Môn phái Bình Định gia tại Hà Nội: Đoàn kết xây dựng võ phái vững mạnh
Có lịch sử hình thành từ hàng trăm năm trước, nhưng khoảng 30 năm gần đây, môn phái Bình Định gia tại Hà Nội mới phát triển hưng thịnh. Đây là một môn phái mạnh, với số lượng võ sinh đông đảo cùng đội ngũ võ sư nhiều tâm huyết.
Hiện Bình Định gia có hơn 300 võ đường ở các tỉnh, thành phía Bắc với hàng vạn võ sinh. Chỉ tính riêng ở Hà Nội đã có gần trăm võ đường, với hơn chục ngàn võ sinh, trở thành môn phái có lượng võ sinh đông đảo nhất thủ đô.
Các võ sư của Bình Định gia tại Hà Nội biểu diễn tại lễ bế mạc Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ VI - năm 2016. Ảnh: LÊ CƯỜNG
Hơn 30 năm phát triển môn phái
Với lượng võ sinh đông đảo, được huấn luyện kỹ về chuyên môn nên qua 32 lần tổ chức Giải vô địch võ cổ truyền toàn TP Hà Nội, môn phái Bình Định gia đã 29 lần giành vị trí Nhất toàn đoàn. Ngoài ra, Bình Định gia cũng từng cung cấp rất nhiều VĐV xuất sắc cho các đội tuyển các tỉnh, thành, ngành. Sau khi chính phủ có chủ trương đưa võ vào trường học, đã có 10 võ sư của môn phái Bình Định gia tại Hà Nội được ký hợp đồng giảng dạy trong các tiết học thể dục tại các trường trên địa bàn thủ đô.
Nói về bí quyết thu hút võ sinh của môn phái, võ sư Bùi Công Phương, Phụ trách chuyên môn môn phái Bình Định gia tại Hà Nội, cho biết: “Kho tàng võ học của Bình Định gia rất phong phú. Vì vậy, chúng tôi phát triển mạnh ở nhiều nội dung như: quyền, đối kháng, nội công công phá... Bên cạnh đó, môn phái cũng đã xây dựng được hệ thống giáo trình bài bản, chia theo từng giai đoạn, cấp học, giúp võ sinh dễ dàng nắm bắt. Võ sư, HLV đều có phương pháp sư phạm, dễ truyền đạt cho những võ sinh mới. Hệ thống thi thăng đai, cấp đai cũng được quy định chặt chẽ, tạo được động lực tập luyện cho võ sinh”.
Gắn kết và phát triển
Trong đợt giao lưu với võ đường Thành Sô (huyện Phù Mỹ) trong khuôn khổ Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam, chúng tôi có dịp trò chuyện với võ sư Phùng Trung Hải, thành viên Ban chuyên môn Bình Định gia tại Hà Nội hiện là Phó Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Dẫu bận rộn công việc ở cơ quan, nhưng ông luôn dành thời gian cho việc xây dựng và phát triển môn phái. Đã 4 năm qua, ông duy trì lớp dạy võ miễn phí cho thanh thiếu niên ở Hà Nội.
Võ sư Phùng Trung Hải chia sẻ: “Rất nhiều những môn sinh của Bình Định gia tại Hà Nội đã có cuộc sống và công việc ổn định. Do đó, chúng tôi không lấy võ để làm giàu mà tất cả đều vì tâm huyết với môn phái. Các thành viên cùng hỗ trợ nhau để phát triển cả trong công việc lẫn võ thuật. Đó cũng chính là điều quan trọng nhất gắn kết các thành viên Bình Định gia, cùng nhau xây dựng môn phái phát triển mạnh mẽ như hiện nay”.
Cố võ sư Trần Hưng Quang quê ở xã Cát Trinh, huyện Phù Cát. Từng được cha truyền dạy những bài võ độc đáo của dòng họ từ nhỏ, ông nhanh chóng trở thành một võ sĩ xuất sắc “bất khả chiến bại”.
Năm 1954, võ sư Trần Hưng Quang tập kết ra Bắc, trải qua nhiều vị trí công tác trong ngành công an và các đoàn nghệ thuật tuồng.
Năm 1982, võ sư Trần Hưng Quang bắt đầu truyền dạy các bài võ của môn phái Bình Định gia tại Hà Nội. Ông là người đầu tiên dạy các bài võ của môn phái cho người ngoài gia tộc.
Tại Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ VI - năm 2016, môn phái Bình Định gia tại Hà Nội với 28 thành viên đã về đất tổ tham dự. Bên cạnh các hoạt động trong chương trình chính của Liên hoan như: biểu diễn tại lễ khai mạc, bế mạc; giao lưu tại các võ đường tiêu biểu trong tỉnh... chuyến đi này còn để lại nhiều ấn tượng sâu đậm với các võ sư, võ sinh của môn phái. Bởi đây là lần đầu tiên họ được về thăm nơi chôn nhau cắt rốn của cố võ sư Trần Hưng Quang (1927-2014) - vị chưởng môn đời thứ tư của môn phái Bình Định gia.
Võ sư Lê Minh Thu, quyền chưởng môn môn phái Bình Định gia tại Hà Nội - con dâu của cố võ sư Trần Hưng Quang, xúc động: “Sinh thời, cha đã nhiều lần dự định đưa chúng tôi về thăm quê nhưng chưa một lần thực hiện được. Đó là điều chúng tôi day dứt bấy lâu, nên dịp này gác lại hết công việc để về dâng hương lên tổ tiên. Rất tiếc là chuyến đi này cha không thể cùng về với mọi người. Tuy nhiều người trong đoàn mới lần đầu đặt chân đến Bình Định, nhưng với tất cả đây là chuyến trở về với nguồn cội, cái nôi của môn võ mà chúng tôi đang theo đuổi và phát triển. Trong 2 năm qua, môn phái Bình Định gia tại Hà Nội và Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định đã cùng xúc tiến nhiều chương trình hợp tác, nhằm đưa môn phái nói riêng và võ cổ truyền Việt Nam nói chung ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn, tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của di sản quý giá này”.
LÊ CƯỜNG