Chúng ta bảo vệ chủ quyền bằng biện pháp hòa bình
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trả lời phỏng vấn báo chí sáng 18.8 (Ảnh: Thành Trung).
Ngoại giao kiến tạo nhằm hỗ trợ người dân
PV: Thưa Phó Thủ tướng, ông có thể cho biết ý nghĩa của Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 và Hội nghị Ngoại vụ 18 trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế hiện nay?
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 và Hội nghị Ngoại vụ 18 diễn ra sau thành công ĐH Đảng lần thứ XII. Đại hội đã đưa ra định hướng phát triển của đất nước trong 5 năm tới; trong đó có đường lối đối ngoại. Đường lối đối ngoại đó là tăng cường hơn nữa hiệu quả của hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Đó chính là chủ đề của Hội nghị Ngoại giao 29: “Nâng cao hiệu quả của công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XII”.
Hội nghị Ngoại giao lần này diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới biến động nhanh chóng, khôn lường. Bên cạnh đó, vấn đề tranh chấp về chủ quyền cũng diễn ra hết sức phức tạp.
Về kinh tế, trong những năm qua, tình hình kinh tế thế giới chưa ra khỏi được trì trệ. Đó là thách thức đối với tất cả các nước, các khu vực.
Trong bối cảnh như vậy, Hội nghị Ngoại giao lần này đánh giá lại tình hình thế giới; thách thức đối với đất nước ta để từ đó kiến nghị các biện pháp nhằm mục đích đối ngoại góp phần tạo dựng được môi trường hòa bình ổn định của đất nước để phát triển; đồng thời bảo vệ được vững chắc độc lập chủ quyền đóng góp vào việc xây dựng đất nước ta thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Còn, Hội nghị Ngoại vụ 18 tổ chức gối đầu với Hội nghị Ngoại giao mục đích là làm sao gắn kết được hoạt động đối ngoại của các tỉnh thành trong cả nước với hoạt động chung, theo nhịp chung của cả nước. Trong thời gian vừa qua, Bộ Ngoại giao đã thành lập Cục Ngoại vụ địa phương với mục đích để hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố tăng cường hội nhập; tăng cường quan hệ với bên ngoài.
Hội nghị Ngoại giao 29 có điểm gì mới, thưa Phó Thủ tướng?
Hội nghị lần này là dịp khẳng định lại, đánh giá những thành quả đạt được của đối ngoại Việt Nam trong 5 năm qua. Hội nghị sẽ nhìn lại cả quá trình 5 năm qua để đánh giá kết quả đạt được là gì? Kinh nghiệm để phát huy các kết quả đó và những gì chưa đạt được để có biện pháp thực hiện cho được. Một điểm nữa là nhằm để phục vụ việc phát triển kinh tế; ngành ngoại giao cần bàn những biện pháp hết sức cụ thể, không chỉ là những biện pháp trước đây đã từng thực hiện, tham mưu cho Chính phủ về tình hình quốc tế, khu vực nhằm đóng góp vào việc xây dựng hoàn thiện thể chế trong nước.
Nhiệm vụ thứ hai là phải làm sao tạo thuận lợi cho các ngành nghề, doanh nghiệp, người dân tiếp cận ra bên ngoài. Nói cách khác là đóng góp vào việc mở rộng thị trường ở bên ngoài; thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam; giới thiệu về các lĩnh vực mà ta muốn mở rộng đầu tư trong đó chú trọng các lĩnh vực công nghiệp, công nghệ cao. Các nhà ngoại giao sẽ bàn cụ thể vào việc “làm gì để đóng góp vào phát triển kinh tế đất nước?”.
Chúng ta cũng đã nêu thông điệp về Chính phủ kiến tạo vậy thì ngoại giao kiến tạo là gì? Đó là phải hỗ trợ được cho người dân.
Cơ quan đại diện là nền tảng cho quan hệ trên tất cả các lĩnh vực
Hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành ngoại giao. Công việc này đã được các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thực hiện như thế nào trong thời gian qua, thưa Phó Thủ tướng? Chúng ta cần phải làm gì để đẩy mạnh hơn nữa công tác này?
Chúng ta có 96 cơ quan đại diện ngoại giao. Đây là một hệ thống các cơ quan đại diện của Nhà nước Việt Nam tại nước ngoài. Các cơ quan đại diện có nhiệm vụ đầu tiên là làm sao xây dựng được quan hệ về chính trị với các nước sở tại. Đó là nền tảng cho quan hệ trên tất cả các lĩnh vực của chúng ta với các nước.
Thứ hai là dự báo, tham mưu về các nước đó để đóng góp cho Đảng và Nhà nước, hoạch định các chính sách. Trong đó cũng kiến nghị những thị trường cho những sản phẩm nào của chúng ta có thể đưa sang được nước bạn. Mở rộng tìm hiểu được nhu cầu của các nước đối với sản phẩm của đất nước chúng ta.
Rộng lớn hơn đó là tham gia đóng góp vào vận động các nước công nhận nước ta có một nền kinh tế thị trường là việc hết sức quan trọng. Vì khi các hiệp định thương mại, hoặc các cơ chế Việt Nam có một nền kinh tế thị trường thì tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng giữa các nước. Trong thời gian qua chúng ta đã tăng được số quốc gia công nhận chúng ta có nền kinh tế thị trường lên con số 59 nước. Riêng trong 5 năm qua tăng thêm 36 nước thì đó là những đóng góp hết sức cụ thể, đóng góp của các cơ quan đại diện trong lĩnh vực kinh tế. Đấy là chưa kể hỗ trợ cho các doanh nghiệp, địa phương trong việc tiếp cận với các nước.
Kiên trì, kiên quyết bảo vệ chủ quyền bằng các biện pháp hòa bình
Thưa Phó Thủ tướng, vấn đề Biển Đông luôn là một điểm nóng trong thời gian qua và trong thời gian tới. Người dân kỳ vọng Đảng và Nhà nước có những động thái mạnh mẽ hơn trước những đe dọa đối với chủ quyền, an ninh của Việt Nam. Ngành ngoại giao Việt Nam có chiến lược và sách lược gì để giữ vững chủ quyền biển, đảo nói riêng và độc lập chủ quyền đất nước nói chung?
Biển Đông là một trong những vấn đề tác động đến môi trường an ninh. Chúng ta đã khẳng định chủ quyền của chúng ta ở Biển Đông, chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa. Đối với Trường Sa cũng cần phải hiểu được đây là khu vực có tranh chấp giữa 5 nước, 6 bên ở các đảo đá ở Trường Sa. Quan điểm của ta là phải đảm bảo chủ quyền ở các đảo của chúng ta hiện nay đang quản lý, giữ vững chủ quyền theo luật pháp quốc tế. Cũng phải đảm bảo được chủ quyền của chúng ta là 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế, theo luật pháp quốc tế.
Đại hội Đảng đã nêu rõ kiên trì, kiên quyết bảo vệ chủ quyền. Điều này cần hiểu rằng kiên trì kiên quyết bảo vệ chủ quyền bằng các biện pháp hòa bình, giải quyết các tranh chấp trên cơ sở thương lượng, đàm phán.
Những vấn đề gì liên quan đến tranh chấp giữa hai nước thì hai nước bàn bạc. Tranh chấp giữa nhiều nước thì nhiều bên cùng tham gia giải quyết. Nhưng tôi xin nói lại rằng, chúng ta bảo vệ chủ quyền bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở phải tôn trọng luật pháp quốc tế, và yêu cầu các nước cũng phải tôn trọng luật pháp quốc tế vì đây là thế mạnh của các nước.
Các nước nhỏ và vừa phải dựa trên luật pháp quốc tế thì mới bảo vệ được chính mình, và yêu cầu các nước cũng phải tôn trọng, tuân thủ luật pháp quốc tế. Đó là chủ trương của chúng ta. Và đương nhiên khi bất cứ vấn đề gì xâm phạm đến lợi ích của chúng ta thì ta phải kiên quyết đấu tranh để chống lại bằng mọi biện pháp nhằm bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia.
Phó Thủ tướng đánh giá như thế nào về khả năng Trung Quốc leo thang ở Biển Đông nếu như các bên không có các động thái đủ mạnh mẽ? Nhiều người lo ngại về khả năng xung đột trên Biển Đông dẫn đến một cuộc chiến tranh ở quy mô thế giới và sự tham chiến của nhiều nước. Và Phó Thủ tướng suy nghĩ gì về nhận định đó?
Biển Đông không phải là vấn đề riêng của khu vực. Biển Đông là tuyến đường hàng hải hết sức quan trọng trên thế giới. Vấn đề đảm bảo an ninh an toàn hàng hải là nhu cầu chung, không phải chỉ có các nước trong khu vực mà còn là của các nước trên thế giới, của các nước bên ngoài khu vực. Do đó tất cả các nước đều có trách nhiệm đóng góp vào việc đảm bảo duy trì, hòa bình, ổn định trong Biển Đông.
Việc giải quyết đó phải là giữa các bên liên quan giải quyết. Đây cũng là yêu cầu của các nước; vì các nước không thể tham gia vào giải quyết vấn đề chủ quyền đối với từng vấn đề giữa các quốc gia với nhau mà phải là giải quyết giữa các quốc gia liên quan.
Còn việc để xảy ra tình trạng leo thang là trách nhiệm của các nước để xảy ra tình trạng leo thang. Việc xung đột dẫn đến chiến tranh là đi ngược với xu thế của thời đại hiện nay, vì xu thế chung là ngăn chặn chiến tranh, kiểm soát xung đột bằng các biện pháp kiềm chế, tự kiềm chế, và kiềm chế của trong các khuôn khổ. Tình hình hiện nay cho thấy, các nước đang yêu cầu kêu gọi các bên kiềm chế đã thể hiện quan tâm của các nước.
Trong ASEAN cũng vậy khi các quốc gia bày tỏ lo ngại sâu sắc là lo ngại về tình hình không được kiểm soát. Cần nói thêm, sẽ không thể lường trước được hậu quả của tất cả các cuộc chiến tranh và không có ai chiến thắng trong cuộc chiến tranh này.
Hiện ASEAN và Trung Quốc đang thực thi Tuyên bố về ứng xử ở Biển Đông (DOC); tiến tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Trong kỳ họp vừa qua giữa ASEAN và Trung Quốc, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng đã nói cố gắng hoàn thành COC giữa các nước ASEAN với Trung Quốc vào năm 2017.
Đó là tín hiệu hết sức tích cực để chúng ta hy vọng: Các nước phải có trách nhiệm. Các nước lớn càng phải có trách nhiệm lớn trong việc đảm bảo duy trì hòa bình, ổn định. Còn khi đã xảy ra xung đột thì cộng đồng quốc tế sẽ là tiếng nói để phản đối các cuộc xung đột, chiến tranh.
Phó Thủ tướng có hy vọng gì về khả năng đạt được một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông COC trong năm 2016?
Mục đích xây dựng COC khi các nước đề ra đó là làm sao xây dựng một văn kiện pháp lý giữa ASEAN và Trung Quốc để duy trì được hòa bình ổn định ở Biến Đông. Đó là mục tiêu đặt ra. Việc thảo luận về COC đã có từ lâu, quá trình này trong thời gian vừa qua diễn ra quá chậm so với mong muốn của các nước, so với mong muốn của ASEAN trong đó có Việt Nam.
Chúng ta luôn luôn là nước thúc đẩy, thúc giục sớm để hoàn thiện COC. Bởi vì COC nếu đạt được những nội dung quan trọng có tính chất ràng buộc thì sẽ là một cơ sở pháp lý của vấn đề kiềm chế, để kiểm soát được tình hình Biển Đông, giải quyết được các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông và đó là mong muốn của chúng ta. Chính vì vậy ta luôn luôn yêu cầu sớm đi đến ký kết. Trong thực tế khi làm điều phối viên của ASEAN-Trung Quốc, chúng ta đã tiến hành và đưa ra những thành tố của COC và cũng đạt được đồng thuận giữa các nước trong ASEAN với nhau về những thành tố quan trọng về COC.
Xin trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng!
Theo M.Loan-V.Thắng (daidoanket.vn)