Nỗi lo mang tên “ngáo đá”
Bị hoang tưởng, ảo giác kéo dài, người phê ma túy đá (“ngáo đá”) có hành vi quá khích, tự gây hại cho bản thân và tấn công người khác. Gần đây, trên địa bàn TP Quy Nhơn, hiện tượng “ngáo đá” xuất hiện và trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người.
Một đối tượng “ngáo đá” trên đường Trần Phú, TP Quy Nhơn.
Một buổi trưa đầu tháng 8.2016, chị H. (ở phường Đống Đa, TP Quy Nhơn) gọi tôi xin số điện thoại của Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy- Công an tỉnh nhờ giải quyết vụ “ngáo đá” ở nhà người bạn. Hôm sau gặp tôi, chị H. nói: “Công an phường, Cảnh sát điều tra tội phạm đến cũng không giải quyết được gì. Không ai bắt nó đi được!”.
“Nó” mà chị H. nói đến là N. - con trai của bạn chị- nghiện ma túy đã nhiều năm nay, tiêu tốn của cha mẹ không biết bao nhiêu là tiền bạc và đang là nỗi ám ảnh của gia đình và nhiều người trong xóm. Trước đây, N. cũng ngoan hiền như bao thanh niên khác, nhưng từ khi “chơi” hàng đá, mỗi lần “phê”, N. biến thành “ngáo đá”, hung dữ, vô cớ gây chuyện và sẵn sàng tấn công người khác. Hôm đó, chứng kiến cảnh N. đập phá đồ đạc, hành hung những người trong nhà, chị H. kinh hãi gọi điện và Công an đã kịp thời có mặt ngăn chặn hành vi quá khích chứ không bắt giam N. như yêu cầu của gia đình.
Giải thích lý do, cơ quan Công an cho biết: Hiện tại, pháp luật chưa có chế tài xử lý hình sự người nghiện. Việc cai nghiện bắt buộc theo hình thức tập trung có thủ tục chặt chẽ; để đưa đối tượng nghiện vào trại cũng phải chờ một thời gian. Vì vậy, N. vẫn đang là nỗi ám ảnh của gia đình và nhiều người dân sống gần đó.
Trước đó, chúng tôi cũng chứng kiến một “ngáo đá” đáng sợ khác. Hôm đó, khoảng 14 giờ ngày 5.3.2016, trên vỉa hè đường Trần Phú, TP Quy Nhơn, một thanh niên cởi trần, mặc quần jean, tự tay dùng mảnh kính đâm vào người, máu chảy đầm đìa. Nhiều người đi qua muốn ngăn chặn, không để anh ta tiếp tục gây thương tích cho mình. Chưa kịp tới gần, họ đã phải tháo lui khi thấy mảnh kính chĩa về phía họ. Cảnh sát 113- Công an tỉnh cùng Công an phường Lý Thường Kiệt (TP Quy Nhơn) đến nơi, tìm cách tiếp cận và khống chế người thanh niên này, đưa đến BVĐK tỉnh cấp cứu. Người thanh niên đó tên V.T.Q. - một đối tượng nghiện có tên trong danh sách quản lý của Cảnh sát Phòng chống ma túy. Gia đình Q. muốn đưa con mình cai nghiện tập trung nhưng còn vướng thủ tục nên chưa thể đưa đi được.
Hiện trường vụ đập phá nhà bà H.
Một đối tượng nghiện khác là N.C.L. dù đã được đưa đi cai nghiện tập trung từ tháng 10.2012 đến tháng 11.2014, nhưng khi về lại địa phương vẫn chưa dứt được ma túy. Ngược lại, L. còn nghiện nặng hơn và đã nhiều lần biến thành “ngáo đá”, gây bất an cho nhiều người, trong đó có mẹ ruột của mình là bà Đ.T.H. (ở KV 4, phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn).
Theo bà H. để có tiền mua ma túy, L. không từ việc gì, thậm chí còn dùng dao đe dọa nhân viên của bà, buộc họ đưa tiền. Đó là chưa kể, những lúc biến thành “ngáo đá”, L. còn hung dữ hơn thế. Đêm 23.3.2016, trong tình trạng đang “phê”, L. đến nhà mẹ ruột đập phá, làm hư hỏng nhiều đồ đạc. Mới đây, khoảng 2 giờ ngày 6.8, bà H. ngủ một mình trong nhà thì nghe có tiếng đập phá cửa sắt, tiếng kính ở cửa panô vỡ, rơi loảng xoảng. Xác định L. đang lên cơn nghiện gây ra vụ việc trên, bà H. gọi điện báo công an. Khi Công an phường Ghềnh Ráng cử tổ công tác đến nơi, 2 cánh cửa sắt đã bị đập móp; ở bên trong, kính ở cửa panô cũng bị đập vỡ.
Đối tượng nghiện ma túy biến thành “ngáo đá” là nỗi lo có thật ở nhiều địa phương. Tại TP Quy Nhơn, những trường hợp “ngáo đá” nêu trên chỉ là số ít; trong khi hiện tượng này vẫn tiềm ẩn nhiều trong những người nghiện ở độ tuổi thanh thiếu niên.
Để phòng ngừa, ngăn chặn hiện tượng này, căn cứ vào danh sách đối tượng nghiện ma túy, CA các phường, xã phối hợp cùng gia đình, các ngành, đoàn thể ở địa phương quản lý giáo dục. Tuy nhiên, theo một cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - Công an tỉnh, việc cai nghiện tại gia đình chưa được quản lý chặt chẽ và chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.
Theo các chuyên gia y tế, khi nghi ngờ con em mình có sử dụng ma túy đá, các bậc cha mẹ nên đưa đến các cơ sở y tế chuyên khoa tâm thần để điều trị kịp thời. Việc điều trị cũng như cai nghiện ma túy đá thành công đòi hỏi phải có thời gian, cũng như kết hợp nhuần nhuyễn các bước, từ giáo dục nhân cách đến điều trị các rối loạn hành vi và phục hồi não bộ, ngoài ra là các liệu pháp về mặt tâm lý, giáo dục, xã hội.
Bên cạnh đó, cần sự chỉ đạo và hành động cụ thể, thường xuyên, quyết liệt từ cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và lực lượng Công an mới mong làm giảm đối tượng nghiện, đẩy lùi tội phạm ma túy và giải tỏa nỗi lo về hiện tượng “ngáo đá”.
“Ngáo đá” là hiện tượng, tình trạng mất kiểm soát bản thân, ảo giác, mất nhận thức tạm thời, suy nhược lý trí, hoang tưởng, ảo thị, ảo thanh, ám ảnh bị giết hại… ở những người sử dụng ma túy đá có chứa các chất dạng methamphetamine hoặc amphetamine.
ÐẶNG THÁI