Để đảm bảo an toàn thực phẩm: Cần phân cấp quản lý, quy trách nhiệm cụ thể
Đó là những giải pháp quan trọng để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) từ nay đến cuối năm 2016, được nêu ra tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo liên ngành tỉnh về VSATTP tổ chức chiều 9.8.
Nhận định VSATTP là vấn đề nóng, được người dân quan tâm và cũng rất lo ngại, các thành viên của Ban Chỉ đạo đã cùng nhau bàn bạc, đưa ra những ý kiến cụ thể để nâng cao hiệu lực công tác quản lý nhà nước về VSATTP.
Còn nhiều mối nguy
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo, trong 6 tháng đầu năm 2016 là trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm lớn nào. Các ngành Y tế, NN&PTNT và Công Thương đã tổ chức được 71 lớp tập huấn kiến thức ATTP và cấp giấy xác nhận kiến thức ATTP cho 2.307 học viên là chủ cơ sở và những người trực tiếp sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.
Thức ăn đường phố với nguyên liệu trôi nổi là đối tượng cần được quan tâm kiểm soát chặt chẽ. Ảnh minh họa
Song, vấn đề nhận được nhiều sự chú ý là kết quả của hoạt động thanh, kiểm tra. Tổng số đoàn thanh tra liên ngành được thành lập là 388, ở cả 3 tuyến tỉnh, huyện, xã. Tuyến tỉnh kiểm tra 132 cơ sở, phạt 22 cơ sở; tuyến huyện kiểm tra 1.083 cơ sở, phạt 234 cơ sở; tuyến xã kiểm tra 3.293 cơ sở, nhắc nhở 263 cơ sở. Qua hoạt động thanh tra chuyên ngành phát hiện 28/279 cơ sở vi phạm, xử phạt 253,2 triệu đồng. Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh) phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện 7 vụ vi phạm, phạt 75,9 triệu đồng.
Với công tác giám sát, kiểm soát mối nguy ATTP, Sở NN&PTNT đã nỗ lực nâng số lượng mẫu được kiểm soát dư lượng các chất độc hại và kháng sinh cấm. 6 tháng đầu năm nay có 246 mẫu được kiểm nghiệm, tăng 38% so với cả năm 2015.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Trượng, dù không phát hiện có vi phạm trong số mẫu này, nhưng cuối năm 2015, ngành đã phát hiện 4 mẫu thức ăn chăn nuôi và 3 mẫu nước tiểu heo dương tính với chất cấm. Và, chỉ trong tháng 7.2016, đã phát hiện 3 mẫu nước tiểu heo và 1 mẫu thức ăn chăn nuôi dương tính với chất cấm.
Từ những thông tin kể trên, có thể thấy ngay rằng, mối nguy mất ATTP vẫn hiển hiện!
Lấp ngay “lỗ hổng”
Trong Tháng hành động vì ATTP năm nay (15.4 - 15.5), đoàn thanh tra liên ngành Trung ương đã về thanh tra tại Bình Định. Trong buổi làm việc với Ban Chỉ đạo liên ngành về VSATTP huyện Tuy Phước, cán bộ phụ trách ATTP của ngành Công Thương huyện không thể trả lời chính xác đối tượng và số lượng cơ sở thực phẩm do ngành quản lý trên địa bàn.
“Ai cũng nói đảm bảo ATTP là hết sức quan trọng, hết sức cần thiết, nhưng đi vào từng vấn đề cụ thể thì lại “mù mờ”. Cần thiết phải phân cấp, phân công trách nhiệm rõ ràng, không thể tiếp diễn tình trạng cứ xảy ra mất ATTP lại gọi bên Y tế được” - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh Trần Thị Ánh Hồng bức xúc nói.
Trong khi đó, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Nguyễn Đức Thi bày tỏ nghi ngại về hiệu quả thật sự của hoạt động thanh kiểm tra. Ông đề nghị các ngành chức năng cần tập trung nhiều hơn cho kiểm tra đột xuất, khi xác định đối tượng nghi ngờ thì phải áp dụng ngay biện pháp nghiệp vụ, tiến hành kiểm tra bất ngờ thì mới “bắt tận tay”.
Ngày 9.8, UBND tỉnh có văn bản yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, hội đoàn thể, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 9.5.2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP. Trong đó nhấn mạnh vai trò trách nhiệm của cán bộ làm công tác ATTP; xử lý nghiêm cán bộ thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý ATTP, nhũng nhiễu trong quá trình thi hành công vụ.
“Xác định được vi phạm thì xử lý ngay theo thẩm quyền. Thời gian qua, có đoàn thanh tra phát hiện vi phạm nhưng lại xin ý kiến, chủ trương từ UBND tỉnh về việc xử phạt, làm ảnh hưởng đến thời hạn xử lý theo quy định. Tình trạng này phải chấm dứt ngay!” - ông Thi khẳng định.
Trước những “lỗ hổng” trong công tác đảm bảo VSATTP, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành tỉnh về VSATTP - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh yêu cầu các sở, ngành, đơn vị và địa phương phải tăng cường hơn công tác phối hợp. Trong đó, Sở Y tế rà soát văn bản pháp luật về ATTP, kịp thời kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định bổ sung, sửa đổi các quy định hiện hành để đáp ứng yêu cầu quản lý, bảo đảm ATTP phù hợp với điều kiện thực tiễn. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh kiện toàn Ban Chỉ đạo; xây dựng, thống nhất với các sở, ngành, đơn vị trình UBND tỉnh ban hành quy định phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.
Phó Chủ tịch cũng giao Sở Y tế khẩn trương xây dựng kế hoạch thanh tra ATTP từ nay đến cuối năm, trong đó tập trung vào dịp Tết và các đợt lễ lớn; đặc biệt lưu ý các địa phương thu hút đông khách du lịch như Nhơn Lý, Nhơn Hải (TP Quy Nhơn), phải kiểm soát chặt chẽ tình trạng quán xá tràn lan, hàng hóa trôi nổi.
NGUYỄN VĂN TRANG