Lấy tình người để hướng thiện
Công việc quản lý, cải tạo hàng ngàn phạm nhân với đủ mọi hành vi phạm tội khiến người quản giáo đối mặt với nhiều áp lực, hiểm nguy. Nhưng với cái tâm, cái tình, những cán bộ, quản giáo Trại giam Kim Sơn (thuộc Bộ Công an; đóng ở địa bàn xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân) đã và đang cảm hóa thành công những người từng có ý định buông xuôi; giúp họ làm lại cuộc đời.
Tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao sẽ giúp các phạm nhân bớt mặc cảm tội lỗi và an tâm cải tạo, sớm hòa nhập cộng đồng.
Thấu hiểu để cảm hóa
Phạm nhân Nguyễn Văn T. (SN 1981, ở tỉnh Tiền Giang; án chung thân về tội giết người, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, trộm cắp tài sản và trốn khỏi nơi giam giữ) từng là một phạm nhân cá biệt, đến mức phải điều chuyển từ Trại giam Xuân Phước (tỉnh Phú Yên) về Trại giam Kim Sơn vào năm 2009. Nghĩ đời mình vậy là hết, nên khi đến Trại giam Kim Sơn, T. vẫn liên tục chống đối các quy định của trại và bị kỷ luật đến 6 lần, bị giam phòng giam riêng.
Thế nhưng, nhờ cán bộ quản giáo động viên kịp thời, quan tâm chân tình, từ sở thích cá nhân của T., đến việc tác động với gia đình để họ viết thư cho T. - điều mà đã nhiều năm nay, T. chưa hề được nhận - T. cảm động và suy nghĩ lại. Đến nay, sau 7 năm cải tạo tại trại (T. đã chấp hành được 13 năm), T. liên tục xếp loại cải tạo khá. Đặc biệt, đợt 30.4.2016 vừa qua, T. đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù từ chung thân xuống tù có thời hạn 30 năm.
T. chia sẻ: “Cuộc sống chưa bao giờ là kết thúc nếu ta biết cố gắng. Chính câu nói này của Giám thị khi mang thư của mẹ tôi tới đã làm tôi suy nghĩ nhiều. Cuộc sống chính là quá trình của sự cố gắng. Và kết quả hôm nay là động lực để tôi tiếp tục cải tạo, không phụ lòng cha mẹ và những cán bộ quản giáo nơi đây”.
31 tuổi nhưng thời gian sống trong tù nhiều hơn sống bên ngoài - đó cũng là lý do khi bị tuyên mức án 10 năm tù giam về tội trộm cắp tài sản và chống người thi hành công vụ, phạm nhân Trương Triệu B. (ở tỉnh Quảng Trị, được chuyển đến Trại giam Kim Sơn từ cuối năm 2015) tỏ ra bất cần. Thế nên, B. không chỉ luôn vi phạm các quy định của trại mà còn xúi giục các phạm nhân khác vi phạm, cũng như luôn đòi hỏi các chế độ, chính sách trái với quy định của pháp luật.
Cán bộ quản giáo đã gặp gỡ, lắng nghe, đối thoại với B. Dù vậy, B. luôn tỏ ra bất hợp tác. Thiếu tá Nguyễn Văn Phòng, Phó Giám thị Trại giam Kim Sơn, nhớ lại: “Qua tìm hiểu, chúng tôi biết sở dĩ B. có thái độ như vậy phần là nghĩ gia đình đã chối bỏ, không còn quan tâm tới mình. Hiểu vậy nên một mặt, chúng tôi trực tiếp liên hệ với gia đình B. để trao đổi, mặt khác tạo điều kiện cho B. nói chuyện với gia đình (phòng giam riêng không cho phép nghe điện thoại) khi hay tin mẹ B. qua đời. Sau đó, chúng tôi động viên vợ B. viết thư thăm hỏi chồng. Từ khi được điện thoại về gia đình, rồi nghe tin mẹ mất và nguyện vọng của mẹ, lại nhận được thư của vợ gửi động viên, B. an tâm cải tạo và có sự biến chuyển rõ rệt. Sau đó, B. xin nói chuyện với tôi, hứa sẽ quyết tâm cải tạo để sớm về. Hiện B. đã có biểu hiện chuyển biến nhận thức rõ rệt và xin viết bản cam kết cải tạo tiến bộ, không tái phạm”.
Cải tạo để trở về
Sự quan tâm, chia sẻ, động viên kịp thời của cán bộ quản giáo, cùng sự yêu thương, tin tưởng của gia đình chính là động lực để các phạm nhân có ý chí, nghị lực cải tạo. Đây cũng chính là phương châm giáo dục phạm nhân được Trại giam Kim Sơn thực hiện thời gian qua.
“Giờ tôi đã coi Trại giam Kim Sơn như là gia đình thứ hai; mà đã là gia đình thì tôi sẽ cố gắng để làm tốt mọi thứ”
Phạm nhân NGUYỄN MINH Đ. (SN 1984, quê Đắk Nông)
Phạm nhân B. chia sẻ: “Tôi vẫn nghĩ, vì mình thường xuyên vi phạm nội quy, lại từ trại khác chuyển đến, nên cán bộ và phạm nhân ở đây sẽ phân biệt, đối xử không tốt với mình. Nhưng thật sự tôi đã lầm. Giờ thì tôi biết, mình phải cải tạo thật tốt để sớm về với vợ con. Con tôi cần một người cha để quan tâm, che chở”.
Còn phạm nhân Nguyễn Minh Đ. (SN 1984, quê Đắk Nông; phạm tội mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy, trốn khỏi nơi giam giữ, đánh bạc; chịu mức án 11 năm 9 tháng tù) chuyển đến Trại giam Kim Sơn vào năm 2011, thì thổ lộ: “Nhờ sự quan tâm, động viên kịp thời của các quản giáo mà tôi được khen thưởng và được giảm thời gian thụ án. Giờ tôi đã coi Trại giam Kim Sơn như là gia đình thứ hai; mà đã là gia đình thì tôi sẽ cố gắng để làm tốt mọi thứ. Tôi cũng đã viết đơn xin ở lại trại sau khi chấp hành xong án phạt tù”.
Đặc thù công việc của người cán bộ quản giáo là hàng ngày, hàng giờ tác động đến phạm nhân; giáo dục, cải tạo phạm nhân nhằm làm thay đổi, chuyển biến nhận thức của phạm nhân. Đại tá Nguyễn Ngọc Kỳ, Giám thị Trại giam Kim Sơn, nói: “Chúng tôi luôn lấy tình người làm kim chỉ nam trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ cảm hóa, cải tạo phạm nhân. Ngoài thực hiện đúng, đầy đủ chế độ đối với phạm nhân theo quy định, người cán bộ công tác trong trại giam phải có bản lĩnh. Nhiều phạm nhân bị kết án nhưng vẫn tiếp tục quậy phá, gây hấn, thậm chí là tiếp tục gây án ngay cả khi ở trong trại giam. Bởi vậy, bên cạnh rèn luyện nhuần nhuyễn các biện pháp nghiệp vụ, người làm công tác cải tạo, cảm hóa phạm nhân phải biết mềm mỏng nhưng kiên quyết, để phạm nhân tự giác chấp hành nội quy, quy định và yên tâm cải tạo”.
KIỀU ANH