Trong trí nhớ người xưa
* Truyện ngắn của MỘC ANH
“Nhà nhiều trẻ con, hơi ồn ào, các anh thông cảm”. Bạn của Khải, tên Kiên, một người đàn ông cao lớn, râu ria lởm chởm ngượng nghịu trình bày.
Từ căn phòng dành cho khách, tôi nghe tiếng cười lích rích. Cửa sổ mở toang và tôi nhìn thấy lũ trẻ đang chơi trò bịt mắt bắt dê dưới bóng mát khu vườn. Ba cậu con trai cười toe toét vờn quanh một cô bé chừng ba tuổi, bụ bẫm như búp bê. “Hoành tráng không? Vợ chồng Kiên sắp đón đứa con thứ năm đấy. Thời buổi này, hiếm thấy...”, Khải cười. Kiên lôi xềnh xệch một chiếc nệm dày sang: “Đây nguyên là phòng tự kỷ của vợ em. Thường thường, nếu thích, chả cần về giường, nó ngủ luôn trên ghế bành”. “Thế chị nhà đi đâu vắng hả anh?”, nhìn Kiên trải ga gối thành thục, tôi hỏi một câu làm quà. “Đi chơi chứ đi đâu anh. Nó dạt nhà phải hơn tuần rồi. Tháng nào chẳng thế. Bình thường em chẳng can, nhưng đang bụng mang dạ chửa...”. Kiên trách vợ mà như trách mình. Nhìn điệu bộ lơ ngơ của tôi, Khải cười ha hả: “Có cô vợ có thú xê dịch cũng hay. Mình tha hồ nói xấu mà không sợ bị nàng giận dỗi. Khánh không biết đấy thôi, vợ Kiên chính là... À! Cứ vào toilet rồi biết...”, đang nói, Khải khoát tay làm một cử chỉ tinh quái.
Nguôi nguôi, Kiên đã trở xuống bếp chuẩn bị bữa tối, lũ trẻ cũng không chơi nữa, yên ắng và Khải thì đã kịp đánh một giấc, tôi bỗng thấy mình hồi hộp lạ. Mở cánh cửa toilet khép hờ, mắt tôi đậu lại chỗ đáng lẽ ra phải dành cho một tấm gương lớn thường để soi diện mạo khi tắm. Ở đó, ngự một tấm hình lớn, mái tóc ngắn ngủn, nụ cười mím hằn hai dấu ngoặc đơn bên khóe môi, đôi mắt đong đầy nước hồ thu. Chính là Dĩ.
* * *
“Thế nào? Phát biểu cảm giác được ở trong chính căn phòng của thần tượng đi chứ? Hôm tham quan thư viện nhà ông, tôi phát hiện ngăn trên cùng bày toàn sách của vợ Kiên. Ai chứ Dĩ Nguyên thì tôi biết, chính tôi cũng mê văn nàng như điếu đổ”. Tôi cố trấn tĩnh, nở một nụ cười bình thản: “Biết vậy, nhưng ông đừng nói với Kiên nhé. Có vẻ như anh chồng đang cay cú vì cô vợ bất trị. Mình nói khác gì thêm dầu vào lửa”. Khải lắc đầu: “Ông nhầm! Thứ nhất, biết Dĩ Nguyên đi đâu không? Giam mình ở một căn nhà khác của vợ chồng nàng ở Đà Lạt để viết. Sắp tới mình lên trên đấy, có dịp sẽ ghé thăm nàng. Thứ nhì, Kiên yêu vợ lắm, không bao giờ biết quát nàng một tiếng, nghe mấy câu mắng vốn của hắn thì biết. Nhưng mà ông yên tâm, tôi không nói cho hắn biết chuyện ông mê mệt văn chương của Dĩ Nguyên đâu. Nghe thế, có khi gã sẽ ghen lồng lên như sói, xé xác ông không chừng”.
Dĩ Nguyên của tôi, hóa ra nàng ở đây, và sắp có đứa con thứ năm. Bức ảnh thay gương trong toilet không chỉ có mỗi Dĩ Nguyên ngồi bó gối che bụng bầu mà còn cả 4 đứa con vây quanh. Vậy là Dĩ đã có được điều nàng mơ ước lâu nay. Một người đàn ông tốt là cha của năm đứa con, điều mà hơn chục năm trước nàng từng nói, tôi từng ngỏ lời, và bị từ chối.
Nếu nàng gặp tôi bây giờ, chắc hẳn không nhận ra. Một phép so sánh thú vị về ngoại hình. Chồng nàng bây giờ là hình ảnh ngoại hình của tôi mười mấy năm về trước, râu ria, ngô ngố và vụng về. Còn của tôi bây giờ, nói như Khải, đã “bóng lộn và muôn phần thời thượng”.
Khi gặp tôi, Dĩ đã bước qua tuổi hai mươi. Nàng không son phấn, chưa một mối tình và mới bắt đầu viết những dòng ngắn ngủn nhưng đầy tinh tế. Còn tôi, đã có chút tên tuổi, bỏ công việc dạy học để lang bạt bốn phương, rất ra vẻ một nghệ sĩ. Cái quán trà hoa ấy, nơi tôi gặp nàng, với nụ cười chúm chím đầu môi, vài phím ghita tí tách, từ ngày xa nhau, tôi không còn dám ghé đến thêm một lần nào nữa.
Lại nói về chuyện ngày xa xôi ấy. Nếu bây giờ nói tôi và nàng từng yêu, rất sâu đậm, chắc không ai tin. Chúng tôi không có nổi một bức hình chụp chung, không hội quán tụ bạ, không giới thiệu bạn bè, không gặp mặt gia đình. Tôi và Dĩ Nguyên yêu nhau lặng lẽ, như những gì nàng muốn.
Khi tôi và Khải thức dậy, mặt trời đã lên, xuyên qua khu vườn ánh sáng giống như các bức ảnh kỹ thuật số thường thấy. Kiên đang vật lộn với bữa sáng của bốn đứa trẻ hiếu động. Nếu có Dĩ Nguyên ở đây thì trông nàng sẽ như thế nào nhỉ? Tôi ngồi xuống ghế và chăm chú quan sát bọn trẻ. Mỗi đứa đều có được một nét đáng yêu của Dĩ Nguyên, nhưng chúng quá xí xọn và ồn ào, chỉ trừ đứa đầu tiên, con trai lớn của Khải và Nguyên. Cậu bé có nụ cười rất đẹp, những lọn tóc mềm rũ xuống trán hiền lành, giống y thần thái của Dĩ Nguyên ngày ấy.
Sau khi đã “tống khứ” được bọn trẻ đến trường, Khải, Kiên và tôi ngồi với nhau ở một quán có đồ ăn và cafe ngon tuyệt. Kiên phàn nàn: “Vợ em ghiền chỗ này, dễ phải đến một thế kỷ nay rồi, con người gì kỳ cục”. Khải ăn lấy ăn để: “Ngon mà, thế là phải lắm”. Còn tôi, trong lúc ăn cứ mường tượng trước mặt mình là Dĩ, ngồi như ngày xưa, trong quán trà hoa ấy, xuýt xoa với món thịt bò khô mà nàng ưa thích.
Khi Khải và Kiên đã đi công việc làm ăn, tôi vác giá vẽ ra biển. Ngồi dưới một tán phi lao, trước mắt tôi có lẽ biển rộng lớn lắm mà sao hình ảnh Dĩ đã che khuất mất.
Sau rất nhiều ngày ngồi bên nhau ở quán trà hoa ấm áp ấy, một ngày mưa rét, đến nỗi không ai còn cảm hứng ra đường và thưởng thức trà. Chủ quán cũng trốn biệt đâu đó trong khoảng không gian ấm áp sau quầy. Tôi kéo Dĩ lại, ôm nàng vào lòng. Đó là khoảng thời gian sau khi giận dỗi không gặp mặt nhau của tôi và Dĩ. Tôi mải chạy theo “những cuộc vui phù phiếm”, để Dĩ ở lại một mình, cùng “mớ bòng bong” nào đó mà nàng nói dễ đến gần tháng trời. May mắn là cuối cùng tôi cũng nhận ra rằng Dĩ là nơi ấm áp nhất. Khi ôm nàng trong lòng, tôi thì thầm: “Em vẫn còn có ý định sinh năm nhóc chứ, cho anh làm cha chúng được không?”. Vẫn ngồi yên trong lòng tôi, nàng lắc đầu: “Không! Em không muốn các con mình có một người cha như anh”.
Khi nói câu ấy, mắt nàng, thậm chí còn không một ngấn lệ. Tôi lạnh lùng đẩy nàng ra. “Vậy còn ở bên nhau làm gì”. Thế là chúng tôi xa nhau, từ đấy.
Không biết từ bao giờ, tôi chán ngán những buổi tụ họp dây dưa và viển vông của bạn bè. Đó có lẽ là lý do tôi rời bỏ họ và chơi thân với Khải, một người làm ăn đơn thuần, thực tế và không nói những lời vô nghĩa. Những chuyến giao thương của Khải đã trở thành dịp để tôi đi cùng. Cùng một hành trình nhưng mỗi người một mục đích theo đuổi, trái đất tròn, cuối cùng tôi lại đến dưới mái nhà Dĩ Nguyên.
Tôi bắt đầu vẽ mái tóc ngắn ngủn, nụ cười mím hằn hai dấu ngoặc đơn bên khóe môi, đôi mắt đong đầy nước hồ thu, mường tượng của tôi về Dĩ của những ngày xa xưa. Trong tranh, Dĩ nhìn tôi, đôi mắt ngấn lệ, như hối hận, đúng như điều tôi mong muốn những năm qua.
Một bàn tay ấm và nhỏ đặt lên vai. Tôi sửng sốt quay lại. Bé con đứng đó, với nụ cười rất đẹp, và những lọn tóc mềm rũ xuống trán. “Mẹ Dĩ Nguyên! Chú chưa được gặp mẹ con, chỉ nhìn tấm ảnh mà vẽ giống lắm”, giọng nói thật trìu mến. Tôi ôm cậu bé vào lòng: “Con yêu mẹ lắm, phải không?”. “Cha con kể, trước khi mang thai con, mẹ bệnh nặng, dù chưa lành hẳn sau phẫu thuật, mẹ vẫn quyết định sinh con ra. Chú thấy mẹ con có đáng yêu không?”.
Tôi nhặt tấm thẻ học sinh đeo trên cổ bé con xem. Cậu sinh hơn một năm sau khi tôi và Dĩ xa nhau, nghĩa là thời điểm chúng tôi bên nhau, Dĩ đang bệnh nặng. Hình ảnh gương mặt xanh xao, thất thần của Dĩ chục năm về trước lại hiện về trong tôi, làm tim đau nhói.
Tôi tặng bé con của Dĩ bức tranh vẽ nàng, thời thiếu nữ. Đó cũng là lần đầu tiên tôi chia sẻ hình ảnh người thân yêu trong trí nhớ, một cách lặng lẽ. Trong khi giúp tôi sắp xếp đồ đạc, cậu bé nói rằng sẽ đặt bức tranh bên cạnh giường ngủ.
M.A