Chông chênh “vượt sóng”
Cuộc sống chung không hạnh phúc, dẫu có lúc hạ quyết tâm ly hôn với người một thời đầu ấp tay gối, thì khi đối mặt với hiện thực, người phụ nữ mạnh mẽ đến mấy cũng thường thấy hụt hẫng...
1.
Mà nếu diễn tả, tôi sẽ gọi đó là cảm giác chông chênh lúc vượt sóng. Ừ, biết rằng kéo dài cuộc sống chung chỉ mang lại mệt mỏi cho cả hai, thậm chí “đầu độc” bầu không khí trong lành rất cần cho sự phát triển tâm sinh lý của con trẻ, nhưng nói không dằn vặt, không thấy hụt hẫng là dối lòng.
“Cứ ngỡ khi về nhà lòng sẽ nhẹ nhõm khi không còn thấy “bản mặt đáng ghét” của người kia nữa, vậy mà sao lại thấy thiêu thiếu, văng vắng thế nào. Nhưng nếu bảo quay lại sống chung với nhau như trước đây, tôi sợ lắm. Phải chăng như một thói quen giờ đột ngột dứt bỏ nên mới thế?” - Một người bạn kể lại tâm trạng đầy mâu thuẫn của mình sau ly hôn như vậy.
Một khi đã quyết định dứt khoát thì hãy chuẩn bị tâm lý để vượt “sóng”, giữ được tâm bình khi “sóng” lui.
Có người sẽ đoán, chắc là còn thương nên mới vậy!? Nhưng nào phải. Chỉ bởi, vợ chồng từng một thời yêu nhau và hạnh phúc, từng có với nhau những kỷ niệm ngọt bùi; rồi con cái, họ hàng, những mối quan hệ phức tạp đan xen không thể kết thúc được sau khi cuộc hôn nhân chấm dứt về phương diện pháp luật.
Rồi nữa, như một vết thương dẫu đã hoại tử cần phải sớm cắt bỏ, thì sau đó, cái sẹo vẫn có thể gây tấy nhức, dai dẳng hàng tháng trời, cho đến lúc lên da non, liền hẳn lại.
2.
Nhìn vào số vụ ly hôn những năm gần đây, năm sau luôn cao hơn năm trước. 6 tháng đầu năm 2016, TAND hai cấp trong tỉnh đã thụ lý 1.716 vụ án ly hôn. Nếu lấy tổng số vụ chia cho tổng số ngày trong 6 tháng, bình quân mỗi ngày có 9,4 cặp vợ chồng đưa đơn ra tòa ly hôn.
Thống kê ly hôn 6 tháng đầu năm 2016 tại TAND TP Quy Nhơn cho thấy, tỉ lệ phụ nữ đứng đơn ly hôn chiếm 65% tổng số vụ. Có lẽ, bởi cuộc sống ngày nay phức tạp hơn, và còn bởi, phụ nữ ngày nay chủ động, độc lập về mặt công việc, tài chính hơn trước rất nhiều, nên cũng yêu cầu ở người bạn đời cao hơn.
Dẫu chủ động, cứng cỏi là vậy, nhưng khi đối mặt với cuộc chia tay thực sự, người phụ nữ không thể tránh khỏi tâm lý trống trải, chông chênh. Suy cho cùng, tận trong sâu thẳm, phụ nữ vẫn là phái yếu, vẫn bị tổn thương nhiều hơn. Bởi thế, hãy nghĩ suy thật kỹ, thật thấu đáo trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Và sau đó, cũng cần một khoảng lặng để bình tâm suy xét thấu đáo mọi vấn đề, cách thức đối phó, giải quyết những vấn đề hậu ly hôn. Đừng vội vã bắt đầu một quan hệ mới khi tâm chưa thực sự thanh thản. Đừng vì muốn khiêu khích, trả đũa đối phương mà có thể phạm thêm một hoặc nhiều sai lầm khác.
3.
Tôi nhớ có lần, một cô bạn kể chuyện, sau khi chia tay, cô đã hụt hẫng khi ban đầu, chồng thường lui tới thăm con, nhưng khi có gia đình mới thì thưa thớt hẳn, thậm chí nửa năm mới gặp mặt con một lần. Trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con lúc có, lúc không. Những chuyện đó - thiết nghĩ cũng cần chuẩn bị tâm lý trước - để tiếp nhận một cách lý trí nhất. Rồi cả việc con thay đổi tâm sinh lý, nổi nóng khó chịu, thậm chí là nổi loạn chống đối sau khi gia đình tan vỡ, cũng nên được lường trước để tránh cho con bị sốc đột ngột, dẫn đến các hành vi tiêu cực cho bản thân và gia đình.
Ly hôn luôn là chuyện chẳng đặng đừng. Vượt qua sóng gió đâu bao giờ là chuyện dễ dàng. Nhưng một khi đã quyết định dứt khoát thì hãy chuẩn bị tâm lý để vượt “sóng”, giữ được tâm bình khi “sóng” lui và chuẩn bị tâm thế đón nhận cuộc sống mới. Hãy dành thời gian cho công việc, chăm sóc con cái và bản thân mình hơn; chiêm nghiệm những bài kinh nghiệm có được từ sự đổ vỡ để mình có thể sống tốt hơn khi bắt đầu một cuộc sống khác.
Rồi cuối cùng, sóng gió cũng sẽ qua.
HOÀNG HẠC