Làm sao để các cuộc tiếp xúc cử tri thực chất và không “nhạt“?
Hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu dân cử chỉ thực chất và hiệu quả khi đại biểu trực tiếp và chủ động “trở về” với cử tri.
Các cuộc tiếp xúc cử tri đã thành thường lệ trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội. Nhưng khi vẫn còn đó những phàn nàn, lo lắng và sự không hài lòng của cử tri với các lĩnh vực đời sống kinh tế xã hội, có nghĩa đại biểu dân cử vẫn trăn trở và nghĩ suy về vai trò đại diện của mình.
Trong đó, đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri không chỉ trong hình thức và cách thức mà quan trọng là trong nhận thức và hành động của mỗi đại biểu Quốc hội để tiến tới chuyên nghiệp hơn là một đòi hỏi.
Đã từng có ý kiến, nếu cứ theo thông lệ, một năm hai kỳ họp Quốc hội với bốn lần tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp, với sự xuất hiện của một số cử tri quen mặt, các cuộc tiếp xúc cử tri có thể “nhạt” và trở nên nhàm chán.
Nhất là trong điều kiện phương tiện thông tin đại chúng đa dạng như hiện nay, cử tri đã cập nhật nhanh hơn các thông tin về kỳ họp và kết quả kỳ họp. Vậy còn gì để nói? Thực tế cử tri vẫn mong muốn được gặp đại biểu Quốc hội thường xuyên hơn, tăng cường đối thoại với cử tri nhiều hơn nhưng đại biểu dân cử tiếp xúc với cử tri như thế nào để cuộc gặp có ý nghĩa đối với cả hai bên là điều vẫn nên được lưu tâm.
Không phụ thuộc vào những quy định của luật, bản thân mỗi đại biểu dân cử có thể tìm lối đi riêng cho mình trong tiếp xúc với cử tri. Đó là cách thu nạp vốn sống, những hiểu biết thực tế phong phú nhất, hữu ích nhất cho hoạt động của mình.
Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, đa dạng hình thức tiếp xúc, không bị bó hẹp về thời điểm và không gian được bố trí sẵn, đại biểu có thể tự mình chủ động tạo ra những kênh tiếp xúc với cử tri với thành phần cử tri mở rộng hơn, đa dạng hơn.
Nội dung không thể thiếu trong buổi tiếp xúc cử tri là về những thông tin liên quan đến kỳ họp. Sức hấp dẫn của một cuộc tiếp xúc cử tri phụ thuộc vào khả năng phân tích, chắt lọc, lựa chọn vấn đề của đại biểu sao cho phù hợp với mối quan tâm của cử tri.
Trong tiếp xúc cử tri, có hai điều nên lưu tâm đó là phải biết nói những điều cử tri muốn nghe và biết nghe những điều cử tri muốn nói với Quốc hội, với người đại diện của mình. Biết nói những điều cử tri muốn nghe đòi hỏi người đại biểu phải có năng lực, nắm bắt thông tin, biết lựa chọn và tập hợp những thông tin để nói với cử tri, đáp ứng yêu cầu muốn được nghe của cử tri. Đồng thời cũng phải biết nghe những điều cử tri muốn gửi gắm.
Điều này đòi hỏi người đại biểu phải có bản lĩnh, tự tin và gần gũi với cử tri, ngay cả trong buổi tiếp xúc đó có những điều bức xúc, nổi cộm. Có như vậy, người đại biểu mới thu nhận được những ý kiến đa chiều và giúp cho mình đại diện được cho cử tri trong các hoạt động của Quốc hội.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, trong mỗi buổi tiếp xúc cử tri, đại biểu Quốc hội nên dành thời gian báo cáo thêm với cử tri về hoạt động của cá nhân hoặc của đoàn đại biểu Quốc hội tại kỳ họp. Qua đó, cử tri có những góp ý cụ thể hơn về những yêu cầu và đòi hỏi để nâng cao chất lượng hoạt động.
“Việc cử tri đóng góp với đại biểu Quốc hội là cần thiết để cử tri giúp cho đại biểu đó biết được những mặt mạnh, mặt yếu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên lấy ý kiến ở diện nào đó, nếu hẹp quá những không phản ánh hết ý kiến của cử tri với đại biểu Quốc hội. Trong buổi tiếp xúc cử tri cuối năm nên dành một thời lượng nhất định để đại biểu Quốc hội báo cáo với cử tri và để cử tri đóng góp với các đại biểu", Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội thì trong các buổi tiếp xúc cử tri, đại biểu Quốc hội cần có vai trò chủ động. Người đại biểu phải tạo được không khí gần gũi, làm sao trong suy nghĩ của người dân đại biểu là người đại diện cho mình chứ không phải là người lãnh đạo mình. Đối với từng việc, đại biểu có thể đến tận địa phương, địa bàn để trao đổi, cùng bàn thì buổi tiếp xúc cử tri sẽ thân thiện và mang tính lắng nghe, giải quyết vấn đề của dân hơn.
Hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu dân cử chỉ thực chất và hiệu quả khi đại biểu trực tiếp và chủ động “trở về” với cử tri. Nhưng nó chỉ trở nên không nhàm chán khi đại biểu không chỉ biết lắng nghe, tiếp nhận mà còn biết theo đuổi đến cùng việc giải quyết kiến nghị chính đáng của cử tri. Làm tròn vai đại biểu dân cử suy đến cùng là thực hiện được yêu cầu này.
Theo Minh Trang/VOV1