Bệnh nhân tâm thần phân liệt tại cộng đồng:
Ẩn họa từ những “sát thủ” vô thức
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2013, 4/8 vụ giết người trên địa bàn tỉnh là do người có biểu hiện hoặc tiền sử về bệnh tâm thần phân liệt đang sống tại cộng đồng gây ra. Tuy nhiên, việc quản lý các bệnh nhân tâm thần tại cộng đồng còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Tình trạng bệnh nhân tâm thần tái phát đang tăng.
Sống trong lo sợ
Hơn 10 giờ sáng, trán và áo của cô và trò lớp mẫu giáo thôn Vĩnh Hy, xã Phước Lộc (Tuy Phước) đã lấm tấm mồ hôi. Gần 20 trẻ học trong phòng khoảng 20m2 không có quạt, đã vậy hai cửa sổ lại đóng kín mít. Cô giáo Nguyễn Thị Oanh Kiều nói như thanh minh: “Giờ còn đỡ chứ đến tầm 2 giờ chiều thì nóng nực vô cùng. Nhưng nóng mấy cô trò em đều phải chịu, chứ không dám mở cửa sổ đâu. Sợ bị chị Châu ở nhà sát bên ném đá và đồ bẩn vào lớp”.
Chị Châu tên đầy đủ là Đỗ Thị Minh Châu, 44 tuổi, bị tâm thần đã 20 năm nay. Năm ngoài 20 tuổi, sau một bận đi làm ăn xa ở miền Tây Nam bộ về, Châu bắt đầu có những biểu hiện tâm thần. Bà Mai Thị Huệ, 71 tuổi, mẹ của bệnh nhân, rớm nước mắt: “Mỗi khi lên cơn, nó đập phá hết đồ đạc trong nhà, đánh đập cha mẹ đến mức chúng tôi phải đi ở nhờ hoặc ra chợ lánh nạn. Cách đây 4 năm, chồng tôi mất, nó không còn đánh tôi nữa, nhưng quay sang chọc bọn trẻ học mẫu giáo sát nhà. Hết ném đồ bẩn thì đập cửa, đánh trẻ con, nên tôi làm đơn đề nghị cho nó ra Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn từ hơn một năm nay nhưng chưa được. Chỉ sợ có ngày nó gây họa”.
Năm ngoái, Châu vác một đoạn tre già, đập bể đầu xe máy của một phụ huynh đưa con đi học. Sợ các cháu nhỏ bị thương, cô Kiều đưa tay ra đỡ thì trúng ngay một hèo vào cánh tay, mấy tháng sau vẫn còn tê nhức. “Dạy mẫu giáo mà cô trò đều không dám hát múa, không dám đọc to vì sợ chị Châu lên cơn kích động. Chị ấy đã đập rớt cánh cửa sổ phòng một lần rồi. Cô, trò và cả phụ huynh lúc nào cũng nơm nớp…”, cô giáo Kiều cho biết.
Đến nay, bệnh nhân Ngô Minh Toàn (29 tuổi, ở thôn Phú Mỹ 2, xã Phước Lộc, Tuy Phước) tuy đã có quyết định được đưa ra Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn từ ngày 20.5 (theo đề nghị của Phòng LĐ-TB&XH Tuy Phước), nhưng vẫn ở nhà. Bệnh nhân này lại dựng lều sát cổng Công ty đá Vạn Mỹ, ngay QL1A ở thôn Phú Mỹ 2 để ở. “Nó dữ dằn lắm, không ưng ý là hăm dọa, la mắng mọi người nên chẳng ai dám làm gì. Chỉ mong nó đừng động đến mình…”- một người dân ở gần đó nói.
Căn lều của Toàn rộng khoảng 3m2, được chăng bạt, rào kẽm gai cẩn thận, lại có cả cờ, trông chẳng khác nào một trạm gác. Thấy đoàn người lạ dỡ bạt nhìn vào “nhà” mình, Toàn từ trong lều lao ra, tay cầm dùi cui, quát tháo ầm ĩ. Bác sĩ Đinh Thành Giám, làm việc tại Trung tâm Y tế huyện Tuy Phước, kiêm nhiệm quản lý bệnh nhân tâm thần tại địa phương, lắc đầu: “Chính quyền xã cũng sợ, không dám đụng vào bệnh nhân này”.
Toàn mắc bệnh tâm thần phân liệt thể đơn thuần, được đi chữa trị tại Trung tâm Nuôi dưỡng tâm thần Hoài Nhơn một thời gian. Bệnh tình thuyên giảm, Toàn được cho về nhà, nhưng nay tái phát nên chính quyền xã đề nghị tiếp tục đưa đi điều trị. Tuy nhiên, theo phản ánh của lãnh đạo xã thì do người nhà của Toàn không chịu hợp tác nên địa phương chưa thể đưa đi được.
Thả ra là gây chuyện
Đã 15 năm nay, bệnh nhân Dương Thái Dặm (40 tuổi, ở khối Kim Châu, phường Bình Định, thị xã An Nhơn) luôn mang sợi dây xích to, nặng ở cổ chân. Buổi sáng Dặm được mẹ dẫn ra, khóa vào gốc cây mận to trước nhà bằng hai ổ khóa to sụ, tối đến lại được dắt vào ngủ trong căn phòng xây gạch kiên cố, cửa khóa trái. Mọi sinh hoạt cá nhân của Dặm, từ ăn uống, tắm rửa, đến tiêu tiểu đều diễn ra tại gốc mận.
“Má, cơm má. Má, nước”. Mỗi lần nghe tiếng con gọi, bà Thái Thị Lụa, 71 tuổi, lại tất tả chạy đi lấy đồ cho con. Nhìn Dặm ngồi hiền lành, cam chịu với đống xích sắt lùng nhùng dưới chân, tôi không nghĩ có lúc anh ta lại lên cơn điên bất tử. Vậy mà, bà Lụa bảo: “Nhốt thế này vẫn chưa thật yên tâm. Mỗi lần nó “lỉnh” ra ngoài được thì có chuyện ngay. Sợ nhất là khi nó đến hàng quán đòi ăn, không cho thì đập phá, đánh người. Vài năm trước, nó lấy cây đập một bà bán hàng toét đầu, phải may mấy mũi. Con bà ta vác dao đến nhà làm ầm ĩ cả lên”.
Sau sự cố con trai út tên Huỳnh Quang Lộc (42 tuổi) bị tâm thần, xách câu liêm suýt chém 2 đứa trẻ sau khi “sổng” ra khỏi nhà từ 3 năm trước, gia đình bà Nguyễn Thị Quyện (82 tuổi, ở khối Liêm Trực, phường Bình Định, thị xã An Nhơn) đã quyết định xây một căn phòng kiên cố để nhốt con lại. Toàn bộ song cửa đều bằng loại sắt cỡ phi 18. Ngày ba bữa, bà Quyện dỗ dành, đút cơm cho con ăn qua song sắt. Dẫu là mẹ, dẫu Lộc cũng có lúc tỉnh trí nhưng bà Quyện cũng không dám bước vào phòng của con trai. “Năm nó 16 tuổi bắt đầu có triệu chứng trầm trầm, buồn buồn, tinh thần cứ sa sút dần. Gia đình cứ nghĩ nó bị dương (ma ám-PV) nên cúng vái thầy nọ, thầy kia, cuối cùng bệnh tình nó trở nặng, càng ngày càng quậy phá. Ban đầu nhốt trong nhà, lấy xích xích lại, vậy mà nó vẫn thoát được. Mỗi lần được ra ngoài, nó rất hung hăng, cầm dao, câu liêm kiếm người gây chuyện…”- đôi mắt người mẹ mờ đục khi nói về đứa con.
Người nhà thiếu hợp tác, bệnh viện thiếu kinh phí
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Định, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh, trên địa bàn tỉnh có khoảng 5.000 bệnh nhân tâm thần đang được quản lý tại cộng đồng, trong đó có khoảng hơn 3.000 bệnh nhân bị tâm thần phân liệt. Đối với loại bệnh này, khó nhất là phải duy trì chế độ uống thuốc đều đặn và tái khám đều ngay cả khi bệnh đã thuyên giảm.
Tuy nhiên, thực tế khảo sát trực tiếp tại một số gia đình có bệnh nhân tâm thần, chúng tôi nhận thấy nhiều gia đình đều không tuân thủ nghiêm ngặt điều này vì thiếu hiểu biết, thiếu quyết tâm, kiên nhẫn, hay “thấy thuốc không có tác dụng”. Thậm chí có gia đình cũng chưa lần nào chở con đến bệnh viện thăm khám vì khó khăn (!). Bà Đỗ Thị Mận, vợ bệnh nhân Đặng Minh Hùng (56 tuổi, ở thôn Kỳ Sơn, xã Phước Sơn, Tuy Phước) cho biết bà bất lực, không thể cho chồng uống thuốc vì: “Ổng không chịu uống nước, ăn cơm do tôi nấu vì sợ tôi cho thuốc vào. Ổng uống nước trực tiếp từ vòi, tự nấu cơm ăn”.
Bác sĩ Đinh Thành Giám nhận xét: “Cái khó nhất trong việc quản lý bệnh nhân tâm thần tại cộng đồng hiện nay chính là sự thiếu hợp tác của gia đình trong việc chữa trị cho bệnh nhân. Nhiều gia đình không dẫn con đi điều trị kịp thời mà chỉ chăm chắm vào việc cúng bái, trừ tà. Hoặc, trong quá trình điều trị thấy bệnh tình đã thuyên giảm rõ rệt nên tự ý ngưng thuốc hoặc giảm liều, mà không biết rằng điều này sẽ làm cho bệnh trở nặng hơn”.
Phân tích thêm về tình trạng bệnh nhân tâm thần tái phát trong năm 2013 và những trường hợp bệnh nhân tâm thần giết người trong 6 tháng đầu năm, bác sĩ Định nói: “4 năm gần đây kinh phí chương trình hạn chế, mặc dù Bệnh viện đã cắt giảm một số hoạt động để tập trung kinh phí mua thuốc cấp cho bệnh nhân nhưng vẫn không đủ. Một số loại thuốc bổ lâu nay vẫn cho uống kèm với thuốc đặc trị cũng đã bị cắt từ 5 năm trước. Năm 2012, kinh phí trung ương giao về cho địa phương không tăng trong khi giá thuốc lại tăng, vì vậy một số loại thuốc an thần kinh mới dành điều trị cho những bệnh nhân tâm thần phân liệt kháng thuốc với loại thuốc an thần kinh cổ điển cũng đã bị cắt dần, và đến đầu năm 2013 thì cắt hẳn. Nhưng khi chúng tôi quay về dùng thuốc an thần kinh cổ điển thì bệnh nhân không hợp tác, không chịu uống thuốc. Do vậy, tỉ lệ bệnh nhân tâm thần phân liệt tại cộng đồng tái phát hiện nay đang tăng cao hơn những năm trước…”
Được biết, tổng kinh phí cho công tác chăm sóc bệnh nhân ngoài cộng đồng Bệnh viện Tâm thần tỉnh được hỗ trợ là trên 2 tỉ đồng/năm. Trừ mọi chi phí cho công tác tập huấn, tuyên truyền, hỗ trợ cho đội ngũ cán bộ y tế tuyến dưới, thì tiền thuốc điều trị bình quân cấp cho mỗi một bệnh nhân chỉ chưa tới 1.000 đồng/ngày. Thấp dưới mức tưởng tượng! Trong khi đó, phần lớn các gia đình có người thân bị bệnh tâm thần ở nông thôn đều nghèo, không có đủ điều kiện để mua thêm thuốc ngoài cho bệnh nhân uống thêm. Trong số hơn chục gia đình có bệnh nhân tâm thần mà chúng tôi khảo sát thực tế vào ngày 4.7 vừa qua, chỉ duy nhất gia đình bà Nguyễn Thị Quyện có mua thuốc thêm cho bệnh nhân Huỳnh Quang Lộc từ nhiều năm nay với số tiền khoảng 1 triệu đồng/tháng ”.
“Nếu được cấp thêm 1 tỉ đồng/năm nữa thì chúng tôi có thể làm được nhiều việc hơn cho bệnh nhân, như mua thêm thuốc bổ hoặc dùng thuốc thế hệ mới”, bác sĩ Định xuýt xoa.
Xem ra, 1 tỉ đồng/năm không quá nhiều và xa xỉ khi chăm lo sức khỏe cho 5.000 bệnh nhân tâm thần tại cộng đồng trong tỉnh.
THU HÀ