Nên chăng…?
Thời gian gần đây, trên địa bàn TP Quy Nhơn “rộ” lên vấn nạn xây dựng nhà ở không phép. Tại các phường thuộc diện vùng ven, có quỹ đất nông nghiệp hoặc đang có các dự án xây dựng hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị là nơi xảy ra vi phạm nhiều nhất. Mới đây, các cơ quan chức năng của TP Quy Nhơn đã phát hiện nhiều vụ xây nhà không phép, trái phép có quy mô tới hàng chục căn ở các phường Quang Trung, Nhơn Bình, Nhơn Phú… Việc tiến hành xử lý các vụ vi phạm thuộc diện… “sự đã rồi” này đang là chuyện đau đầu của các cấp chính quyền TP Quy Nhơn.
Được biết, từ nhiều năm trước đây cũng như hiện nay, các cơ quan chức năng và chính quyền TP Quy Nhơn đã có những động thái quyết liệt trong việc xử lý vi phạm trên lĩnh vực này. Hàng trăm căn nhà xây không phép, trái phép đã bị cưỡng chế tháo dỡ, hàng chục cá nhân bị khởi tố hình sự và một số cán bộ liên quan bị xử lý kỷ luật. Tuy nhiên, điều đáng buồn là dù chính quyền đã nỗ lực, đã kiên quyết… nhưng tình trạng xây dựng không phép, sai phép vẫn tiếp tục xảy ra ở các địa phương.
Đề cập đến nguyên nhân của tình trạng trên, điều mà ai cũng thấy là do quản lý bị buông lỏng, ý thức chấp hành pháp luật của người dân không tốt, việc xử lý không nghiêm… Tuy nhiên, ngoài các nguyên nhân thuộc hàng… “kinh điển” - đúng với mọi trường hợp vi phạm về quản lý, thì với công tác quản lý đô thị, cụ thể là quản lý trật tự xây dựng ở đô thị ở cơ sở còn có sự bất cập về năng lực, tổ chức, nhân sự… Và đây là điều dẫn đến hiệu quả quản lý không đạt mục tiêu.
Thực tế cho thấy, từ trước đến nay việc quản lý đất đai, quy hoạch - kiến trúc và xây dựng ở cơ sở hầu như đặt quá nhiều vào vai của cán bộ cấp phường. Theo Nghị định số 180/2007/CP của Chính phủ, chủ tịch UBND phường có quyền quyết định đình chỉ thi công xây dựng, quyết định cưỡng chế tháo dỡ công trình xây dựng vi phạm theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm về tình hình vi phạm trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn.
Quy định là vậy, nhưng trên thực tế cán bộ cấp phường không dễ dàng thực hiện hết chức năng của mình, bởi cho dù có quyền nhưng họ không có đủ bộ máy và công cụ hỗ trợ. Nhiều trường hợp chủ tịch UBND phường phải báo cáo UBND thành phố chờ UBND thành phố ra quyết định cưỡng chế và tổ chức lực lượng mới có thể cưỡng chế được. Đó là chưa kể những cái khó mà cán bộ cấp phường thường gặp như người xây dựng không phép là bà con lối xóm, ra vào chạm mặt nên ít nhiều cũng có chuyện nể nang, làm ngơ cho qua chuyện. Mặt khác, cùng cần xem xét lại việc có nên đặt hết trách nhiệm kiểm soát địa bàn vào cán bộ cấp phường khi chính đội ngũ này còn nhiều hạn chế về chuyên môn, chưa kể những vướng mắc do cơ chế, mối quan hệ cá nhân và cũng không loại trừ có vấn đề tiêu cực để trục lợi…
Để công tác quản lý đô thị đạt hiệu quả, nhất là trong quản lý xây dựng cơ bản, đã đến lúc bộ máy quản lý nhà nước cấp phường cần có thêm sự hỗ trợ cần thiết từ các bộ phận chuyên trách thuộc cấp trên đối với công tác quản lý quy hoạch, xây dựng. Chỉ khi có các lực lượng hỗ trợ như: cảnh sát trật tự xã hội, thanh tra xây dựng, cảnh sát môi trường… chính quyền địa phương mới có đủ quyền năng để xử lý nhanh chóng các hành vi vi phạm ngay từ khi mới nảy sinh và được phát hiện. Có như vậy mới có thể tạo nên kỷ cương trong quản lý trật tự xây dựng đô thị, tránh tình trạng “xong rồi mới biết”, “xong rồi mới xử” như đã xảy ra.
H.Đ