Xã Phước Thành (Tuy Phước): Chợ tự phát họp trước cổng trường
Trước cổng Trường Tiểu học số 2 Phước Thành (thôn Bình An 2, xã Phước Thành, huyện Tuy Phước), có một chợ tự phát hoạt động nhộn nhịp với cả trăm kẻ bán - người mua, vừa gây mất an toàn giao thông, vừa gây ô nhiễm môi trường và mỹ quan trường học.
Chợ tự phát “bao vây” cổng Trường TH số 2 Phước Thành và lấn ra lòng đường (ảnh lớn). Vậy nhưng, cách đó không xa, chợ Quán Rạp lại ở cảnh vắng hoe (ảnh nhỏ).
Chợ tự phát này bắt đầu hình thành từ cách đây chừng 2 năm. Từ vài người mua bán ban đầu; đến nay, lượng người mua bán tới đây khá đông, nhất là từ 6 đến 11 giờ mỗi ngày. Họ bán đủ các mặt hàng, từ đồ ăn, thức uống, tới thực phẩm và các hàng tiêu dùng khác. Sau mỗi buổi họp, bao bì ni lông vương vãi tứ tung; nước thải chảy tràn ra đường, cổng trường, gây ô nhiễm môi trường. Gặp gió thổi, các loại bao bì ni lông bay tứ tung.
Chợ tự phát không chỉ bao vây cổng Trường Tiểu học số 2 Phước Thành mà còn bịt kín lối đi của thầy và trò nhà trường. Không chỉ vậy, nhiều người bán còn lấn ra lòng, lề đường liên xã dẫn về Sư đoàn 31 - Đoàn Lam Hồng (Quân đoàn 3) để bày hàng. Đoạn đường này trở nên chật chội, lộn xộn, mất an toàn giao thông.
Nghịch lý là, chỉ cách chợ tự phát này khoảng 900 m, chợ Quán Rạp (ở thôn Cảnh An 1), được đầu tư xây dựng bài bản với kinh phí hơn 200 triệu đồng nhưng lại vắng hoe người buôn bán.
Đi sâu tìm hiểu, chúng tôi được biết, sở dĩ có chuyện tréo ngoe trên là do chợ Quán Rạp nằm phía trong, xa quốc lộ 19, nên việc kinh doanh, buôn bán không thuận tiện. Trong khi đó, chợ tự phát trước Trường Tiểu học số 2 Phước Thành gần khu vực dân cư; người bán không phải trả tiền thuê mặt bằng; người mua có thói quen tạt vào chợ “vỉa hè” mua đồ cho tiện.
Theo ông Lê Văn Đồng, Chủ tịch UBND xã Phước Thành, đa phần người tham gia buôn bán ở chợ tự phát trước cổng Trường Tiểu học số 2 Phước Thành chủ yếu là người dân ở 2 thôn Bình An 1 và Bình An 2. Để xử lý tình trạng buôn bán tự phát tại đây, xã đã nhiều lần ra quân dọn dẹp, yêu cầu người mua bán di chuyển tới các chợ Quán Rạp (thôn Cảnh An 1) hay chợ Cây Xanh (thôn Cảnh An 2) để buôn bán. Vậy nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, người dân lại quay về khu vực này buôn bán.
“Để xử lý triệt để tình trạng buôn bán tự phát tại đây hiện rất khó. Bởi sau thời gian hơn 2 năm, việc buôn bán ở đây đã thành “nếp” của người dân. Thời gian tới, xã sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân di chuyển tới các chợ đã được quy hoạch để mua bán. Những trường hợp không chấp hành, xã sẽ xử phạt thật nghiêm” - ông Đồng khẳng định.
Có thể thấy, việc để chợ tự phát “mọc” trước cổng Trường Tiểu học số 2 Phước Thành có phần nguyên nhân từ việc quy hoạch, xây dựng chợ ở địa phương chưa hợp lý. Để dẹp bỏ chợ tự phát này, cần sự phối hợp giữa chính quyền sở tại với các cơ quan, ban, ngành của huyện Tuy Phước trong tuyên truyền, vận động người buôn bán di chuyển đến các chợ đã được xây dựng. Về lâu dài, UBND xã Phước Thành cần rà soát, quy hoạch lại các chợ, khu buôn bán tập trung; qua đó, giúp việc kinh doanh, mua bán của tiểu thương ở địa phương được thuận lợi.
TRỌNG LỢI
Tác giả đã viết bài báo này khiến cho mọi tiểu thương trong chợ buôn bán khó khăn. Việc dọn chợ đã tiến hành gần 2 tháng tuy nhiên chỉ dọn ngọn không dọn gốc nên người bán ngồi ra đường bán. Tác giả có thể viết thêm 1 bài nữa về viêc dọn ngọn không dọn gốc như hiện nay để giúp người bán có chỗ bán ổn định an toàn hơn. Tác giả cứ khoảng 6h ra đó sẽ thấy tình hình cụ thể như thế nào. Cảm ơn tác giả