Bóng đá Bình Ðịnh: Hướng đến hạng Nhất, rồi sao nữa?
Theo thông tin từ Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh, đơn vị này đang xây dựng đề án thành lập đội bóng đá Bình Ðịnh, hướng đến việc giành quyền thi đấu ở Giải bóng đá hạng Nhất năm 2018. Ðây có thể là thông tin được nhiều người yêu bóng đá đất Võ quan tâm. Nhưng để bóng đá Bình Ðịnh phát triển bền vững, nên có những tính toán mang tính chiến lược.
Bóng đá Bình Định (áo đỏ) cần giải quyết thỏa đáng bài toán về kinh phí và cơ chế mới mong phát triển bền vững trong giai đoạn tiếp theo.
Kiện toàn lại đội Bình Ðịnh
Ông Nguyễn Văn Long, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh, cho biết: “Lãnh đạo tỉnh đã có chỉ đạo xây dựng lại đội bóng đá, cố gắng thi đấu để giành quyền thăng hạng ngay từ mùa giải tới. Hiện chúng tôi đang họp bàn với các đơn vị liên quan để hoàn thiện đề án. Riêng về nhân sự cho đội bóng, Trung tâm giao cho Ban huấn luyện tính toán, cân nhắc và đề xuất”. Được biết, sau khi hai mùa giải liên tiếp không đưa được đội Bình Định thăng hạng Nhất, HLV Phan Tôn Quyền đã đề đạt nguyện vọng thôi dẫn dắt đội. Và lãnh đạo Trung tâm đã thống nhất đưa trợ lý HLV đội Bình Định ở những mùa trước là Trần Kim Đức lên thay thế.
Đội bóng đất Võ đã tập trung tập luyện trở lại từ đầu tuần này, với toàn bộ lực lượng cầu thủ địa phương, chỉ riêng hậu vệ Hồ Tấn Tài đang làm nhiệm vụ tại đội tuyển U19 quốc gia vắng mặt. Do lực lượng đội Bình Định pha trộn giữa những cầu thủ trẻ và lứa đã trưởng thành, một số thành viên còn tham gia học văn hóa, nên để đảm bảo đủ quân số tập luyện, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh quyết định gộp chung lứa cầu thủ đội U19 và đội U21 vào tập cùng đội 1. HLV Cao Văn Dũng (trước đây là trợ lý HLV đội tuyển U21 Bình Định) được điền tên vào thành phần Ban huấn luyện mới.
Cần có chiến lược dài hơi
Trong 2 mùa giải vừa qua, đội Bình Định đều đã đến rất gần cái đích thăng hạng. Nhưng rồi khán giả đất Võ liên tiếp thất vọng.
Thực ra, việc không thể giành quyền lên hạng Nhất chưa hẳn đã là điều tồi tệ, bởi nếu không có sự chuẩn bị tốt về chuyên môn và kinh phí, bóng đá Bình Định sẽ vẫn cứ trồi sụt chứ không thể phát triển bền vững được. Điều này chính chúng ta đã rút ra từ bài học kinh nghiệm năm 2013, sau khi không có kinh phí tham gia Giải bóng đá hạng Nhất năm 2014, đành phải bắt đầu lại từ giải hạng Ba.
Về lực lượng, để tuyến trên luôn có sự ổn định, chúng ta bắt buộc phải xây dựng các đội tuyển trẻ kế thừa. Tuy nhiên, việc đào tạo lớp cầu thủ trẻ những năm qua không thực sự được quan tâm đúng mức, một phần vì kinh phí cho ngành thể thao còn hạn chế, phần nữa là do không khí bóng đá giảm hẳn sự hào hứng so với trước, tác động không nhỏ đến tâm lý của VĐV cũng như gia đình. Trong năm 2016, hầu hết các đội bóng trẻ Bình Định đều thi đấu không thành công, chỉ duy nhất đội U19 lọt vào vòng chung kết. Do đó, việc củng cố lại hệ thống đào tạo trẻ là điều cần thiết phải làm ngay từ bây giờ.
Cách đây gần một năm, Trường Năng khiếu TDTT tỉnh tổ chức buổi báo cáo kết quả các đội bóng đá trẻ, tại đó, nhiều đại biểu tâm huyết với môn thể thao vua đã dành nhiều ý kiến để xây dựng lại bóng đá Bình Định. Tuy nhiên, đến nay chưa ai hệ thống lại những đóng góp đó để tạo thành hướng đi nhất quán hòng đưa bóng đá tỉnh nhà sớm lấy lại vị thế trước đây.
Một trong những yêu cầu quan trọng trong quá trình “tái thiết” đội bóng là thành lập Trung tâm bóng đá Bình Định, nhằm tạo được sự thống nhất trong khâu tuyển chọn, đào tạo từ dưới lên trên. Bởi nếu cứ làm theo kiểu “chuyền tay” như hiện nay, HLV nào cũng lo cho thành tích trước mắt của mình thì rất khó để chúng ta cho ra lò những lứa cầu thủ tốt, đủ trình độ đáp ứng yêu cầu thi đấu ở các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia.
Và vấn đề đặc biệt quan trọng là trong khi ngân sách tỉnh không đủ sức để bao cấp đội bóng hàng năm, việc tìm ra phương án đảm bảo tài chính cho đội bóng hoạt động được coi là mấu chốt vấn đề. Thế nhưng trong điều kiện khó khăn hiện nay, rất khó tìm được nhà tài trợ đủ sức cáng đáng trọng trách đó!
LÊ CƯỜNG
Đạo tạo lên rồi để đào thải . Chẳng khác nào bỏ con giữa chợ đó là cách làm bóng đá của BÌNH ĐỊNH bao lâu nay .
Em: Học sinh Trường THCS Nhơn Thành Sinh năm 2002 Em muốn Tỉnh tổ chức nhiều giải đấu cho nhiều lứa tuổi trẻ để tìm ra những học viên có tố chất mới đưa Tỉnh đi lên với môn thể thao vua này.
Chúng ta cần phải có hướng đi riêng mang tính đột phá mới mong phát triển mạnh mẽ được. Ví dụ: tập huấn cho các giáo viên các trường tiểu học, THCS, dạy các em trong trường từ nhỏ. Hàng năm tổ chức các giải thi đấu vào mùa hè của các trường trong huyện, rồi tranh giải toàn tỉnh. Cử cán bộ theo giỏi tuyển chọn đưa các em về tỉnh đào tạo. Hãy tìm nhân tài, đừng để người tài tìm việc. Có thể áp dụng cho các môn thể thao khác, kể cả trong kiến thức học tập để tuyển chọn. Kinh phí cứ dựa vào các doanh nghiệp, Nhà Nước tạo điều kiện cho họ được nhiều cơ hội hơn trong quảng cáo thì họ sẽ cung cấp kinh phí mà thực hiện.