Xung điện, xiếc máy vẫn hoành hành trên đầm Đề Gi
Nạn sử dụng xung điện, xiếc máy (XÐXM) khai thác thủy sản trên đầm Ðề Gi thuộc các xã Cát Minh, Cát Khánh, huyện Phù Cát, sau một thời gian âm ỉ đang tái diễn rất mạnh từ Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 đến nay.
Nhiều chiếc ghe gắn gọng xiếc đậu trên đầm Đề Gi đoạn giáp ranh giữa thôn Đức Phổ 1, xã Cát Minh với thôn Ngãi An, xã Cát Khánh (Phù Cát).
Sáng 5.8, có mặt tại đầm Đề Gi, tại khu vực giáp ranh giữa thôn Đức Phổ 1, xã Cát Minh với thôn ngãi An, xã Cát Khánh, chúng tôi quan sát có khoảng 40 chiếc ghe giơ cao gọng xiếc đậu trên mặt đầm mà không gặp bất cứ sự ngăn cản nào của các ngành chức năng, chính quyền địa phương.
Ông Đinh Thành Tiến, Chủ tịch UBND xã Cát Khánh, thừa nhận tình trạng vi phạm nói trên và cho biết: “Thời gian qua, UBND xã đã tổ chức nhiều đợt ra quân truy quét các đối tượng dùng XĐXM khai thác thủy sản trái phép. Tuy nhiên, do mặt đầm Đề Gi rộng lớn lại trải dài trên địa bàn nhiều xã nên việc truy quét gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, mỗi phương tiện XĐXM trị giá chỉ từ 5 - 7 triệu đồng, trong khi đó, trung bình một đêm hoạt động đã thu được 300 -500 ngàn đồng, còn nếu “trúng đậm” thì chỉ 2 đêm là thu hồi được vốn, nên biết là nghề cấm nhưng nhiều người vẫn hám lợi lao vào”.
Để ngăn chặn và xử lý nạn XĐXM trên đầm Đề Gi, thời gian qua, chính quyền 2 xã Cát Minh và Cát Khánh cùng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) đã kiên trì tổ chức tuyên truyền vận động, ngăn chặn nạn sử dụng XĐXM bằng nhiều biện pháp. Các cấp, ngành liên quan huyện Phù Cát và Chi cục Thủy sản đã tổ chức hàng trăm đợt tuần tra, truy quét, bắt giữ nhiều đối tượng và phương tiện XĐXM. Tuy nhiên, nhiều ngư dân ở 2 xã Cát Minh và Cát Khánh vẫn tiếp tục lén lút hành nghề.
Điều đó cho thấy công tác quản lý, kiểm tra và xử lý hoạt động này còn tồn tại một số bất cập. Cụ thể là: việc xử lý vi phạm chưa thật nghiêm khắc, các biện pháp đưa ra không đủ sức răn đe; mức tiền phạt và giá trị của phương tiện tịch thu thấp. Đã có không ít trường hợp đối tượng vi phạm bị bắt và xử lý hành chính, tịch thu phương tiện, nhưng ngay sau đó lại mua sắm phương tiện mới hoạt động trở lại. Bên cạnh đó, công tác tuần tra, kiểm soát của lực lượng chức năng chưa thường xuyên. Các tổ tự quản còn nể nang, né tránh, làm việc chưa hết trách nhiệm nên chưa hiệu quả.
Có thể thấy, việc sử dụng XĐXM khai thác thủy sản trên đầm Đề Gi đã nhanh chóng làm cho nguồn lợi thủy sản bị cạn kiệt, gây hậu quả rất xấu cho môi sinh, môi trường của đầm. Nếu không tiếp tục có những biện pháp mạnh mẽ, hiệu quả để ngăn chặn và xóa bỏ thì vấn nạn XĐXM không chỉ làm cho nguồn lợi thủy sản đầm Đề Gi cạn kiệt và bị hủy diệt, mà còn làm phức tạp tình hình an ninh trật tự địa phương.
M.NHÂN - N.OANH