Nhìn lại HKPÐ toàn quốc năm 2016:
Thể thao học đường Bình Ðịnh cần thay đổi lớn
Tại Hội khỏe Phù Ðổng (HKPÐ) toàn quốc năm 2016, đoàn Bình Ðịnh giành được số huy chương khiêm tốn hơn so với những lần trước. Với việc thay đổi quy định về đối tượng thi đấu, cộng với nhiều “yếu tố khách quan” khác, rất khó để đánh giá được thể thao học đường của chúng ta đứng ở đâu. Tuy vậy, vẫn cần nhiều thay đổi để nâng cao chất lượng công tác rèn luyện TDTT tại các trường học.
Bình Định đã tổ chức thi đấu một số bộ môn ở HKPĐ cấp tỉnh, nhưng chừng đó chưa đủ để chúng ta đưa phong trào thể thao học đường phát triển toàn diện.
Bị động với quy định mới
HKPĐ toàn quốc năm 2016 chia thành 3 giai đoạn chính: thi đấu tại các khu vực, một số môn trao huy chương, một số môn thi đấu vòng loại (Bình Định nằm ở khu vực III, thi đấu ở Thanh Hóa từ ngày 12 đến 20.4); vòng chung kết toàn quốc ở Thanh Hóa (từ ngày 19 - 29.7); vòng chung kết toàn quốc ở Nghệ An (thi đấu một số môn còn lại, từ ngày 1 - 10.8).
Tại vòng chung kết HKPĐ toàn quốc năm 2016 diễn ra tại Nghệ An vừa kết thúc cách đây ít ngày, đoàn thể thao học đường Bình Định với chỉ 3 VĐV đều tham gia thi đấu nội dung điền kinh, giành được 1 HCV, 2 HCB. Trong đó, riêng Phạm Thị Hồng Lệ đoạt 1 HCV nội dung chạy 3.000m và 1 HCB nội dung chạy 1.500m nữ hệ nâng cao; VĐV Phan Thanh Trọng đoạt HCB môn nhảy cao nam THPT hệ phong trào.
Tại vòng chung kết ở Thanh Hóa diễn ra trước đó, các VĐV đội tuyển bóng đá THCS và bơi lội của Bình Định đều không thể tranh chấp huy chương. Trước đó, ở HKPĐ toàn quốc khu vực III ở Thanh Hóa, các VĐV đến từ đất Võ đoạt được 2 HCB, 5 HCĐ. Thành tích 1 HCV, 4 HCB, 5 HCĐ được xem là khá khiêm tốn so với chính chúng ta ở những kỳ HKPĐ trước.
Tuy nhiên, thông qua bảng thành tích này, rất khó để so sánh chính xác hoặc đánh giá đúng về phong trào thể thao học đường tại Bình Định. Bởi HKPĐ lần này có nhiều khác biệt về đối tượng thi đấu.
Ban đầu, đây là sân chơi của đối tượng học sinh các trường (hệ phong trào), nhưng vào tháng 11.2015, Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định số 5516/QĐ-BGDĐT, bổ sung một số nội dung quy định Điều lệ HKPĐ toàn quốc năm 2016. Trong đó, quy định học sinh các trường năng khiếu thể thao sẽ không được tham gia thi đấu. Chỉ có 3 môn gồm: điền kinh, bơi lội và cờ vua tổ chức thi đấu cả hai hệ (nâng cao và phong trào). Thay đổi này khiến nhiều đơn vị, trong đó có Bình Định không kịp trở tay trong việc chuẩn bị lực lượng tham gia.
Cần chú ý phát triển toàn diện hơn
Theo ông Huỳnh Quang Đậu, chuyên viên Giáo dục thể chất, Sở GD&ĐT, việc Bộ GD&ĐT bất ngờ thay đổi quy định đối tượng tham gia khiến chúng ta gặp rất nhiều khó khăn. Bởi trước đây, Bình Định thường sử dụng những học sinh đang tập luyện ở Trường năng khiếu TDTT hoặc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh, nhưng nay hầu hết phải lấy VĐV phong trào tham gia.
“Việc Bình Ðịnh sử dụng nguồn VÐV “đúng chuẩn” là điều đáng hoan nghênh. Tuy vậy, cũng không nên đổ lỗi hết cho những quy định mới là nguyên nhân tạo nên sự “đảo lộn” những giá trị thực”
Trong khi đó, ở một số môn như võ, bơi lội... chúng ta chưa đưa vào hệ thống thi đấu HKPĐ cấp tỉnh nên phong trào chưa phát triển mạnh; việc tuyển chọn lực lượng tham gia thi đấu toàn quốc, do vậy, cũng không thể thực hiện được. Cùng với đó, kinh phí hạn chế khiến một số bộ môn không thể tham gia vào phút chót.
Thực tế diễn ra ở HKPĐ toàn quốc năm 2016 cho thấy, nhiều đơn vị chạy theo thành tích đã cố gắng lách luật, đưa VĐV không đúng đối tượng vào thi đấu. Đơn cử như chủ nhà Thanh Hóa đưa một số VĐV THPT xuống thi đấu bóng rổ nội dung THCS; đội bóng rổ nam Bình Thuận và nữ Yên Bái cũng đưa những VĐV từng giành huy chương giải trẻ hoặc đang hưởng chế độ VĐV tham gia thi đấu… Điều đó tạo cho sân chơi thể thao học đường tồn tại những lùm xùm, nghi ngờ và không còn là thước đo đánh giá phong trào ở các địa phương.
Trong bối cảnh đó, việc Bình Định sử dụng nguồn VĐV “đúng chuẩn” là điều đáng hoan nghênh. Tuy vậy, cũng không nên đổ lỗi hết cho những quy định mới là nguyên nhân tạo nên sự “đảo lộn” những giá trị thực. Để phong trào thể thao trong trường học ngày một phát triển mạnh mẽ hơn, chúng ta cần dành sự quan tâm, đầu tư thường xuyên. Bên cạnh đó, cần có nhiều giải đấu để kích thích phong trào tập luyện trong nhà trường; từ đó, luôn có lực lượng sẵn sàng tham gia các sự kiện mang tầm quốc gia hoặc khu vực dành cho các đối tượng học sinh.
LÊ CƯỜNG
HKPD là nơi giao lưu, thi đấu cho các em học sinh lứa tuổi THCS và THPT. Nên quy định mới của Bộ GD&DT là hoàn toàn đúng - không lấy các học sinh trường năng khiếu. Để các em học sinh không chuyên được tranh tài với nhau đúng chất hơn. Và mong rằng ngành chức năng của tỉnh nên nhìn nhận lại tạo điều kiện hơn nữa, quan tâm hơn nữa cho các hoạt động phong trào thể thao trong toàn tỉnh. Đặc biệt là ở các bộ môn thể thao khác nữa.