Thí sinh vẫn chịu nhiều sức ép từ gia đình khi chọn nghề
“Vấn đề được thí sinh quan tâm nhiều nhất là nên học ngành nào, ngành nào phù hợp với mức điểm. Nhưng rất nhiều em chịu sự chi phối của gia đình. Nhiều khi chúng tôi phải mời phụ huynh im lặng để chúng tôi lắng nghe ý kiến của thí sinh,” thầy Phạm Quang, giảng viên Viện nghiên cứu Vật liệu, Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ.
Vị phụ huynh này đưa con xuống Đại học Kinh tế Quốc dân để đăng ký. Khối ngành kinh tế là ý của gia đình. Trước đó, thí sinh đã đăng ký ở Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương do em thích ngành y. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)
Phụ huynh nên tôn trọng lựa chọn của con Là người tích cực túc trực tại khu vực tư vấn tuyển sinh của trường Đại học Bách khoa Hà Nội trong suốt 12 ngày đăng ký xét tuyển nguyện vọng một của thí sinh, tiếp xúc với rất nhiều em, thầy Phạm Quang nhận định công tác hướng nghiệp vẫn là một vấn đề còn nhiều hạn chế. Các em đa phần chỉ biết đến những ngành nghề mà ngay tên gọi đã thể hiện rõ về nghề nghiệp như Kế toán, Cơ khí, Công nghệ sinh học… nhưng nhiều ngành học có tên mang tính chuyên sâu hơn như Kỹ thuật vật liệu … thì đa số thí sinh hiểu rất mơ hồ. Bên cạnh đó, các em cũng thường chỉ biết đến một ngành nhưng không biết có nhiều ngành khác cũng liên quan. Vì thế, khi đăng ký xét tuyển, thí sinh thường chỉ chú trọng nguyện vọng một còn các nguyện vọng khác lại ít có sự suy tính kỹ càng. Chẳng hạn, nếu thích học về lĩnh vực ôtô, các em có thể học chế tạo máy, học ngành cơ khí, ngành kỹ thuật vật liệu, tự động hóa, điện – điện tử… “Các ngành học này có mức điểm chuẩn khác nhau nên các em có thể đăng ký các nguyện vọng theo mức điểm phù hợp với mình mà vẫn liên quan đến sở thích, lại có cơ hội đỗ cao hơn,” thầy Quang chia sẻ. Đặc biệt, theo thầy Quang, có rất nhiều trường hợp thí sinh và phụ huynh cùng đến bàn tư vấn nhưng người chủ động đưa ra đề nghị lại là phụ huynh. “Có phụ huynh nói: Tôi định cho cháu học ngành này, nhờ thầy tư vấn giúp. Tôi phải nói ngay là người cần tư vấn là thí sinh vì chính các em mới là người ngồi ở giảng đường đại học 4, 5 năm, các em mới là người gắn bó với nghề mà em chọn chứ không phải phụ huynh." "Đáng buồn là những trường hợp này khá nhiều,” thầy Quang cho biết. Một phụ huynh ở Quảng Ninh đưa con xuống trường làm thủ tục nhưng lại ép con theo ngành Công nghệ y sinh trong khi con trai lại thích ngành Công nghệ sinh học. Cán bộ tư vấn em nên chọn ngành Công nghệ sinh học và em đã nộp hồ sơ vào ngành này, nhưng phụ huynh lại tỏ ra không hài lòng. Tại Đại học Kinh tế Quốc dân, em Lưu Hải Yến, quê Tuyên Quang, cùng mẹ xuống Hà Nội để đăng ký khối ngành kinh tế dù em thích ngành y. "Em đã đăng ký vào Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương, nhưng bố mẹ em thích ngành kinh tế," Yến chia sẻ khi phóng viên thắc mắc về việc em đăng ký hai ngành học quá khác nhau. Theo thầy Phạm Quang, việc thí sinh phải dành nguyện vọng cho ý thích của phụ huynh là đã tước đi một cơ hội đỗ của chính mình. “Tôi muốn nhắn nhủ các phụ huynh nên tôn trọng sự lựa chọn của con mình,” thầy Quang nói.
Công tác tư vấn đã nhiều chuyển biến Đợt một kỳ xét tuyển đại học năm 2016 đã chính thức khép lại. Một điểm rất khác so với năm 2015 là công tác tư vấn đã được các trường đặc biệt chú trọng để hỗ trợ tối đa cho thí sinh và phụ huynh. Nhiều trường đã bố trí hẳn đội ngũ riêng để giải đáp tất cả các thắc mắc của sĩ tử về ngành nghề, trường phù hợp với sở thích và mức điểm… Tại Đại học Bách khoa Hà Nội, ngay từ những ngày đầu tiên, trường đã chia thành hai khu vực để đón tiếp thí sinh. Ở tầng một, trường đặt 4 bàn tư vấn, mỗi bàn do một giảng viên túc trực để đón tiếp và tư vấn cho thí sinh, phụ huynh có nhu cầu. Sau khi tham khảo ý kiến giảng viên, thí sinh và phụ huynh sẽ lên nộp hồ sơ xét tuyển tại tầng hai, khu vực Phòng Đào tạo. Tỏ ra khá hài lòng với sự nhiệt tình của các thầy cô, anh Chu Văn Thịnh (xã Đông Hà, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình cho biết hai bố con anh thức dậy từ 4 giờ để kịp bắt chuyến xe lúc 5 giờ đi từ Thái Bình lên Hà Nội. Anh đến Đại học Bách khoa Hà Nội từ 8 giờ sáng. “Tôi không muốn con đăng ký trực tuyến vì vẫn còn băn khoăn về ngành nghề, nên chọn ngành nào. Đến đây, thầy cô tư vấn rất tận tình nên tôi cũng thấy yên tâm hơn phần nào,” anh Thịnh chia sẻ. Đây cũng là tâm sự của chị Lê Thị Mai (ở thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh). Chị Mai cho biết con chị được 23,5 điểm, mức điểm không thấp so với các trường bình thường nhưng lại không phải là cao so với điểm đầu vào của Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2015. Vì thế, cả gia đình chị phải suy tính rất nhiều trong những ngày qua. “Con tôi thích ngành ôtô. Đến đây, gặp được thầy giảng viên của trường trực tiếp tư vấn, tôi cũng bớt lo. Hóa ra liên quan đến ôtô có nhiều ngành để học như cơ khí, vật liệu, chế tạo máy… Con vẫn có thể lựa chọn ngành học vừa phù hợp với sở thích, vừa phù hợp với điểm thi. Nếu không nghe tư vấn, chắc tôi không hình dung được điều này,” chị Mai vui vẻ nói. Theo thầy Phạm Quang, giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội, mùa xét tuyển năm 2015, trường có bố trí cán bộ tư vấn nhưng số lượng ít, chỉ 1, 2 người và thực hiện không thường xuyên trong tất cả các ngày nhận hồ sơ như năm nay. Đại học Thương mại cũng có 10 bàn tư vấn với đội ngũ thầy cô túc trực. Tại Đại học Thủy lợi, đội ngũ tư vấn còn được bố trí hùng hậu hơn với khoảng 26 cán bộ giảng viên thuộc 23 ngành học khác nhau của trường. Theo Phó trưởng Phòng Đào tạo Trần Khắc Thạc, thí sinh khi đến Đại học Thủy lợi có thể tìm hiểu được thông tin chi tiết về tất cả các ngành đào tạo của trường, nhận được sự tư vấn nhiệt tình và tỷ mỷ từ các thầy cô. “Chúng tôi không chỉ tư vấn cho thí sinh chọn ngành vào trường mà còn tư vấn cho các em đăng ký vào các trường khác, nếu thấy điều đó phù hợp với sở thích và điểm số của các em. Mục tiêu cuối cùng không phải thí sinh đỗ vào Đại học Thủy lợi mà là các em được vào học ngành nghề, môi trường học tập phù hợp,” ông Thạc nói. Ngay sau khi kết thúc nhận hồ sơ vào ngày hôm qua, hôm nay, 13/8, các trường sẽ công bố điểm chuẩn trúng tuyển nguyện vọng một.
tHEO PHẠM MAI (VIETNAM+)