Nghề cấm đang hủy hoại nguồn lợi thủy sản đầm Thị Nại
Đầm Thị Nại có nguồn lợi thủy sản (NLTS) khá phong phú. Tuy nhiên, một bộ phận người dân do hám lợi đã hành nghề xung điện xiếc máy (XĐXM), lưới lồng, đã khiến NLTS ở đầm này cạn kiệt dần, môi trường bị ảnh hưởng.
Ghe máy đang hoạt động thả lưới lồng trên vùng đầm Thị Nại, thuộc xã Phước Sơn.
Ông Nguyễn Văn Hà, ở thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn, hành nghề thả chồ rế trên đầm Thị Nại, than thở: “Tôm cá ngày càng ít do một số người khai thác thủy hải sản bừa bãi, nhất là những người hành nghề cấm. Họ dùng XĐXM đánh bắt và làm chết thủy sinh. Gần 3 - 4 năm nay, lại xuất hiện thêm hiện tượng nhiều người sử dụng lưới lồng (lờ bát quái, lờ đây mắc lưới nhỏ, do Trung Quốc sản xuất) để vơ vét NLTS. Hiện số ghe đánh bắt dùng lưới lồng tăng chóng mặt”.
Huyện Tuy Phước đã lập Đội phòng chống XĐXM và duy trì hơn chục năm nay. Gần đây, huyện lại thành lập Hội đồng điều hành liên xã (Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa và Phước Thắng) để quản lý bảo vệ NLTS phía Bắc đầm Thị Nại nhưng xem ra, tình hình hoạt động nghề cấm chưa giảm.
Ông Phan Văn Trúc, Trưởng thôn Lộc Hạ, xã Phước Thuận, cho biết: Cả thôn hiện có hàng chục ghe hoạt động XĐXM và hàng chục hộ đánh bắt lưới lồng. Khi ngành chức năng ra quân, họ nằm bờ; hết ra quân, họ hoạt động lại bình thường. Tổ đồng quản lý bảo vệ NLTS của xã đến tận nhà tuyên truyền, vận động họ làm cam kết chuyển nghề, họ hứa nhưng rồi lại không thực hiện.
Còn theo ông Lê Duy Trinh - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thuận, Đội trưởng Đội chống XĐXM, lưới lồng của xã Phước Thuận - hiện cả xã có 50 ghe hoạt động XĐXM, tăng so với cùng kỳ năm trước, tập trung ở 2 thôn Nhân Ân và Lộc Hạ; và 74 hộ hoạt động nghề lưới lồng, với 8.000 chiếc lờ bát quái. Dù xã đã phối hợp với Chi cục Bảo vệ NLTS tỉnh, Công an huyện liên tục tuần tra nhưng kết quả mang lại chưa cao, do các đối tượng nắm trước hoạt động của ngành chức năng và tìm cách đối phó. Mặt khác, địa phương phải thuê phương tiện tuần tra; kinh phí cho tuần tra lại hạn hẹp. Trong khi đó, chế tài xử lý tại bến đậu đỗ không khả thi, bởi theo quy định, các ghe mang gọng xiếc nhưng còn để trên bến thì không xử lý được; chỉ được bắt khi các ghe này đang hành nghề. Việc xử lý lưới lồng cũng chỉ dừng ở mức vận động, bởi không chỉ xã Phước Thuận mà các xã Phước Thắng, Phước Hòa, Phước Sơn cũng có hàng trăm hộ hành nghề lưới lồng bủa kín mặt đầm. Hiện nay, việc chống XĐXM, lưới lồng trên đầm Thị Nại đang rơi vào bế tắc.
XUÂN THỨC