Hướng tới đỉnh cao
1.
Bóng đá Phú Yên nằm ở đâu trên bản đồ của bóng đá Việt Nam? Từ hạng Ba, đội bóng láng giềng của chúng ta đã vươn lên hạng Nhì. Trong lộ trình vạch ra mới đây, bóng đá Phú Yên quyết tâm sẽ góp mặt ở giải hạng Nhất và tìm đường lên V-League. Cơ sở để bóng đá Phú Yên tin tưởng vào điều này là họ đang có một hệ thống đào tạo trẻ khá tốt, đặc biệt là sự góp mặt của các cầu thủ nhí đang học tập tại Học viện bóng đá HAGL-Arsenal JMG.
Năm 2009, trong đợt tuyển sinh khóa 2 của học viện bóng đá HAGL-Arsenal JMG, Lê Duy Tín là cái tên duy nhất của Bình Định góp mặt tại vòng chung kết. Tuy không lọt vào top 10 khóa 2, nhưng đặt giữa 9.921 thí sinh dự tuyển trên toàn quốc, mới thấy nỗ lực và năng khiếu của Duy Tín thật đáng để tự hào. Với bóng đá Bình Định, Lê Duy Tín là một “hạt ngọc” quý. Tuy nhiên, hơn ba năm trôi qua, không ai biết Lê Duy Tín làm gì, ở đâu, có còn đam mê với bóng đá?
2.
Từ chuyện của Lê Duy Tín, có thể thấy bóng đá Bình Định còn nhiều tài năng trẻ, nhưng để phát hiện và khơi dậy “nguồn lực” này cần có một chiến lược và lộ trình hợp lý. Lâu nay, bóng đá trẻ Bình Định “cậy nhờ” vào Trường Năng khiếu TDTT tỉnh và các vệ tinh để tuyển sinh. Nếu tuyến dưới bỏ sót nhân tài, tuyến trên cũng… bó tay.
Nhiều lần đến Bình Định để tuyển sinh, Giám đốc kỹ thuật của HAGL-Arsenal JMG Graechen Guillaume từng nhận xét tiềm năng của bóng đá trẻ Bình Định là khá lớn. Vấn đề đặt ra là khai thác và sử dụng tiềm năng ấy ra sao để bắt kịp tiến trình phát triển của nền bóng đá Việt Nam. Còn rất nhiều “viên ngọc thô” mà những tuyển trạch viên phải “lặn lội” mới tìm thấy. Ông Guillaume cho rằng muốn phát triển, bóng đá trẻ Bình Định không nên tuyển sinh ồ ạt hàng chục, hàng trăm cầu thủ trẻ rồi đào thải dần. Nên tuyển chọn đầu vào ít nhưng bảo đảm đầu ra vẫn giữ 100% lượng học viên đã nhận. Sau khâu tuyển sinh, cần có một lộ trình đào tạo lâu dài cho từng lứa tuổi. Cần tập trung tối đa nguồn lực cho công tác đào tạo trẻ. Cơ sở vật chất, chất lượng HLV, nguồn kinh phí, y tế, văn hóa… phải đầy đủ trong một mô hình chuẩn. Một khi làm tốt được những điều này, Bình Định sẽ không thiếu nhân tài bóng đá.
3.
Nhân tài bóng đá không chỉ là những cầu thủ nhí nhiều năm phát triển ở cấp địa phương. Nếu được tôi luyện ở những môi trường đào tạo bài bản và tiến bộ hơn, những cầu thủ trẻ như Lê Duy Tín sẽ đặt chân vào một thế giới mới. Hy vọng những người đào tạo bóng đá trẻ và các cầu thủ năng khiếu Bình Định có cùng chung chí hướng, để trong tương lai bóng đá đất Võ sẽ có một thế hệ rường cột vững chắc.
MỘC LAN