Giám sát thực hiện chính sách dân tộc tại huyện An Lão
(BĐ) – Ngày 9.8, Đoàn giám sát của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh do bà Nguyễn Thị Đàng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, làm Trưởng đoàn, đã về giám sát tình hình thực hiện các chính sách dân tộc (CSDT) giai đoạn 2014 - 2016 tại huyện An Lão.
Quang cảnh buổi làm việc của Đoàn giám sát với UBND huyện An Lão
Tại xã An Hưng, Đoàn giám sát đã nghe lãnh đạo địa phương báo cáo tình hình thực hiện CSDT trên địa bàn xã trong giai đoạn 2014 – 2016. Theo đó, trong giai đoạn 2014 – 2016 đã cấp 4.137 lượt thẻ BHYT cho người nghèo, dân tộc thiểu số (DTTS); hỗ trợ gần 600 triệu đồng cho học sinh là người DTTS đang theo học tại các cấp; hỗ trợ 118 hộ vay vốn ưu đãi với tổng dư nợ trên 700 triệu đồng. Bên cạnh đó, từ nguồn vốn của Chương trình 135 và Nghị quyết 30a đã hỗ trợ địa phương hàng trăm triệu đồng để xây dựng các công trình cơ bản, mua sắm vật tư phân bón; hỗ trợ giống, bò lai cho người dân. Nhờ vậy, bộ mặt nông thôn của xã ngày càng khởi sắc; đời sống người dân đã được cải thiện rõ rệt, tỉ lệ hộ nghèo từ 72,2% năm 2014 giảm xuống còn 57,78% vào năm 2016; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Trong khi đó, trên địa bàn toàn huyện An Lão hiện có 2.988 hộ đồng bào DTTS (hộ nghèo chiếm 88,55%), sinh sống tập trung chủ yếu ở 9 xã, thị trấn. Các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với người DTTS thời gian qua luôn được huyện quan tâm và triển khai thường xuyên, đồng bộ. Đồng thời, các chương trình dự án đã được đầu tư đúng trọng điểm, các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho đồng bào DTTS đã làm thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn miền núi.
Tại buổi giám sát, xã An Hưng và UBND huyện An Lão cũng kiến nghị với Đoàn giám sát của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh một số bất cập thực hiện chính sách hỗ trợ trong việc phát triển kinh tế - xã hội miền núi, vùng đồng bào DTTS trên địa bàn xã và huyện.
Phát biểu kết luận, bà Nguyễn Thị Đàng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng đoàn giám sát, đánh giá cao việc triển khai CSDT trên địa bàn xã An Hưng nói riêng và huyện An Lão nói chung. Trưởng đoàn giám sát cũng đề nghị các ngành đoàn thể của xã và huyện cần tích cực phối hợp với nhau hơn nữa để tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người DTTS phải biết cách chi tiêu; tận dụng lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển kinh tế rừng, để tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống. Đối với những kiến nghị của địa phương, Đoàn giám sát hứa sẽ chuyển đến các cơ quan chức năng và cùng phối hợp xem xét, giải quyết.
Được biết, từ ngày 9 - 18.8, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh sẽ triển khai giám sát việc thực hiện CSDT tại 6 huyện miền núi, trung du trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014 - 2016. Cụ thể, đoàn giám sát sẽ giám sát trực tiếp tại huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh, Hoài Ân, An Lão và 4 xã, thị trấn thuộc 4 huyện trên; giám sát gián tiếp (qua báo cáo) huyện Phù Cát, Tây Sơn và 2 xã thuộc 2 huyện trên.
NGUYỄN HỒNG PHÚC
Nay mai chắc chắn sẽ có Đoàn giám sát của Ban Dân tộc HĐND về các huyện miền núi giám sát về thực hiện các chính sách dân tộc nữa chưa kể các đoàn giám sát từ các Bộ ngành về.
Xong cuộc gặp gọi là giám sát như thế này thì có mấy tác dụng, cũng chỉ là hứa "sẽ chuyển đến các cơ quan chức năng và cùng phối hợp xem xét, giải quyết". Tốn kém thời gian, kinh phí đi lại; sao không là Đoàn công tác của tỉnh (gồm Đại biểu QH, HĐND tỉnh, Giám đốc các sở, ngành,...) để xem xét, quyết định giải quyết các vấn đề, kiến nghị của địa phương luôn. Cần đổi mới công tác giám sát: Lắng nghe, tiếp nhận kiến nghị và yêu cầu các cấp, ngành trả lời hoặc giải quyết luôn theo chức năng, thẩm quyền quy định. Làm vậy vừa tiết kiệm thời gian, kinh phí mà hiệu quả tốt hơn.