Nhân ngày Vì nạn nhân chất độc da cam/Dioxin Việt Nam (10.8):
10 năm đồng hành cùng nỗi đau da cam
Tròn 10 năm (2006 - 2016) kể từ ngày Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin (NNCÐDC) tỉnh thành lập cũng là tròn 10 năm nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam trong tỉnh có thêm nơi nương tựa, trợ giúp. Những quan tâm, hỗ trợ từ vật chất đến tinh thần của Hội đã góp thêm sức mạnh, để những gia đình da cam vượt qua khó khăn.
Phần lớn các gia đình NNCĐDC có đời sống kinh tế khó khăn. 80% hộ NNCĐDC là hộ nghèo. Nhiều gia đình có 3 - 4 người bị chất độc hóa học hành hạ, không thể sống độc lập mà phụ thuộc hoàn toàn vào sự chăm sóc, hỗ trợ của người thân. Vì thế, gia đình NNCĐDC là đối tượng trợ giúp của nhiều tổ chức, nhà hảo tâm, phong trào “Tết vì người nghèo và NNCĐDC”...
Với nạn nhân da cam, sự hỗ trợ từ các cấp Hội NNCĐDC là nguồn động viên, tiếp sức cho họ vượt qua nỗi đau.
- Trong ảnh: Nạn nhân da cam được hỗ trợ tại Lễ gặp mặt nhân kỷ niệm 10 năm thành lập Hội NNCĐDC tỉnh.
Xoa dịu nỗi đau da cam
Là tổ chức hội của NNCĐDC, từ năm 2006 đến nay, Hội NNCĐDC/Dioxin tỉnh đã tích cực vận động nguồn lực, thực hiện nhiều trợ giúp cho hội viên. Hội đã phối hợp các ngành, các cấp tổ chức điều tra cơ bản tình hình nạn nhân; tập huấn, hướng dẫn đối tượng làm thủ tục trợ cấp đối với người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học theo quy định của Nhà nước. Đến quý I.2016, toàn tỉnh đã có 2.541 người (trong đó 1.755 người là nạn nhân trực tiếp, 786 người là nạn nhân gián tiếp) được công nhận là NNCĐDC/Dioxin, được hưởng chế độ trợ cấp.
Trong 10 năm qua, nhờ các nguồn lực vận động được, Hội NNCĐDC đã thăm hỏi, động viên và tặng hàng ngàn suất quà cho gia đình NNCĐDC với tổng số tiền trên 3 tỉ đồng; xây dựng và sửa chữa 26 căn nhà cho đối tượng khó khăn về nhà ở (tổng trị giá gần 740 triệu đồng); hỗ trợ vốn sản xuất cho 10 hộ với mức 10 triệu đồng/hộ trong thời hạn 5 năm, không tính lãi...
Tết Nguyên đán Bính Thân - năm 2016 vừa qua, gia đình bà Đặng Thị Thân (60 tuổi; ở 3/28 đường Quang Trung, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) được ở trong ngôi nhà mới khang trang nhờ vào sự giúp đỡ của Bưu điện tỉnh (mức trợ giúp 50 triệu đồng) và nguồn hỗ trợ của người thân, vay mượn. Trước đó, bà Thân vẫn ấp ủ mong muốn nâng cấp ngôi nhà cũ cho tinh tươm, an toàn cho cả gia đình. Song vì phải một mình xoay sở, lo cho chồng đau ốm, con trai đầu bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học, con gái đang tuổi ăn học, nên bà đành gác nguyện vọng đó sang một bên. Năm nay, khi cuộc sống gia đình đã có phần ổn định, lại được Hội NNCĐDC và Bưu điện tỉnh hỗ trợ, bà mới bắt tay thực hiện điều ước nguyện bấy nay.
Được hỗ trợ 10 triệu đồng vốn sản xuất, gia đình ông Trần Minh Quân (61 tuổi) đã sử dụng một phần khoản trợ giúp khiêm nhường này để đóng một chiếc xe đẩy trái cây (trị giá gần 4 triệu đồng), phần còn lại dùng làm vốn mua bán. Người cựu binh từng trở về từ chiến trường, bị chất độc hóa học ngấm vào người, mất sức lao động 61% này vẫn đi làm công việc bảo vệ, để cùng vợ chăm lo cho mẹ già tuổi đã ngoài 90 và đứa con đang học lớp 8.
Ông Quân chia sẻ: “Kinh tế vẫn còn khó khăn, chật vật. Dù vậy, những khoản trợ cấp của Nhà nước, sự động viên, trợ giúp của Hội NNCĐDC đã giúp chúng tôi tiếp tục cố gắng vượt khó”.
Tâm huyết
Năm 2006, khi mới thành lập, Ban chấp hành Hội NNCĐDC chỉ có 15 thành viên, số hội viên toàn tỉnh chỉ hơn 100 người. Cơ sở vật chất, trụ sở làm việc chưa ổn định, thiếu thốn gây khó cho hoạt động Hội. Dù vậy, nhờ vào sự nhiệt tình, tâm huyết của các thế hệ cán bộ hội; sự quan tâm của Trung ương hội, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Hội NNCĐDC tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác chăm lo cho NNCĐDC.
Là Chủ tịch Hội NNCĐDC tỉnh đầu tiên (nhiệm kỳ 2006 - 2013), ông Phùng Ngọc Diệp hiểu rõ hơn ai hết những gian nan trong những bước đi đầu tiên của Hội NNCĐDC tỉnh. Công tác vận động hội viên, vận động thành lập tổ chức hội ở cơ sở, vận động trợ giúp NNCĐDC hết sức khó khăn. Dẫu vậy, trong 7 năm làm công tác Hội, ông và Ban thường vụ, Ban chấp hành đã vận động thành lập hội ở 8/11 huyện, thị xã, thành phố; vận động nguồn hỗ trợ NNCĐDC hơn 1,5 tỉ đồng; kêu gọi xây dựng, sửa chữa 17 căn nhà.
Ít người biết, gần suốt nhiệm kỳ 7 năm, ông Diệp và lãnh đạo hội đều làm việc không có chế độ phụ cấp. Đến khi Quyết định 30/2011/QĐ-TTg về chế độ cho người đã nghỉ hưu giữ chức danh lãnh đạo chuyên trách tại các hội có hiệu lực thì ông cũng sắp hết nhiệm kỳ. Tâm huyết với hoạt động chăm lo cho NNCĐDC ấy của ông Diệp và những lãnh đạo hội trong nhiệm kỳ đầu tiên đã truyền lửa cho các lãnh đạo hội nhiệm kỳ sau và cấp cơ sở.
Nhìn lại chặng đường 10 năm đồng hành cùng nạn nhân da cam, ông Văn Hiệp, Chủ tịch Hội NNCĐDC tỉnh, khẳng định: “Tỉnh hội tiếp tục vượt qua khó khăn, thách thức xây dựng hội ngày càng vững mạnh và làm tốt nhiệm vụ chính trị của mình. Trong đó, chú trọng vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ, giúp đỡ nạn nhân da cam về vật chất lẫn tinh thần; đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC Bình Định”.
Ðến tháng 5.2016, toàn tỉnh có 10/11 huyện, thị xã, thành phố thành lập Hội NNCÐDC với tổng số 4.894 hội viên; 44/159 xã, phường, thị trấn thành lập tổ chức hội.
NGUYỄN MUỘI