Để máy lạnh luôn chạy khỏe
Công năng của máy điều hòa nhiệt độ (thường gọi là máy lạnh) là điều hòa không khí, giảm nhiệt mùa nắng nóng. Tuy nhiên, chỉ vì sự thiếu kiến thức hoặc chủ quan của người sử dụng, máy lạnh có thể bị nóng và thành “bà hỏa”.
Cảnh sát PCCC tỉnh dập lửa vụ cháy phòng 302, Nhà nghỉ Thịnh Thành (đường Đống Đa, TP Quy Nhơn) xảy ra ngày 10.8.
Cháy nhà do máy lạnh
Nhãn tiền là 2 vụ hỏa hoạn liên tiếp tại nhà nghỉ, khách sạn chỉ trong vòng một tuần qua tại TP Quy Nhơn, làm nhiều người hoảng sợ.
Vụ cháy mới nhất xảy ra lúc 8 giờ ngày 10.8, tại phòng số 302 Nhà nghỉ Thịnh Thành (số 233 đường Đống Đa, TP Quy Nhơn) làm hư hỏng các thiết bị trong phòng. Bà Dương Thị Thanh Thúy - chủ nhà trọ - cho biết, lúc 8 giờ bà nghe trên tầng 3 có tiếng nổ lớn, khói bốc ra mù mịt nên vội gọi cảnh sát PCCC; đến khoảng 8 giờ 30 phút, đám cháy được dập xong nhưng vật dụng trong phòng đều hư hỏng. Nhà nghỉ này mới đi vào hoạt động từ năm 2015; tuy nhiên, trong quá trình mua sắm trang thiết bị nội thất, để tiết kiệm chi phí, chủ nhà nghỉ đã mua máy lạnh cũ lẫn mới về lắp đặt trong các phòng.
Đại tá Phạm Đình Trung, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC tỉnh, cho biết, dây điện máy lạnh bị lão hóa, dẫn đến chập điện, cháy nổ, cháy lan xuống nệm, giường, rồi lan ra cả phòng.
Đại tá Trung cũng thông tin thêm, cơ quan chức năng vừa kết luận về nguyên nhân vụ cháy tại Khách sạn Bình Dương (số 493, đường An Dương Vương, TP Quy Nhơn) vào trưa 4.8 cũng là do máy lạnh mà ra. Máy hoạt động quá công suất dẫn đến nóng, cháy máy, sau đó rơi xuống phòng và lửa cháy lan ra cả phòng.
Thời tiết nắng nóng cộng với xu hướng sử dụng vật liệu kính trong xây dựng như hiện nay khiến nhiều gia đình, công sở thường xuyên sử dụng máy lạnh để làm mát nhiệt độ phòng. Tuy nhiên, không phải ai cũng có ý thức bảo dưỡng máy lạnh định kỳ, để máy luôn trong trạng thái hoạt động tốt. Thậm chí, có người còn “quên” bảo dưỡng cho đến khi máy bị trục trặc, sự cố. Cách đây 2 tháng, tại một cơ quan nọ, xảy ra vụ cháy mà nguyên nhân cũng xuất phát từ máy lạnh do máy lạnh bị bụi bẩn bám đầy. “Nguyên tắc hoạt động của máy lạnh là khí hút vào phải cân bằng với lượng khí thoát ra. Trường hợp này, do bụi bẩn bám đầy lưới lọc không khí nên khí thoát ra không được, gây nóng máy và cuối cùng là cháy máy” - đại tá Trung phân tích.
Duy trì máy hoạt động tốt
Cũng theo đại tá Trung, qua công tác kiểm tra, điều tra hiện trường cháy nổ của cảnh sát PCCC tỉnh thời gian qua cho thấy, một số nơi sử dụng máy lạnh nhưng các thiết bị lại không đồng bộ, như cục nóng bên ngoài công suất một ngựa rưỡi (1,5HP) nhưng máy bên trong chỉ có một ngựa (1HP); chênh lệch công suất hoạt động dẫn đến cháy máy. Ngoài ra, có trường hợp không lắp aptomat (khí cụ điện dùng để tự động cắt mạch điện) cho máy lạnh hoặc tuy có lắp nhưng lại không đồng bộ với công suất của máy, dẫn đến việc aptomat không tự ngắt được điện khi xảy ra chạm, chập.
Anh Nguyễn Văn Phi, nhân viên kỹ thuật điện lạnh Công ty TNHH TM&DV Phước Thành (đường Nguyễn Trãi, TP Quy Nhơn) cho hay, máy lạnh thường hay bị hư bộ phận tụ hoặc quạt do bụi bẩn, nên cần vệ sinh, bảo dưỡng định kỳ. Đối với các công sở thường xuyên sử dụng máy lạnh thì nên làm 3 - 4 tháng/lần và 6 tháng/lần đối với nhà riêng. Trong trường hợp máy lạnh chạy nhưng không lạnh, gia chủ nên kêu thợ chuyên nghiệp đến sửa; không nên cho máy tiếp tục hoạt động đề phòng máy hỏng nặng hơn, thậm chí gây ra chạm, chập, cháy nổ.
Anh Phi cũng lưu ý thêm, một số gia đình khi lắp máy lạnh thường dựa vào diện tích của phòng mà bỏ qua yếu tố vị trí hướng sáng của phòng. Tuy cùng diện tích nhưng nếu phòng ở hướng nắng nóng nhiều hơn thì máy phải hoạt động hết công suất mới duy trì đủ độ lạnh nên máy sẽ mau “xuống” hơn. Trong trường hợp máy hư, gia chủ nóng ruột vì muốn có máy dùng nên chấp nhận cho thợ thay các thiết bị, linh kiện không đồng bộ, hoặc tự ý câu tắt rơ-le; song việc này dễ gây ra nguy cơ chạm, chập điện vì công suất hoạt động của các thiết bị không đồng bộ.
Đại tá Trung khuyến cáo thêm, không nên lắp máy lạnh mà không lắp thêm aptomat, vì máy lạnh là thiết bị tiêu thụ điện năng lớn, dễ gây ra tình trạng quá tải dẫn đến chạm, chập điện hệ thống điện cả nhà.
THU HÀ
Hướng dẫn bảo quản máy lạnh
- Sử dụng cầu chì hoặc aptomat đúng quy cách.
- Bảo vệ tốt phiến tỏa nhiệt của bộ ngừng tỏa lạnh và bộ tỏa nhiệt.
- Thường xuyên rửa sạch lưới lọc không khí 2 - 3 tuần/lần: Tháo mặt máy, rút lưới lọc ra, dùng vòi xịt nước phun rửa sạch bụi bám vào mặt lưới lọc; vẩy khô rồi gắn vào lại. Khoảng 6 tháng dùng chổi lông mềm quét bộ phận bên ngoài 1 lần cho hết bụi bẩn. Mỗi năm tra dầu mỡ ổ trục quạt gió 1 lần.
- Trong mùa hè, sau khi máy hoạt động, nhiệt độ sẽ phải hạ xuống nhanh (dưới 300C), nếu máy chạy mà nhiệt độ không hạ xuống mức đó dễ phát sinh sự cố. Trường hợp này phải tìm ra nguyên nhân và phải sửa chữa rồi mới sử dụng tiếp. Chú ý những âm thanh lạ phát ra từ máy điều hòa; nếu có, lập tức ngừng máy, tìm nguyên nhân, tránh để máy hỏng nặng thêm.
- Sau khi tắt máy (hoặc mất điện), đợi 2 phút sau mới được mở máy, hạn chế dòng điện tăng lên rất lớn, gây cháy cầu chì hoặc nhảy aptomat, gây hại máy hoặc hỏng máy.
- Các phích cắm, ổ cắm điện phải tốt, không lỏng lẻo.
(Theo suamaylanh.net)