Nhìn từ vấn nạn ô nhiễm môi trường...
Những năm gần đây, ô nhiễm môi trường sống luôn là vấn đề nóng tại các buổi tiếp xúc cử tri từ cấp huyện đến cấp tỉnh. Đây là hậu quả của việc cơ sở hạ tầng không theo kịp với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa đang diễn ra nhanh chóng, từ nông thôn đến thành thị. Tuy nhiên, giải quyết nhanh hay chậm, hiệu quả hay không phụ thuộc vào sự quan tâm, phản ứng nhanh nhạy của chính quyền địa phương.
Đơn cử, như vụ ô nhiễm ở thôn Ngọc Thạnh 2, xã Phước An, huyện Tuy Phước mà báo Bình Định mới phản ánh. Trong khi người dân địa phương khẳng định đã kêu với chính quyền rất nhiều lần- qua các cuộc tiếp xúc cử tri hay bằng đơn thư phản ảnh trực tiếp, nhưng ông chủ tịch xã bảo vẫn chưa nghe thấy gì. Thì rõ, bởi không nghe, không thấy thì biết đâu mà giải quyết.
Hay tại TP Quy Nhơn, chính quyền thành phố đang tìm cách di dời 2 cụm công nghiệp (CCN) nằm trong khu dân cư là CCN Quang Trung và CCN Nhơn Bình vì gây ô nhiễm môi trường lâu nay. Tuy nhiên, theo báo cáo của Phòng Kinh tế TP Quy Nhơn, việc di dời các doanh nghiệp nằm trong CCN Quang Trung rất khó khăn vì các doanh nghiệp chưa chịu dời đi vì đã đổ vốn đầu tư vào đó; song quan trọng hơn, hợp đồng thuê đất của họ vẫn còn trong thời hạn.
Vậy thì, vai trò của cơ quan chức năng, chính quyền đứng ở đâu trong những trường hợp trên? Là người dân, họ mong chính quyền xử lý nhanh nhạy, dứt điểm tận gốc vấn nạn ô nhiễm đang phải gánh chịu. Nếu không kịp thời giải quyết yêu cầu, kiến nghị chính đáng của họ, sẽ phát sinh đơn thư khiếu kiện vượt cấp, thậm chí mất ANTT.
Vậy nên, mới cần đến vai trò, chức năng tham mưu của cơ quan chuyên môn trong tư vấn, thẩm định, cấp phép đầu tư cho doanh nghiệp. Chính quyền phải có đủ tầm nhìn, tiên lượng hết những vấn đề có thể xảy ra trong tương lai. Trên hết, phải đặt lợi ích, quyền lợi của người dân lên hàng đầu. Đừng vì nóng vội, không muốn vuột mất nhà đầu tư mà vội thỏa mãn các điều kiện doanh nghiệp đưa ra, để khi ô nhiễm môi trường xảy ra mới lo dọn dẹp theo kiểu “nóng đâu phủi đó”. Nhưng, có lúc không thể khắc phục được nữa. Bởi vậy, sau kỳ họp HĐND tỉnh vừa qua, dư luận đồng tình với chủ trương tỉnh không cho Công ty cổ phần An Hải xây dựng Nhà máy chế biến hải sản đông lạnh An Hải 2 tại KV 7, phường Nhơn Phú, ngay cửa ngõ vào TP Quy Nhơn, vì lo ngại hoạt động của nhà máy sẽ gây ô nhiễm môi trường.
Những ngày gần đây, dư luận cả nước rất quan tâm, đồng tình và hoan nghênh quan điểm chỉ đạo điều hành của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Một chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động và phục vụ như Thủ tướng nói, đòi hỏi tinh thần trách nhiệm, thái độ dứt khoát, không né tránh của chính quyền các cấp, từ xã đến tỉnh. Mà trước hết, hãy “xắn tay” vào, từ những chuyện cụ thể, sát sườn với dân sinh là ô nhiễm môi trường.
NGUYỄN NAM