Nhà nhân ái cho bệnh nhân chạy thận: Mái ấm cho bệnh nhân nghèo
Ngày 10.8 vừa qua, ngôi nhà chung của bệnh nhân chạy thận tại BVÐK tỉnh chính thức đi vào hoạt động, mang niềm vui lớn đến với bệnh nhân và người nhà.
Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng (người đeo kính) động viên bệnh nhân chạy thận và người nhà sau Lễ khánh thành nhà lưu trú cho bệnh nhân chạy thận. Ảnh: NGUYỄN MUỘI
Vì lịch chạy thận của mỗi bệnh nhân phổ biến là 3 lần/tuần, nhà xa, sức khỏe không cho phép, nhiều năm nay, bệnh nhân chạy thận nhân tạo thường ăn, ở ngay tại BVĐK tỉnh. Lúc đầu, họ nằm nghỉ rải rác dọc các hành lang, gốc cây gần khoa Nội thận - Lọc máu (BVĐK tỉnh). Đến tháng 6.2012, bệnh viện tổ chức một khu nhà tạm cho bệnh nhân và người nhà. Số lượng bệnh nhân chạy thận và người nhà lưu trú lại bệnh viện ngày một đông, lan sang cả hành lang của Nhà vĩnh biệt. Cuộc sống vật vạ, chắp vá cho qua ngày ấy giảm hẳn khi nhà lưu trú của bệnh nhân chạy thận được hoàn thiện và đưa vào sử dụng.
Mừng lắm cô ơi!
Dọn vào ở đã được 4 ngày, song nhiều người nhà và bệnh nhân chạy thận vẫn cứ thấy lâng lâng như đang ở trong mơ. Niềm vui dâng đầy trong đôi mắt ướt của nhiều bà mẹ, người vợ có con, chồng đang phải sống bám vào máy chạy thận nhân tạo, khi được hỏi về không gian sinh hoạt mới tiện nghi, thoáng mát, vững chãi.
Bà Võ Thị Phước (58 tuổi, ở thôn Trung Thành, xã Mỹ Quang, huyện Phù Mỹ)- một người mẹ đang chăm con trai 29 tuổi đã phải chạy thận 4 năm nay - bảo: “Mừng lắm cô ơi! Không biết nói sao hết cái mừng vui trong bụng. Bởi đã sống nhiều năm trong cảnh tạm bợ, chật chội, mùa mưa ẩm thấp, dột nát, giường chiếu thì ọp ẹp, có gì dùng nấy... Nên hôm nay, được sống trong tiện nghi, sạch sẽ ngay tại nơi điều trị, chúng tôi không biết phải nói sao cho hết lòng biết ơn”.
Một góc sinh hoạt khang trang của bệnh nhân chạy thận và người nhà tại nhà chung.
Đang loay hoay kho nấu trước nhà lưu trú mới, ông Ngô Xuân Thành (69 tuổi, ở thôn Trường Xuân Đông, xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn), cũng góp lời khi nghe những người đồng cảnh chia sẻ. Ông kể: “Tròn một năm rồi, tôi bỏ biển, bỏ ghe để vào Quy Nhơn chăm vợ chạy thận nhân tạo. Bệnh suy thận mạn làm vợ tôi ngày một suy kiệt, bệnh khớp ngày càng trầm trọng, dẫn đến không đi lại được, đôi mắt ngày một yếu. Vốn liếng một đời chắt bóp, cộng với sự trợ giúp của con cái, tôi thuê nhà trọ cạnh bệnh viện cho vợ nghỉ với giá 1 triệu đồng/tháng, chưa tính điện nước. Đợt này, được sự đồng ý của bệnh viện, vợ chồng tôi được trú miễn phí trong nhà lưu trú. Vậy là con đường “chiến đấu” với bệnh tật của chúng tôi vơi đi rất nhiều nỗi khó khăn”.
Một thân một mình chống chọi với bệnh tật đã 10 năm, cô gái Bana 24 tuổi Đinh Thị Khom (quê ở huyện K’Bang, tỉnh Gia Lai) vượt qua khó khăn bằng nội lực và sự giúp đỡ của nhiều người. Với Khom, được ở trong ngôi nhà to, đẹp hơn cả ngôi nhà ở quê này là món quà lớn, động viên cô tiếp tục mạnh mẽ với bệnh tật.
Thời khắc chuyển vào nhà lưu trú, không ít người chạy thận bùi ngùi. Họ tiếc cho những người chạy thận đã “đi xa” trước khi công trình hoàn thành. Bà Đinh Thị Đàng (52 tuổi, ở thôn Phú Kim, xã Cát Trinh, huyện Phù Cát) tâm sự: “Bà Tám (ở xã Nhơn Hạnh, TX An Nhơn) ra đi trước lễ khánh thành 1 ngày. Nhiều người khác từng vui mừng vào ngày công trình mở móng cũng không đợi được đến ngày được đặt chân vào ngôi nhà”.
Ông Nguyễn Tấn Hiểu, Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh, tặng quà, chia sẻ cùng bệnh nhân chạy thận.
Nhà của lòng từ tâm
Nhà lưu trú cho bệnh nhân chạy thận được nhắc đến lần đầu tiên trong chuyến đi thăm bệnh nhân tại BVĐK tỉnh (đêm 30 Tết Nguyên đán Ất Mùi - năm 2015) của Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng. Tận mắt chứng kiến cảnh những bệnh nhân chạy thận đang co ro, mòn mỏi giữa khu nhà tạm bợ, trong thời khắc đoàn viên, ông không kìm được lòng mình.
“Nhà lưu trú bệnh nhân chạy thận là biểu hiện của tinh thần tương thân tương ái, mang tính nhân văn sâu sắc”
Ông NGUYỄN TẤN HIỂU, Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh
“Tôi quyết định tìm nguồn lực để xây dựng nhà lưu trú cho bệnh nhân chạy thận và giao cho Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh làm dự toán thiết kế. Quá trình tìm kiếm nhà tài trợ khá gian nan. Có đơn vị đã đồng ý tài trợ song phút cuối lại gặp trục trặc. Mãi đến tháng 3.2016, khi ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Hoa Sen - một người quê gốc ở Bình Định - chủ động ngỏ lời về hoạt động từ thiện trên địa bàn tỉnh và trực tiếp đến thăm khu nhà tạm của bệnh nhân chạy thận, nhà lưu trú mới chính thức được khởi công” - Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng chia sẻ.
Ngôi nhà hoàn tất sau 3 tháng thi công (từ ngày 12.5 đến ngày 1.8) với tổng kinh phí 1,4 tỉ đồng, từ tài trợ của Tập đoàn Hoa Sen. Đồng hành cùng hoạt động nhân ái của Tập đoàn Hoa Sen còn có rất nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm. Chẳng hạn, Công ty CP Phước Hưng ủng hộ 50 giường, 50 tủ cá nhân (giá trị 75 triệu đồng); Hội Thánh Tin Lành khu 6 - TP Quy Nhơn ủng hộ 50 chiếc chiếu (giá trị 7,5 triệu đồng), Chi hội Huỳnh Mai (phường 10, quận 3, TP Hồ Chí Minh) tặng 50 bộ chăn, màn (trị giá 10 triệu đồng)... Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng tặng 2 tivi (trị giá 26 triệu đồng) để giúp đời sống tinh thần của những người chạy thận thêm phong phú.
Ông Nguyễn Tấn Hiểu, Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh, nói: “Nhà lưu trú bệnh nhân chạy thận là biểu hiện của tinh thần tương thân tương ái, mang tính nhân văn sâu sắc. Chúng tôi gửi lời tri ân sâu sắc trước tấm lòng của các tổ chức, cá nhân dành cho bệnh nhân chạy thận tại BVĐK tỉnh”.
Theo bác sĩ Hồ Việt Mỹ, Giám đốc BVÐK tỉnh, Khoa Nội thận - Lọc máu của bệnh viện thành lập năm 2008 với 10 máy chạy thận nhân tạo. Ðến nay, với 33 máy chạy thận nhân tạo và 5 ca chạy thận/ngày, BVÐK tỉnh là nơi tập trung nhiều bệnh nhân mắc bệnh suy thận mạn trong tỉnh và các tỉnh lân cận: Quảng Ngãi, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum, Ðắk Lắk.
Ðể đảm bảo cho công trình nhà lưu trú bệnh nhân chạy thận phát huy hết công năng, đảm bảo hiệu quả lâu dài, trợ giúp cho nhiều bệnh nhân, BVÐK tỉnh đã giao Phòng Hành chính, Khoa Nội thận - Lọc máu, nhân viên Nhà vĩnh biệt và Tổ tự quản nhà lưu trú bệnh nhân chạy thận cùng theo dõi, quản lý. Sau lễ khánh thành, Bệnh viện sẽ xây dựng Bản nội quy riêng cho nhà lưu trú để bệnh nhân và người nhà cùng giữ gìn tài sản, vệ sinh... Bệnh viện cũng sẽ kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh, để bệnh nhân an tâm điều trị.
NGUYỄN MUỘI