Hoài Ân: Ðồng bào DTTS mê bóng chuyền
Hoài Ân có 3 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là Bok Tới, Ðak Mang, Ân Sơn. Trong cộng đồng này, luyện tập và thi đấu bóng chuyền từ lâu đã thành phong trào sôi nổi và là môn thể thao thế mạnh.
Bên cạnh các sân bóng chuyền đủ tiêu chuẩn tại khu vực nhà rông, nhà văn hóa cộng đồng, một số nơi còn có nhiều sân bóng chuyền ở các xóm, tuy không được bài bản nhưng vừa đủ để ai mê bóng chuyền có thể đến chơi.
- Trong ảnh: Tập luyện và chơi bóng chuyền là sở thích của nhiều thanh thiếu niên ở các xã vùng cao Hoài Ân. Ảnh: VÕ CHÍ HÀ
Để duy trì và phát triển phong trào bóng chuyền, hàng năm, Trung tâm VH-TT&TT huyện phối hợp với các ngành tổ chức một số giải đấu như: Giải bóng chuyền Ngày hội Văn hóa - Thể thao các DTTS, Giải bóng chuyền truyền thống toàn huyện, Giải bóng chuyền mừng Xuân, Giải bóng chuyền kỷ niệm Ngày Giải phóng huyện và kỷ niệm Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19.4)... Có thể nói, hệ thống các giải đấu này là nền tảng quan trọng để bóng chuyền ở Hoài Ân nói chung, của đồng bào DTTS nói riêng phát triển mạnh mẽ.
“Tại Ngày hội Văn hóa - Thể thao các xã vùng cao huyện Hoài Ân, môn bóng chuyền luôn diễn ra sôi nổi, hấp dẫn, lôi cuốn nhiều đội bóng tham gia thi đấu, có nhiều người cổ vũ sôi nổi nhất”
Một điểm cộng cho chính quyền huyện, các xã và ngành TDTT ở Hoài Ân là đến nay, hầu hết các làng, thôn ở 3 xã vùng cao của huyện là Bok Tới, Đak Mang, Ân Sơn đã làm được sân bóng chuyền đủ tiêu chuẩn tại khu vực nhà rông, nhà văn hóa cộng đồng. Một số nơi còn có nhiều sân bóng chuyền ở các xóm, tuy chưa được bài bản, nhưng vừa đủ để ai mê bóng chuyền có thể đến chơi. Các sân bóng chuyền này thường xuyên có đông người đến vui chơi, luyện tập. Không chỉ vậy, các hội, đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân… còn khuyến khích đoàn viên, hội viên luyện tập, tổ chức thi đấu giao hữu.
Anh Đinh Văn Ngúp, cán bộ Văn hóa - Thể thao xã Bok Tới, không giấu vẻ tự hào, nói: “Phong trào tập luyện bóng chuyền đã lan rộng ở Bok Tới. Rất nhiều người thích chơi bóng chuyền. 5 thôn trong xã đều có đội bóng. Bok Tới đã tổ chức được Giải bóng chuyền truyền thống hàng năm, đến năm nay đã là lần thứ 5”.
Còn anh Đinh Văn Chẩm, thành viên đội bóng chuyền xã Ân Sơn, cho biết: “Phong trào bóng chuyền của xã diễn ra sôi nổi và duy trì thường xuyên nhờ vào sự đồng lòng của nhiều người. Các thành viên đội bóng tự nguyện góp tiền để mua bóng, mua lưới; để đổi không khí, thỉnh thoảng chúng tôi còn mời các đội bạn về thi đấu hoặc du đấu ở các xã lân cận. Vui lắm!”.
Một pha bóng trong trận chung kết tại Giải bóng chuyền Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc 3 xã vùng cao huyện Hoài Ân năm 2015. Ảnh: VÕ CHÍ HÀ
Trao đổi với các cán bộ Trung tâm VH-TT&TT huyện Hoài Ân, chúng tôi được biết, phong trào tập luyện và thi đấu môn bóng chuyền ở 3 xã vùng cao của huyện Hoài Ân đã có từ lâu nhưng phát triển mạnh mẽ trong khoảng 5 năm trở lại đây. Xã nào cũng tổ chức được giải đấu truyền thống, có đủ lực lượng duy trì đội tuyển để tham gia các giải đấu do huyện tổ chức. Từ đây, nhiều VĐV cấp xã đã được tuyển vào đội bóng của huyện và thi đấu rất thành công. Trong đó, có thể kể đến các VĐV như: Đinh Văn Hoanh, Đinh Văn Chuyển (xã Đak Mang); Đinh Văn Liêm, Đinh Văn Chẩm (xã Ân Sơn); Đinh Khiêm, Đinh Văn An (xã Bok Tới).
Thành công của môn bóng chuyền ở huyện Hoài Ân nói chung, ở các xã miền núi, vùng cao của huyện này nói riêng trước hết là nhờ chính quyền và Trung tâm VH-TT&TT huyện làm tốt công tác xã hội hóa các hoạt động TDTT, hỗ trợ tốt các địa phương về chuyên môn, xây dựng được hệ thống giải đấu tương đối dày và hấp dẫn; đồng thời, chỉ đạo sâu sát các đoàn thể động viên hội, đoàn viên tham gia tập luyện để nâng cao sức khỏe.
Có thể xác tín phong trào bóng chuyền qua các Ngày hội Văn hóa - Thể thao các xã vùng cao huyện Hoài Ân. Ở đó, môn bóng chuyền luôn diễn ra sôi nổi, hấp dẫn, lôi cuốn nhiều đội bóng tham gia; lại thu hút được nhiều người cổ vũ sôi nổi. Hy vọng, thời gian tới, phong trào bóng chuyền ở Hoài Ân sẽ còn phát triển mạnh hơn.
VÕ CHÍ HÀ