhiều biến chứng rất nguy hiểm. Tai biến trước mắt có thể là nhiễm trùng, thủng tử cung. Đặc biệt, biến chứng lâu dài và nguy hiểm hơn (dù nạo phá thai an toàn) là nguy cơ bị viêm tắc hai vòi trứng hoặc dính buồng tử cung (một hay nhiều phần). “Đó là một trong những lý do ngày càng nhiều cặp vợ chồng trẻ thắc mắc vì sao mãi vẫn chưa có con”, bà Phước nhấn mạnh.
Cần chương trình hiệu quả hơn
Có thai ngoài ý muốn, sinh đẻ sớm và phá thai trong độ tuổi VTN đang có chiều hướng gia tăng, nhưng công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao SKSS cho đối tượng này vẫn chưa thực sự được quan tâm. Hiện nay, chương trình chăm sóc SKSS VTN mới dừng ở các hoạt động truyền thông, tư vấn để trẻ biết cách hạn chế, tránh mang thai ngoài ý muốn. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn còn nhiều hạn chế. Chương trình mục tiêu quốc gia về DS-KHHGĐ mỗi năm cũng chỉ có kinh phí tuyên truyền cho 22 trường THPT, hay tổ chức qua kênh của hoạt động khám và tư vấn SKSS tiền hôn nhân 2 xã/huyện.
Năm 2012, Trung tâm Chăm sóc SKSS tỉnh đã triển khai hoạt động khám, tư vấn, xét nghiệm máu và cấp thuốc cho 707 VTN, thanh niên tại Góc Tuổi hồng ở Trạm Y tế phường Bình Định (An Nhơn), xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn) và một số trường học ở Quy Nhơn. Hoạt động này cũng được tổ chức cho 388 học sinh 3 trường PTDT nội trú Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão. Hoạt động tư vấn qua điện thoại và lồng ghép với khám tại phòng khám của Trung tâm cũng được duy trì.
Theo bà Phước, Ban giám hiệu các trường và học sinh đã tham gia nhiệt tình vào các chương trình tư vấn. Nhưng, mỗi năm số trường được tổ chức chương trình không nhiều. Đến năm nay thì kinh phí tuyên truyền SKSS trong trường học cũng “đứt”.
Ông Nguyễn Văn Quang nhấn mạnh: “Trong khi việc có nên đưa giáo dục SKSS, sức khỏe tình dục vào giảng dạy ở trường phổ thông hay không vẫn còn đang tranh cãi, thì cần thiết phải có một điều tra kỹ lưỡng về vấn đề này để có chương trình can thiệp hiệu quả hơn. Còn các hoạt động hiện tại mới chỉ dừng ở bước khởi động, để tạo sự quan tâm của cộng đồng”.
NGỌC TRÂM