Bác sĩ thú y miệt vườn
Nhiều người được đào tạo bài bản, có bằng cấp hẳn hoi, có người chỉ được “thầy” cầm tay chỉ việc, nhưng họ đều được bà con nông dân trìu mến gọi “bác sĩ thú y”. Gọi là bác sĩ cũng không có gì là quá, bởi công việc của họ là chăm sóc, trị bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.
Rong ruổi khắp “vựa heo”
Trên địa bàn huyện Hoài Ân, đàn heo luôn duy trì trên 150 ngàn con, tập trung ở gần 200 trang trại lớn và các gia trại, hộ gia đình. Theo ông Nguyễn Thành Phụng, Trưởng trạm Thú y huyện, ngoài 15 cán bộ thú y xã, thị trấn, 82 cán bộ thú y thôn, còn có hàng trăm người hành nghề tự do ở vựa heo này. Hằng ngày, họ rong ruổi cả chục cây số trên khắp đường làng ngõ xóm, đến tận các hộ gia đình để chăm sóc, trị bệnh cho đàn heo, chấp nhận môi trường làm việc không mấy sạch sẽ. Công việc tưởng chừng như đơn giản, nhưng để kiếm được đồng tiền công và tạo uy tín cho bản thân là cả một quá trình gian nan.
Nông dân nhiều thế hệ ở đất Trung du Hoài Ân đều biết đến ông Hoàng Văn Thoại, 58 tuổi, thú y thôn Phú Văn, xã Ân Thạnh. Gần 30 năm nay, người ta đã quen với tiếng rao “Thiến heo đê”, cùng hình ảnh một người đàn ông dong dỏng cao, treo chiếc túi đồ nghề thiến heo trên xe đạp, rong ruổi từ làng này đến xóm khác hành nghề. Bây giờ, trong túi của ông không chỉ có con dao, cuộn chỉ, cây kim, lọ thuốc sát trùng, mà còn có cả ống phối heo, thuốc trị bệnh và ống xilanh để tiêm. Khác với những thú y viên khác chỉ có thể chăm sóc cho heo, ông Thoại còn là “bà đỡ” mát tay cho bò. Bất cứ xa gần, hễ bò nhà nào đẻ khó hay bị bệnh gì, gọi điện là ông có mặt.
Trước đây, làm nghề thú y chủ yếu là người trung niên, lớn tuổi. Thời gian gần đây, nhiều thanh niên sau khi học các trường nghề đã chọn công việc này mưu sinh. Tốt nghiệp trung cấp thú y năm 2008, anh Võ Văn Hiệu về quê ở thôn Vĩnh Hòa, xã Ân Đức lập nghiệp. Theo anh Hiệu, uy tín của người làm nghề được khẳng định từ việc phối giống cho heo: “Việc phối giống cho heo không giống như trị bệnh. Heo mắc bệnh thì có biểu hiện rõ, chẩn đoán bệnh rồi điều trị. Còn phối giống cho heo đòi hỏi người làm nghề phải đoán chính xác thời điểm cần phối, heo mới đậu thai”.
Bên cạnh phối giống, thiến heo cũng là một kỹ năng quan trọng, đòi hỏi sự thuần thục và chuẩn xác. Thiến không đúng kỹ thuật, máu chảy không ngừng, heo kiệt sức dẫn đến chết; lấy không hết tinh hoàn, heo phát triển không bình thường. “Thiến mỗi con được 3.000 - 5.000 đồng, phối giống cho heo nái thì 30.000 đồng, cùng với tiêm phòng, trị bệnh, một ngày có thể thu nhập trên dưới 200 ngàn đồng đối với những người có tay nghề thực thụ”, anh Trần Văn Triều, ở thôn An Thường 2, xã Ân Thạnh, cho biết.
Phụ nữ cũng… thiến heo
Nhiều người nghĩ bác sĩ thú y là lĩnh vực “bất khả xâm phạm” của cánh mày râu. Thực tế đã chứng minh quan niệm này không đúng. Người trong nghề ít ai chưa nghe tên chị Dương Thị Ba, Trưởng thú y xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước. 47 tuổi, nhưng chị Ba đã có 24 năm trong nghề. Học xong lớp trung cấp thú y, chị về quê (thôn Tình Giang Bắc, xã Phước Hiệp) làm nghề. Đến năm 1987, chị theo chồng về Phước Thắng, gắn bó với công việc đặc biệt này đến nay.
Biết nhau từ nhỏ, nên tôi hiểu Võ Văn Hiệu thuộc dạng “chân đi”, chẳng bao giờ chịu ngồi ở nhà được cả ngày. Có thời điểm heo bị dịch, bà con hầu như ngưng nuôi, không ai gọi nhưng anh vẫn lấy xe chạy vòng vòng tới những mối quen để hỏi han tình hình. Với anh, làm nghề như một đam mê. “Nghề nào nghiệp nấy, không đi thì cứ nhớ cái mùi hôi hôi, tiếng kêu eng éc của mấy con heo, rồi nó ngứa ngáy tay chân, khó chịu lắm”, Hiệu thật thà cho biết.
Được học hành bài bản, lại được va chạm thực tế khá nhiều, nên tay nghề của chị Ba khiến nhiều đồng nghiệp nam phải thán phục. Đôi tay rắn chắc, giọng nói chắc nịch càng củng cố thêm niềm tin cho những lời khen tôi được nghe trước khi được gặp chị. Chữa bệnh, thiến heo, bò, trâu… là những việc “thường thường”. Chị Ba còn nổi tiếng bởi từng mổ heo nái để lấy con. Lúc mới về làm việc ở Phước Thắng, chị được một hộ nuôi heo ở thôn Tư Cung “vời” đến để giải quyết một ca hết sức đặc biệt. Một con heo nái lần đầu mang thai, gia chủ nuôi kỹ quá nên đàn heo con trong bụng “quá tải”. Chị Ba kiểm tra kỹ, thấy đường sinh sản của heo mẹ quá nhỏ không tự đẻ được, nếu không mổ kịp thời sẽ mất cả heo mẹ lẫn đàn heo con. Ca mổ thành công mỹ mãn, 9 chú heo con ra đời an toàn trong niềm vui của chủ nhà lẫn “bác sĩ bất đắc dĩ”. “Đó là ca mổ đặc biệt mà sau này tôi chưa bao giờ gặp lại. Từ trước giờ, tôi cũng chưa nghe có ai dạy kỹ thuật mổ đẻ cho heo cả”, chị Ba tươi cười.
Không có thâm niên bằng chị Ba, nhưng chị Nguyễn Thị Tâm, ở thôn Vạn Hội 2, xã Ân Tín, huyện Hoài Ân vẫn dạn dày kinh nghiệm. “Hồi học xong lớp 12, thấy sức học của mình yếu, không thể thi thố gì nữa, nên tôi đi học thú y. Học viên nữ chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong số đó tôi trẻ nhất. Lúc thầy hướng dẫn kỹ thuật thiến heo, mấy anh con trai cứ bày trò chọc, có chị mặt đỏ bưng, chạy ra khỏi phòng thực hành, tôi cũng ngại muốn chết. Nhưng riết cũng quen, rồi hết “dị” luôn”, chị Tâm tếu táo kể.
Học xong, xin việc đâu cũng khó, chị Tâm về nhà mở một quầy bán thuốc thú y, kiêm luôn việc chăm sóc, trị bệnh cho gia súc, trở thành “má hồng” đầu tiên làm nghề thú y ở vựa heo Hoài Ân. Tôi đã nhiều lần được chứng kiến chị Tâm thiến heo, cứ gọi là thoăn thoắt, gọn trơn. Tâm kể, lúc mới về làm nghề, bà con hàng xóm thấy chị đè con heo ra thiến, ai cũng giật mình, kêu chuyện xưa nay hiếm thấy. Hồi chưa lấy chồng, đi đâu làm Tâm cũng bị mấy anh thanh niên trêu chọc, nhưng vẫn kệ, việc mình mình làm.
Nhưng, chuyện oái ăm chưa dừng lại ở đó. Khi chồng “đi nói”, má chồng chỉ biết Tâm bán thuốc thú y, trị bệnh cho heo chứ đâu biết con dâu tương lai thiến heo. Một lần tận mắt thấy Tâm “làm nghề”, bà giật thót, một hai kêu con trai bắt vợ phải bỏ. “Vậy mà bỏ có được đâu, bà con gọi cũng phải đi. Chỉ khi có mang thằng cu, má kiên quyết không cho làm nữa, tôi mới nghỉ một thời gian. Giờ ra ở riêng, bà con cần gì thì tôi giúp, chẳng ngại ngần”, chị Tâm chia sẻ.
Lặng thầm
Lâu nay, không ít người cho rằng nghề thú y nhàn nhã, bởi trị bệnh cho người, lỡ xảy ra chuyện gì thì đi tù như chơi, còn tiêm chết con heo thì làm thịt, vô lo. Nhưng thực tế không phải vậy. Anh Hiệu kể: “Lo nhất và dễ xảy ra tai họa nhất là khi trị bệnh cho đàn heo dịch. Một ngày mình có thể đi đến 5-7 nhà, vào chừng ấy chuồng. Nếu như vào chuồng có dịch, mầm bệnh sẽ bám trên dép, quần áo hay xe. Khi đến chuồng khác, mang cả thứ ấy vào, heo của người ta cũng dịch theo luôn. Những bệnh thông thường thì không nói gì, chứ gặp mầm bệnh nguy hiểm thì coi như gieo họa. Bà con tin tưởng thì mình cũng phải có trách nhiệm với tài sản, gia nghiệp của người ta”.
“Bình quân thu nhập cũng được vài ba triệu đồng mỗi tháng, lại thoải mái về thời gian, nên có thể chăn nuôi hay làm thêm việc gì đó. Những người làm nghề chuyên nghiệp có thể sống khỏe với nghề thú y, xây nhà mua xe cũng không có gì là khó, vì nghề nuôi heo ngày càng phát triển”.
Anh LÊ VĂN TÂN, cán bộ thú y xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân
Đây cũng là tâm niệm và động lực của nhiều người làm nghề. Về Phước Thắng làm việc từ cuối năm 2006, đến năm 2007 chị Ba đã được nhận giấy khen của Chi cục Thú y tỉnh về thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống dịch động vật. Từ đó đến nay, năm nào chị cũng nhận được giấy khen của Chi cục Thú y tỉnh và Sở NN&PTNT. Những tờ giấy khen được xếp chồng trên nóc tủ, bởi vách tường nhà chị phải bày thuốc thú y và những tấm bảng theo dõi thông tin tình hình dịch, bệnh trên đàn gia súc của cả xã.
Có thể nói, việc hình thành đội ngũ làm nghề thú y ở cơ sở đã tạo điều kiện thuận lợi cho bà con mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi, góp phần quan trọng giữ vững và phát triển đàn gia súc. Bà Lê Thị Nhàn, một người nuôi heo xã Ân Tường Tây, huyện Hoài Ân, cho biết: “Chúng tôi rất yên tâm khi có cán bộ thú y lành nghề đến tận nhà để chăm sóc, điều trị bệnh, đặc biệt là kịp thời tiêm vắc-xin phòng dịch cho heo”.
Còn theo ông Nguyễn Thành Phụng, những người làm công tác thú y ở cơ sở là đội ngũ có kinh nghiệm, sâu sát với thực tế, kịp thời phát hiện những ổ dịch để các cơ quan chức năng kịp thời can thiệp. Họ cũng chính là lực lượng tuyên truyền hiệu quả, giúp bà con nông dân nâng cao kiến thức chăm sóc đàn gia súc, gia cầm.
TỐNG BÌNH - NGUYỄN HOÀNG