Hơn cả bài quyền, thế võ...
Tại Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ VI - Bình Ðịnh 2016, lần đầu tiên công chúng được đón chào một đoàn võ sinh khuyết tật. Ðó là các thành viên của Trung tâm Huấn luyện võ Bình Ðịnh cho trẻ em cơ nhỡ và khuyết tật TP Hồ Chí Minh. Phần biểu diễn của họ để lại ấn tượng đặc biệt!
Bùi Thị Ánh Tuyết và Nguyễn Thành Trung song diễn bài “Đoản đao”.
Buổi giao lưu võ thuật giữa võ đường Phi Long Vịnh (huyện Tuy Phước) và các đoàn khách trong nước và quốc tế sáng 3.8 trở nên náo nhiệt hẳn khi có sự xuất hiện của các võ sinh đến từ Trung tâm Huấn luyện võ Bình Định cho trẻ em cơ nhỡ và khuyết tật TP Hồ Chí Minh. Người đi không thẳng, người ngồi trên xe lăn… cùng cúi chào khán giả theo phong cách “con nhà võ”.
Sức mạnh và nghị lực
Đứng ở cuối hàng, cô gái trẻ Bùi Thị Ánh Tuyết vẫn không giấu nổi sự hồi hộp. Không hồi hộp sao được, khi đây là lần đầu tiên “võ sinh” 28 tuổi và các bạn được đi xa, được biểu diễn võ thuật trước hàng trăm người.
5 năm trước, chứng viêm màng não khiến cô gái quê Đồng Nai mồ côi cha lẫn mẹ này bị liệt nửa người. Tuyết được đón vào Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ em mồ côi TP Hồ Chí Minh (trụ sở tại huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh). Gần 1 năm nay, mỗi tuần 3 buổi, Tuyết còn được học võ cùng bạn bè.
“Thời gian đầu thì cũng khó lắm; dần rồi quen. Em và các bạn rất thích. Biết võ là một chuyện, quan trọng hơn là sức khỏe em cải thiện nhiều, nửa người bên phải trước cứng đơ, giờ đã có thể cử động linh hoạt. Chứng trầm cảm em mắc hồi mới bị bệnh cũng dần mất đi”- Tuyết khoe. Tuyết tham gia 2 trong 5 tiết mục biểu diễn của Trung tâm Huấn luyện võ Bình Định cho trẻ em cơ nhỡ và khuyết tật TP Hồ Chí Minh, đó là độc diễn bài “Thuyết kiếm” và song diễn “Đoản đao” cùng Nguyễn Thành Trung. Trung cũng bị yếu người từ nhỏ, chân tay lèo khoèo, nhưng cũng nhờ được tập võ mà cải thiện được cử động.
Nguyễn Minh Phúc mạnh mẽ với bài “Độc mác phi long”.
Song gây ấn tượng mạnh nhất là Nguyễn Minh Phúc - chàng trai cụt tay trái và 2 chân chỉ còn đến đầu gối. Chỉ bằng mấy ngón tay nhỏ xíu trên bàn tay phải nhưng Phúc vẫn thể hiện mạnh mẽ 2 bài “Độc mác phi long” và “Đoản phủ”. Những pha lăn người nhanh nhẹn, di chuyển hoạt bát, cùng động tác dứt khoát của Phúc đã nhận được những tràng vỗ tay đầy thán phục.
Lúc biểu diễn mạnh mẽ bao nhiêu, khi gặp cổ động viên, Phúc lại bẽn lẽn bấy nhiêu. Nhận bó hoa từ các bạn nữ, anh chàng cứ… run run, luống cuống. Cô Vương Thị Duyên Hương – quản sinh của Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ em mồ côi TP Hồ Chí Minh - cười lớn: “Vậy mà “ảnh” cứ lắc đầu không chịu đi, phần vì sợ tiếp xúc với người ngoài, phần vì ngại biểu diễn trước đông người”.
Đoàn võ sinh Trung tâm Huấn luyện võ Bình Định cho trẻ em cơ nhỡ và khuyết tật TP Hồ Chí Minh.
Yêu thương và tâm huyết
Tuyết, Trung, Phúc… và những người bạn mồ côi, khuyết tật của mình được học võ cổ truyền Bình Định từ chính những võ sư người Bình Định. Người “khai đường mở lối” cho hoạt động đầy ý nghĩa này chính là võ sư Hà Trọng Khánh - con trai của cố võ sư Hà Trọng Sơn, em trai võ sư Hà Trọng Ngự.
Cơ duyên để võ sư Hà Trọng Khánh thành lập Trung tâm Huấn luyện võ Bình Định cho trẻ em cơ nhỡ và khuyết tật TP Hồ Chí Minh cũng thật đặc biệt. Ông kể, cách đây hơn 4 năm, trong một dịp tình cờ, ông nhận dạy võ miễn phí cho một cô bé 12 tuổi bị cụt một tay trong lần bị tai nạn xe máy. Vụ tai nạn cũng cướp mất đi người bố. Sau đó, cô bé và mẹ lang bạt khắp Sài Gòn nhặt ve chai kiếm sống. Chuyện buồn đời em và ước mơ được học võ như những bạn bình thường khác khiến ông xúc động.
“Với một người bình thường, những thế võ hay bài quyền được tiếp thu thuận lợi. Nhưng với những em nhỏ khuyết tật, cần sự nỗ lực hết mình của các em và sự nhẫn nại đầy yêu thương của người chỉ dạy”
“Cô bé rất có năng khiếu. Chỉ với một tay trái nhưng học rất nhanh, múa quyền rất đẹp. Nhưng rồi, em đột ngột biến mất. Điều này khiến tôi cứ mãi suy nghĩ, trăn trở về em và những em nhỏ tật nguyền, nghĩ mình phải làm gì đó có ích cho các em” - võ sư Hà Trọng Khánh chia sẻ.
Nỗi trăn trở ấy thôi thúc võ sư Khánh và bạn bè thành lập Trung tâm Huấn luyện võ Bình Định cho trẻ em cơ nhỡ và khuyết tật TP Hồ Chí Minh. Ông bảo, ông và những người cùng chí hướng muốn truyền bá rộng rãi võ cổ truyền Bình Định trong nhiều đối tượng. Với người khuyết tật, được luyện võ, các em sẽ cải thiện sức khỏe, thêm tự tin; quan trọng nhất là phần nào bảo vệ được mình trước những bất trắc trên hành trình kiếm sống đầy gian nan.
Với một người bình thường, những thế võ hay bài quyền được tiếp thu thuận lợi. Nhưng với những em nhỏ khuyết tật, cần sự nỗ lực hết mình của các em và sự nhẫn nại đầy yêu thương của người chỉ dạy. Võ sư Nguyễn Minh Vũ - Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện võ Bình Định cho trẻ em cơ nhỡ và khuyết tật TP Hồ Chí Minh - chia sẻ: “Chúng tôi phải “nhập vai” vào các em để hiểu cái khó của người khuyết tật, soạn ra giáo án huấn luyện riêng cho từng em. Rất khó để mỗi bài võ được dạy theo bài bản, mà phải “chế” lại, lượt bớt những động tác khó có thể gây nguy hiểm cho mỗi em”.
NGUYỄN VĂN TRANG