Động lực cho khởi nghiệp & kinh doanh
Một trong những vấn đề đang được truyền thông, dư luận xã hội và nhất là cộng đồng doanh nghiệp quan tâm là việc Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kiểm tra vụ Công an quận 10 (TP Hồ Chí Minh) có hành vi không đúng pháp luật đối với một người hành nghề kinh doanh, sửa chữa “điện thoại cùi bắp” tại nhà. Đây là lần thứ hai, sau vụ trước đó là vụ “cà phê xin chào” ở huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh), Thủ tướng trực tiếp chỉ thị làm rõ việc “hành” doanh nghiệp của các cơ quan công quyền liên quan.
Mặc dù sau khi truyền thông lên tiếng, cơ quan liên quan đã giải tỏa các cáo buộc trước đó nhưng Thủ tướng vẫn yêu cầu kiểm tra và báo cáo vụ “điện thoại cùi bắp” cho thấy sự nghiêm trọng của vấn đề. Rõ ràng các hành vi ngăn trở, làm khó doanh nghiệp như hai vụ việc nêu trên là khó có thể chấp nhận bởi nó không chỉ đi ngược chủ trương của Chính phủ, làm xấu môi trường kinh doanh mà còn triệt tiêu động lực khởi nghiệp, kinh doanh của người dân.
Trong phát biểu nhậm chức trước Quốc hội, người đứng đầu của Chính phủ khóa mới đã một lần nữa khẳng định quyết tâm hành động xây dựng một chính phủ kiến tạo, hành động và liêm chính. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là gỡ bỏ các rào cản, hoàn thiện thể chế để giải phóng các nguồn lực phát triển đất nước nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2020 cả nước có 1 triệu doanh nghiệp.
Hiện nay, Chính phủ đang rất nỗ lực để thực hiện việc sửa đổi, bổ sung một số điều các luật về đầu tư, kinh doanh hiện hành như: Đầu tư, Doanh nghiệp, Đất đai, Xây dựng, Bảo vệ môi trường… Đây là việc làm khá cấp thiết vì bên cạnh những kết quả tích cực, thực tế cũng cho thấy các luật khác hiện hành có liên quan điều chỉnh hoạt động đầu tư kinh doanh đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Trong đó, các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng là trở ngại lớn nhất cho doanh nghiệp, là “nút thắt” cần phải tháo gỡ nhằm tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Trong định hướng điều chỉnh sửa đổi, bổ sung các nội dung luật nói trên có một số điểm mới đáng chú ý: cắt giảm bớt số ngành nghề kinh doanh có điều kiện; hoàn thiện chính sách bảo hộ và khuyến khích đầu tư; khắc phục những vướng mắc trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp; bảo đảm sự bình đẳng về đối tượng hưởng ưu đãi đầu tư; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất nhằm bảo đảm tính liên thông, đồng bộ giữa thủ tục đầu tư với thủ tục về đất đai, quy hoạch, xây dựng, môi trường và các thủ tục có liên quan khác; tạo sự chủ động cho các địa phương trong hoạt động quản lý nhà nước về đầu tư…
Rõ ràng, định hướng sửa đổi, bổ sung luật theo nội dung trên thể hiện rõ quyết tâm của Chính phủ là kiên quyết loại bỏ các rào cản trong quy định của pháp luật, tạo động lực cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp. Quyết tâm của Chính phủ là sẽ tiếp tục đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi chính đáng, bảo đảm quyền kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Tất cả các doanh nghiệp không phân biệt quy mô, loại hình, thành phần kinh tế đều bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực vốn, tài nguyên, đất đai, thị trường và cơ hội sản xuất, kinh doanh nhằm bảo đảm môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sẽ là động lực mới mạnh mẽ hơn để phát triển đất nước.
HẢI ÐĂNG