Khi trẻ lạc lối
Thời gian gần đây, có không ít đối tượng phạm tội nhiều lần, tuy nhiên vì chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật nên không bị xử lý. Lợi dụng quy định này, cộng với sự thiếu cương quyết của gia đình trong giáo dục con cái, nhiều thanh thiếu niên tiếp tục trượt dài trên con đường sai phạm.
Gọi hỏi răn đe là biện pháp mà cơ quan CA áp dụng để quản lý các đối tượng thanh thiếu niên chậm tiến, vi phạm pháp luật.
Ăn cắp quen tay
Nguyễn Ngọc H. (SN 2003, ở Nhơn Hải, TP Quy Nhơn) cho biết, mỗi khi cần tiền tiêu hay chơi điện tử thì lại đi trộm, trộm riết thành quen tay. Tuy chỉ mới 13 tuổi nhưng H. đã một mình thực hiện hàng chục vụ trộm cắp tài sản trị giá từ vài chục ngàn đồng đến gần chục triệu đồng. Và lần bị bắt mới đây là H. đột nhập vào nhà một người hàng xóm, lục tung đồ đạc chỉ để lấy 21.000 đồng đi chơi game, “vì lúc đó không có tiền mà lại ghiền game quá!”, H. biện hộ.
Cũng vậy, để có tiền chơi điện tử và ăn vặt, Đoàn Ngọc P. (SN 2001, phường Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn) đi trộm. Lúc đầu, P. trộm vặt vài chục ngàn đồng của mẹ, con gà hay cái cưa của hàng xóm, sau thì những tài sản có giá trị hơn là điện thoại di động, xe máy. Tuy nhiên, vì tuổi còn nhỏ, nên mỗi lần như vậy, cơ quan chức năng lại gọi P. để răn đe, rồi giao gia đình quản lý.
Nhưng mẹ P. vì gánh nặng mưu sinh nên ít có thời gian để mắt đến con; còn P. đã nghỉ học nên càng có nhiều thời gian lêu lổng, sa ngã và thủ đoạn các vụ trộm cũng tinh vi hơn. Như mới đây, P. rủ thêm một người nữa đi trộm xe máy. Sau khi khảo sát, thấy dãy nhà trọ ở KV 2, phường Nhơn Bình không khóa cổng, cả hai đã vào lấy trộm một chiếc xe máy. Rút kinh nghiệm những lần trước đó bị phát hiện là do vẫn giữ nguyên biển số cũ của xe lấy trộm, lần này, P. cùng đồng bọn tháo trộm một biển số xe trên đường Lê Lai, TP Quy Nhơn, mang về thay cho biển số xe máy đã trộm, đồng thời dùng sơn đen để điều chỉnh biển số này rồi đem bán với giá 4 triệu đồng.
Còn đối với Nguyễn Minh K. (SN 2001, xã Nhơn Mỹ, TX An Nhơn) thì để thể hiện khả năng sành điệu của mình, K. mua “cỏ Mỹ” về vừa dùng vừa bán cho chúng bạn. Gia đình có điều kiện, nhưng cha mẹ K. lại lo làm ăn, ít có thời gian sát sao con cái nên họ chỉ biết điều này khi được cơ quan CA thông báo. Thậm chí, K. nghỉ học một thời gian, gia đình cũng không hay.
Thiếu sự quản lý của gia đình
Những vụ việc trên đều có một điểm chung: Gia đình quản lý lỏng lẻo, con trẻ sa vào con đường phạm tội lúc nào không biết. Mẹ của H. chia sẻ: “Tôi đầu tắt mặt tối để kiếm tiền trang trải cuộc sống, nên việc quản lý con cái cũng có phần lơi lỏng, đến giờ gia đình cũng không biết cách nào để điều chỉnh con”.
Cùng lý do đó, tại cơ quan CA, P. khai, vì ghét cuộc sống túng thiếu, đã thế, gia đình lại không đủ đầy bố mẹ như bao người khác nên đâm chán đời. Để có tiền ăn tiêu và chơi game, lúc thì P. một mình đi trộm, lúc thì rủ rê bạn với lời mời chào: “Muốn có tiền tiêu thì đi trộm với tao”.
Một phần nguyên nhân khiến các đối tượng này tái phạm là bởi chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, sau mỗi lần vi phạm, cơ quan CA cũng chỉ dừng ở mức độ gọi hỏi răn đe và giao cho gia đình quản lý, nên có phần “nhờn”. Trưởng CA xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn, ông Đoàn Ngọc Quá nhìn nhận: “Một hai lần đầu CA xã răn đe thì thấy đối tượng có sự chuyển biến, nhưng sau vài lần thì tỏ ra lì lợm và xảo quyệt hơn. Để hạn chế tình trạng tái vi phạm của các đối tượng vị thành niên, chúng tôi tăng cường công tác gọi hỏi răn đe, phối hợp cùng gia đình và các hội, đoàn thể để giáo dục các em”.
Và không chỉ vậy, việc nuông chiều con quá mức của một số bậc cha mẹ cũng là nguyên nhân dễ khiến con trẻ sa vào con đường phạm tội, như đúc kết của chị Nguyễn Thị M. (phường Hải Cảng, Quy Nhơn) khi chứng kiến cảnh con trai phạm tội buôn bán, tàng trữ ma túy: “Thiếu vắng cha từ bé nên bao nhiêu tình thương tôi dồn hết cho nó, không để nó thiếu thốn gì. Chính sự cưng chiều thái quá của tôi đã khiến con trai tôi hư hỏng”.
Ðiều 12 Bộ luật hình sự 2015 quy định về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự như sau: “Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm, tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”.
K.ANH