Của cho và cách nhận
Vài năm trở lại đây, hoạt động từ thiện nhân đạo ở TP Quy Nhơn đã xuất hiện ngày một nhiều hơn những thùng nước, thùng bánh mì hay cơm chay từ thiện làm ấm lòng những cảnh đời bất hạnh. Tuy nhiên, cách đón nhận của từ thiện, của miễn phí sao cho vừa thể hiện lòng biết ơn đối với người cho vừa giữ được sự tự tôn của mình cũng là điều nên bàn.
Thêm nhiều nghĩa cử đẹp
Hôm rồi, tôi dẫn con đi dạo bộ trên đường Trần Hưng Đạo, Quy Nhơn, thằng bé kêu khát nước. May quá, đi thêm chừng 5m nữa, tôi thấy một thùng nước miễn phí đặt dưới gốc cây. Bên dưới là những chiếc cốc sạch trong khay nhựa có nắp ngăn bụi. “A, có nước miễn phí nè mẹ”, con trai tôi vội chạy lại lấy nước uống. Tự dưng thấy lòng ấm áp và thầm cảm ơn người đã đặt thùng nước này.
Phát gạo từ thiện nhân ngày rằm lớn tại Chùa Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, đường Trần Cao Vân, TP Quy Nhơn.
Kể lại việc mình làm, chị chủ quán cà phê Góc phố Dịu dàng ở đường Hai Bà Trưng, Quy Nhơn, nói nhẹ tênh: “Chuyện bình thường ấy mà. Nhiều hồi tôi thấy có người mồ hôi nhễ nhại cầm chai vào quán xin nước uống thấy tội quá, nên mấy tháng trước tôi đã đặt một thùng nước miễn phí trước quán cà phê. Ngày nào cũng hết một bình 20 lít”.
Gần đó, lò bánh mì Thuận Phát (184 Hai Bà Trưng, Quy Nhơn) cũng có một thùng bánh mì từ thiện. Tầm hơn 7 giờ sáng, hai người phụ nữ dáng lam lũ đạp xe dừng đối diện lò bánh mì. Một người chạy sang lấy một ổ bánh mì, người còn lại cũng chạy sang lấy đúng một ổ. Một chị tên Bảy rụt rè nói: “Mấy chị em tôi ở xã Phước Thắng, Tuy Phước lên Quy Nhơn làm thêm bằng nghề ve chai dạo. Sáng sáng chị em tới đây, mỗi người lấy một ổ bánh mì ăn cho đỡ đói lòng. Tuy là của miễn phí nhưng không dám lấy nhiều, mỗi người chỉ lấy một ổ thôi”.
Người chủ lò bánh mì này cho biết, chị đặt thùng bánh mì từ thiện được vài tháng - ban đầu do một số người hảo tâm khởi xướng. Nay những người này không tham gia nữa nhưng chị vẫn duy trì. Buổi sáng, chị để vào đó vài chục ổ bánh mì nhà làm, ban đêm các bạn hàng bán bánh mì bán không hết, thay vì mang trả lại cho chủ lò, họ cũng bỏ vào thùng bánh mì từ thiện. “Người đến lấy bánh mì chủ yếu là những người mua bán ve chai, bán vé số dọc đường. Tuy nhiên, cũng có người đến lấy một lúc vài ba ổ, thậm chí có người đi xe ga loại sang”, chị nói đến đó cũng là lúc một cụ ông đi xe đạp đến lấy một lúc ba ổ bánh mì.
Nhân đây, tôi cũng muốn bàn thêm về cách đón nhận của miễn phí hay từ thiện. Từng chứng kiến nhiều đợt phát quà miễn phí ở một ngôi chùa lớn trong TP Quy Nhơn vào những rằm lớn, tôi rất nhột nhạt khi phải nghe lời căn dặn của người phát quà, rằng sẽ có đủ suất cho bà con, vì vậy không cần phải chen lấn xô đẩy nhau. Và rằng, người khỏe mạnh, lành lặn hơn hãy nhường cho người khuyết tật được nhận trước. Sở dĩ phải dặn vậy là do từng xảy ra nhiều phen lộn xộn, chen lấn nhau để được nhận quà.
Rồi nữa, người phát tâm tặng quà mong rằng quà trước tiên sẽ đến được tay những cảnh đời yếm thế, hoặc người lỡ độ đường thực sự. Nhưng, trong thực tế vẫn có một số ít trường hợp dù không đến nỗi quá khó khăn, không lỡ độ đường thực sự vẫn điềm nhiên nhận suất, thậm chí còn tranh để nhận. Chuyện ở một ngôi chùa thường phát cơm chay từ thiện: Dù người phát dặn mỗi người chỉ lấy một hộp nhưng có người cố tình xin thêm hai, ba hộp để “mọi thành viên trong nhà đều có cơm ăn vì ngại nấu”. Đã là từ thiện tôi không nghĩ nhà chùa so đo việc người lấy nhiều hay lấy ít, nhưng rõ ràng một lúc đem đi mấy hộp cơm hay vài ổ bánh mì sẽ làm mất phần của người thực sự cần nhưng lại đến sau. Một khi thực sự phát tâm, người làm từ thiện sẽ thường bỏ qua những tiểu tiết làm phiền lòng. Nhưng, thiết nghĩ người trực tiếp đón nhận, thụ hưởng tấm lòng ấy cũng nên cư xử sao vừa thể hiện lòng biết ơn đối với nghĩa cử đẹp, vừa giữ được tự tôn của mình.
NGUYỄN NAM