Cần quyết liệt tinh giản biên chế
Tại nhiều hội nghị, nhiều cuộc tiếp xúc với cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp một ý kiến thường nói đi nói lại là chế độ lương, phụ cấp của cán bộ ở cơ sở thấp, không đủ sống, nhất là những người hoạt động không chuyên trách (HĐKCT) ở cấp xã, thôn. Tại kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh khóa XII vừa qua, các đại biểu HĐND tỉnh cũng đã chuyển những kiến nghị này của cử tri (chủ yếu là cử tri đang công tác ở địa phương) đến lãnh đạo tỉnh.
Thực hiện yêu cầu của UBND tỉnh, Sở Nội vụ đã có văn bản trả lời các kiến nghị này của đại biểu. Theo đó, trong những năm qua, các chế độ, chính sách đối với người HĐKCT ở cấp xã, thôn được UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc theo quy định của Chính phủ. Cụ thể, hiện nay người HĐKCT cấp xã được hưởng phụ cấp hàng tháng từ 1 - 1,2 lần mức lương cơ sở, được ngân sách hỗ trợ tham gia BHXH tự nguyện và tham gia BHYT; người HĐKCT ở thôn được hưởng phụ cấp hàng tháng từ 0,5 - 0,6 lần mức lương cơ sở và được ngân sách hỗ trợ tham gia BHYT tự nguyện.
Mức phụ cấp như vậy rõ ràng là thấp so với nhu cầu chi tiêu trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng nguyên nhân cũng đã được Sở Nội vụ nêu ra là do bộ máy quá đông, ngân sách tỉnh không chịu đựng nổi. Theo ước tính sơ bộ, hàng năm ngân sách phải chi trên 153 tỉ đồng để thực hiện chế độ, chính sách đối với các chức danh HĐKCT và khoán kinh phí hoạt động cho các đoàn thể ở cơ sở.
Sở Nội vụ cũng cho biết tính đến năm 2016, toàn tỉnh có 2.676 người HĐKCT cấp xã; 4.704 người HĐKCT ở thôn, làng, khối phố, khu phố. Ngoài ra còn có trên 7.000 người được bố trí đảm nhiệm các chức danh ở địa bàn thôn, khu phố như: Người đứng đầu các chi hội tổ chức chính trị - xã hội, công an viên, thôn đội trưởng, nhân viên y tế thôn, bảo vệ dân phố…
Đây không chỉ là chuyện riêng của tỉnh Bình Định mà là thực trạng chung của cả nước. Theo Vụ Chính quyền địa phương thuộc Bộ Nội vụ, cán bộ không chuyên trách cấp xã, thôn cả nước đến hơn 900.000 người. Tính chung bộ máy cán bộ, công chức, viên chức của chúng ta hiện nay có khoảng 2,8 triệu người. Nếu cộng cả đối tượng nghỉ hưu, các đối tượng khác hưởng lương, trợ cấp từ ngân sách nhà nước (NSNN), con số này lên tới 7,5 triệu người, chiếm 8,3% dân số cả nước. Như vậy, cứ 12 người, kể cả trẻ mới đẻ lẫn các cụ già đã chuẩn bị về với tổ tiên, có một người hưởng lương phụ cấp từ ngân sách. Không một ngân sách nào có thể kham được một bộ máy hành chính lớn như vậy. Và chúng ta là một trong những nước hiếm hoi mà chỉ lệ chi thường xuyên chiếm gần 70% số chi ngân sách hàng năm.
Bộ máy nhà nước cồng kềnh, kém hiệu quả là điều ai cũng nhìn thấy. Nhưng vì quyền lợi cục bộ, nơi nào cũng đòi tăng người, tăng tổ chức. Bỡi vậy chủ trương tinh giản biên chế của Đảng Nhà nước từ nhiều năm qua đã không mang lại hiệu quả như mong muốn, mà ngược lại ngày một phình ra. Nhiều người đến văn phòng chỉ là đánh trống ghi tên. Nếu tinh giản biên chế được, hiệu quả công việc cao lên để những người làm việc thật được hưởng mức lương xứng đáng.
Để tinh giản biên chế đòi hỏi phải sắp xếp bộ máy quản lý hành chính nhà nước. Những tổ chức, đơn vị nào đang làm nhiệm vụ trùng nhau nên sáp nhập lại. Với vị trí việc làm nên rà soát trên tinh thần áp dụng khoa học công nghệ, kĩ thuật, tin học để tăng năng suất và trình độ của người lao động. Phải có quyết tâm chính trị mà phải được thể chế hóa thành pháp luật. Trên cơ sở đó các tổ chức cá nhân buộc phải tuân thủ nghiêm túc và coi đó là một trong những tiêu chí để đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của người lãnh đạo, nhất là người đứng đầu cơ quan tổ chức.
Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17.4.2015 về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, từng cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập phải xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế trong 7 năm (2015 – 2021) và từng năm trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức thực hiện. Trong đó, phải xác định tỉ lệ tinh giản biên chế đến năm 2021 tối thiểu là 10% biên chế của bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu sự nghiệp, khuyến khích đẩy mạnh chuyển đổi thêm 10% số lượng viên chức sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và xã hội hóa, thay thế nguồn trả lương từ ngân sách Nhà nước bằng việc trả lương từ nguồn thu sự nghiệp. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ tuyển dụng số cán bộ, công chức, viên chức mới không quá 50% số biên chế cán bộ, công chức, viên chức đã thực hiện tinh giản biên chế và không quá 50% số biên chế cán bộ, công chức, viên chức đã giải quyết chế độ nghỉ hưu hoặc thôi việc theo quy định.
Người dân đặt rất nhiều kỳ vọng về các biện pháp mà nghị quyết đề ra để thực hiện thành công việc tinh giản biên chế, nâng cao năng lực, hiệu quả làm việc của bộ máy Nhà nước. Kỳ vọng rằng chương trình tinh giản biên chế theo nghị quyết lần này của Bộ Chính trị sẽ như “cuộc đại phẫu” về biên chế để hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Ngọc Minh
Tinh giản biên chế, nếu là đúng thì rất đáng hoan nghênh. Chỉ sợ có kẻ lợi dụng quyền hành mà loại bỏ người tốt, người có năng lực, chỉ giữ lại những người dễ sai khiến hoặc là những người "nhất hậu duệ, bét trí tuệ". Theo tôi không hề đơn giản chút nào.