“Ðêm võ đài xứ Nẫu”: Ấn tượng khó quên từ võ đường Hồng Kha
Qua hơn 4 tháng tổ chức chương trình “Ðêm võ đài xứ Nẫu”, võ đường Hồng Kha (huyện Vân Canh) đã giới thiệu nhiều gương mặt võ sĩ xuất sắc cùng những nét đặc trưng rất riêng. Bên cạnh thành tích ấn tượng mà các võ sĩ người Bana, Chăm H’roi đạt được, vẫn còn nhiều điều thú vị về họ ít người biết.
Võ sĩ Chăm So Hoàng (bên trái) được tuyên thắng trận trong lần so găng với võ sĩ Lê Xuân Dũng (võ đường Lê Xuân Nam) đêm 6.8 vừa qua.
Ðội quân thiện chiến
Ở chương trình “Đêm võ đài xứ Nẫu” diễn ra tối 6.8, võ đường Hồng Kha có 2 võ sĩ góp mặt. Ngay ở trận đầu tiên, La Ma Nin Bảo Phúc đã giành chiến thắng trước Hồ Sơn (đến từ võ đường Hồ Sừng, huyện Tây Sơn). Nhưng người để lại ấn tượng nhiều nhất chính là Chăm So Hoàng, khi anh đánh bại Lê Xuân Dũng (võ đường Lê Xuân Nam, huyện Tây Sơn). Với những đòn tay hết sức lợi hại, Chăm So Hoàng liên tục tung ra những cú đấm chính xác, nhanh, mạnh, khiến đối thủ phải lúng túng. Đây là trận thắng thứ 4 của Hoàng trong số 5 lần thượng đài tại “Đêm võ đài xứ Nẫu”.
Tính đến nay, các võ sĩ đến từ võ đường Hồng Kha đã có ngót 20 trận đấu tại “Đêm võ đài xứ Nẫu” và là một trong những võ đường có tần suất xuất hiện dày nhất ở chương trình này. Trong đó, phần thắng nghiêng về phía học trò võ sư Hồng Kha lên đến 80%. Những cái tên trước đây còn lạ lẫm như: La Ma Nin Bảo Phúc, Lê Ba Na Ngọ, Chăm So Hoàng, Đoàn Đăng Nguyên… nay đã dần quen thuộc với khán giả mộ võ.
Bên cạnh đó, người xem cũng thích thú với cách võ sư Hồng Kha truyền đạt cho các học trò ở giữa các hiệp đấu. Khoác bên ngoài chiếc áo thổ cẩm, tóc cột đuôi gà, võ sư Hồng Kha hăng hái chỉ đạo, nhắc nhở học trò; lúc hưng phấn ông sử dụng cả tiếng Kinh lẫn tiếng Chăm H’roi, Bana để học trò hiểu chính xác điều ông muốn.
Võ sư Hồng Kha chăm sóc và chỉ đạo học trò giữa hiệp đấu.
Gian nan con đường “tầm sư học… võ”
Việc các học trò người dân tộc Chăm H’roi, Bana của võ sư Hồng Kha thi đấu ấn tượng tại “Đêm võ đài xứ Nẫu” khiến không ít người bất ngờ và thán phục. Bởi để đào tạo nên những võ sĩ người Kinh thi đấu xuất sắc đã khó, huấn luyện cho thanh thiếu niên là người đồng bào dân tộc thiểu số còn khó hơn gấp bội do có sự khác biệt về ngôn ngữ.
Lớp võ cổ truyền mà võ sư Hồng Kha mở tại huyện Vân Canh mới chỉ hoạt động được chừng 2 năm nhưng những võ sĩ mà ông giới thiệu đã thuần thục nhiều động tác khó. Võ sư Hồng Kha chia sẻ: “Ban đầu, mất rất nhiều thời gian để các em hiểu được điều tôi muốn nói. Vì vậy, tôi phải học một số câu thông dụng và cả những thuật ngữ dùng trong võ thuật bằng chính ngôn ngữ của các em để công việc thuận lợi hơn. Điểm đặc biệt thuận lợi là thanh thiếu niên Chăm, Bana rất mê võ, nên các em chịu khó tập luyện và ngày càng tiếp thu nhanh ý đồ do tôi đưa ra”.
Mê võ, nhiều thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số phải trèo đèo, lội suối ngót chục cây số để đến lớp võ của võ sư Hồng Kha. Cùng với đó, khá nhiều em hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng vẫn không bỏ lớp. Đơn cử như Chăm So Hoàng và La Ma Nin Bảo Phúc, cả hai chỉ đủ tiền đóng học phí ở tháng đầu tiên, sau đó được võ sư Hồng Kha miễn phí hoàn toàn. Hoàng và Phúc kiếm sống bằng việc phát rẫy thuê cùng nhiều công việc không tên khác.
Thấy học trò vất vả, thường xuyên vào rừng kiếm sống, có khi vài ngày chưa về, võ sư Hồng Kha sắp xếp cho hai em theo mình làm vệ sĩ. Công việc tuy không thực sự ổn định nhưng dù sao hai em cũng có được những bữa ăn đều đặn hơn so với khi ở quê, nhiều hôm phải nhịn đói đi tập.
Với tố chất sẵn có, thể lực sung mãn, dẻo dai, lại thường xuyên được cọ xát ở các đợt võ đài do chính võ sư Hồng Kha tổ chức, nhiều võ sĩ là người đồng bào các dân tộc thiểu số do võ sư Hồng Kha đào tạo đã tiến bộ nhanh. Mỗi lần xuất hiện, họ đều được đông đảo khán giả cổ vũ, bởi ngoài lối đánh đẹp mắt, tích cực tấn công, các võ sĩ còn tỏ ra rất tôn trọng đối thủ.
Với những nỗ lực của mình, võ sư Hồng Kha đang nhận được sự nể trọng từ đồng nghiệp. Và các học trò của ông cũng để lại nhiều dấu ấn đậm nét, mang đặc trưng riêng ở “Đêm võ đài xứ Nẫu”…
LÊ CƯỜNG