Hồi ức một chiến sĩ tự vệ cứu quốc
Vào những ngày cả nước đang có nhiều hoạt động chuẩn bị kỷ niệm 71 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9, chúng tôi về thôn Tài Lương 3, xã Hoài Thanh Tây, huyện Hoài Nhơn để được hầu chuyện cụ Đoàn Quang Cần, 70 năm tuổi Đảng, một trong số rất ít cán bộ tiền khởi nghĩa hiện còn sống ở Hoài Nhơn.
Cụ Đoàn Quang Cần kể lại không khí sôi sục cách mạng của những ngày tháng 8.1945 ở Hoài Nhơn.
Trong cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Hoài Nhơn, cụ Cần là trung đội trưởng trung đội tự vệ cứu quốc tổng Tài Lương, tham gia bảo vệ các đợt mít tinh, biểu tình thị uy của lực lượng quần chúng ủng hộ cuộc tổng khởi nghĩa.
Khi biết chúng tôi muốn nghe kể lại không khí sôi sục cách mạng của những ngày tháng 8.1945 ở Hoài Nhơn, cụ Cần vui vẻ hẳn lên. Dù năm nay đã bước sang tuổi 90, đôi mắt gần như mờ hẳn, nhưng trí nhớ cụ vẫn còn rất minh mẫn.
Theo hồi ức của cụ, đầu năm 1944, bộ máy chính quyền thực dân phong kiến ở Hoài Nhơn gần như suy sụp hoàn toàn. Lúc này, phong trào Việt Minh ở hầu khắp các làng phía Bắc của huyện phát triển rất mạnh. Đến tháng 4.1944, đồng chí Đinh Trung, Ủy viên Quân sự mặt trận Việt Minh tỉnh, giao cho cụ nhiệm vụ thành lập Đội tự vệ cứu quốc. Đội hoạt động công khai với 29 đội viên, nòng cốt là đoàn viên thanh niên cứu quốc và những con em bần cố nông ở làng Tài Lương. Nhiệm vụ của đội là theo dõi, bám sát các hoạt động của bọn lý hương, hương mục, hương kiểm, kể cả chánh tổng và có nhiệm vụ tham gia bảo vệ các cuộc mít tinh, biểu tình thị uy của lực lượng quần chúng.
Từ chiều ngày 24.8.1945, Ủy ban khởi nghĩa huyện Hoài Nhơn huy động quần chúng 19 làng (Hy Văn, Hy Tường, Hy Thế, Châu Đê, Quy Thuận, An Sơn, Cửu Lợi, Tăng Long, Đại Hóa, An Thái, Dĩnh Thạnh, Huân Công, Lộc An, Hảo Thiện, Trường Xuân, Thành Sơn, Tài Lương, Ngọc An, Trường Lâm) thuộc 3 tổng phía Bắc, do đội tự vệ cứu quốc tổng Tài Lương dẫn đầu, biểu tình thị uy từ ngày 24 đến 25.8.
Ngày 26.8, tại Bồng Sơn, hàng ngàn quần chúng các làng Trung Yên, Bình Chương, Lại Khánh, Thuận Thượng vùng lên với khí thế quật khởi, hô vang khẩu hiệu “đả đảo bọn thực dân phong kiến”, “ủng hộ Việt Minh”, “Việt Nam độc lập”. Đoàn biểu tình chiếm các công sở của ngụy quyền, tước vũ khí của bọn lính bảo an đồn Bồng Sơn. Đến ngày 29.8.1945, tại sân vận động Bồng Sơn, Ủy ban khởi nghĩa Hoài Nhơn tổ chức cuộc mít tinh diễu hành với hơn 5.000 quần chúng tham gia. Cuộc mít tinh tuyên bố thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời Hoài Nhơn.
DIỆP BẢO SƯƠNG